
Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Nguyễn Hoàng Nguyên (bìa trái) cùng đoàn phim Địa đạo. Từ trái qua: diễn viên Thái Hòa (Bảy Theo), diễn viên Hồ Thu Anh (Ba Hương), đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hôm 7-4, buổi giao lưu trực tuyến với đoàn phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối diễn ra tại trụ sở báo Tuổi Trẻ ở TP.HCM. Các khách mời là đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, diễn viên Thái Hòa (Bảy Theo), diễn viên Hồ Thu Anh (Ba Hương) và bà Nguyễn Thị Thanh Thúy.
Tính đến sáng 8-4, bộ phim cán mốc 81 tỉ đồng chỉ sau khoảng sáu ngày ra rạp (bao gồm 2 ngày chiếu sớm ít suất).
Địa đạo không thể dành cho khán giả dưới 16 tuổi
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vui mừng, xúc động khi khán giả cảm nhận được ý nghĩa của phim. Có những bạn trẻ gen Z, 20 tuổi, bày tỏ lòng tự hào vì cha ông của chúng ta, vì các bạn thấy căn tính của Việt Nam thông qua bộ phim: kiên cường, bất khuất, công minh, biết cách chiến đấu và chiến thắng.
Anh nói: "Làm phim lịch sử phải đánh cược nhiều thứ, từ động lực của các nhà đầu tư đến sự giúp đỡ của những cơ quan chính quyền. Nhưng động lực lớn nhất là ánh mắt của những cô bé, cậu bé nhìn bộ phim và nói với chúng tôi rằng "Bọn con rất cần những tinh thần như thế này cho tương lai của bọn con". Điều đó khiến chúng tôi thực sự tự hào".

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên giải thích lý do phim không thể phân loại độ tuổi dưới 16 - Ảnh: ĐPCC
Bùi Thạc Chuyên hy vọng phim có thể gieo những nhận thức và tinh thần để giới trẻ ngày nay có thêm sức mạnh để làm bất cứ việc gì.
Có những bạn đọc của Tuổi Trẻ tha thiết mong bộ phim có phiên bản dành cho những khán giả dưới 16 tuổi vì có rất nhiều bạn học sinh mong muốn được xem phim. Họ mong rằng thông điệp về lòng yêu nước được truyền tải đến nhiều thế hệ. Trước vấn đề này, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên giữ quan điểm cứng rắn về mặt sáng tạo.
Anh nói: "Việc miêu tả chiến tranh với tất cả những sự khốc liệt, tàn bạo của nó là cần thiết.
Bởi có lẽ chúng ta đã bắt đầu một giai đoạn lịch sử mà chúng ta phải nói về nó một cách sòng phẳng nhất. Ngày trước vì phải khích lệ tinh thần chiến đấu, chúng ta luôn nói về lịch sử như một điều gì đó rất vẻ vang, vinh quang.
Nhưng chúng ta luôn kiệm lời khi nói về những đau thương, mất mát, tổn thất của chúng ta qua hai cuộc chiến.
Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận đúng mực, vì chỉ khi nhìn nhận những mất mát, đau thương thì chúng ta mới thấy cống hiến của những người đi trước vĩ đại như thế nào".
Đạo diễn cũng nhận được những chia sẻ từ khán giả rằng phim đã phản ánh chân thực về những đau đớn, tổn thất của đất nước.
Do đó phim của anh không thể né tránh những cảnh không phù hợp với khán giả dưới 16 tuổi như những cái chết được mô tả trực diện, cảnh bạo lực... Anh nghĩ sẽ có những sản phẩm khác phù hợp để người dưới 16 tuổi có thể hiểu về chiến tranh.
Còn riêng Địa đạo, Bùi Thạc Chuyên hy vọng phim sẽ được chiếu lâu dài chứ không chỉ riêng đợt phát hành này, khiến những đứa trẻ lớn lên và tròn 16 tuổi có thể xem được.
Về chủ đề, câu chuyện và cách bộ phim được thực hiện, anh tin rằng không thể nào cũ được. Dù 10 năm hay 30 năm, phim vẫn có nguyên giá trị về cuộc chiến là niềm tự hào của đất nước, của dân tộc.
Đoàn phim Địa đạo giao lưu trực tuyến với bạn đọc Tuổi Trẻ
Đã có thiên thời, địa lợi cho dòng phim lịch sử?
Sau khi Địa đạo thành công, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận được nhiều lời gợi ý về đề tài phim lịch sử tiếp theo.
Chẳng hạn như chuyển thể cuốn Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh hay làm phim về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 hoặc theo chân những điệp viên huyền thoại của cụm tình báo H63 mà cụm trưởng chính là đại tá Nguyễn Văn Tàu (anh hùng Tư Cang) - người đã đến dự buổi chiếu ra mắt và ủng hộ Địa đạo.
Đạo diễn hy vọng việc khán giả đón nhận Địa đạo, cho phim có doanh thu khởi đầu rất tốt sẽ tạo cơ hội cho những bộ phim lịch sử trong tương lai.
Ngày trước, phim lịch sử Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển chọn diễn viên vì không có quá nhiều lựa chọn. Nhưng ngày nay, một diễn viên thuộc hàng gạo cội, "anh cả" như Thái Hòa cũng thừa nhận các bạn trẻ hiện nay máu lửa, chuyên nghiệp với nghề diễn.
Hồ Thu Anh (đóng vai Ba Hương) là cái tên còn mới với khán giả nhưng cũng đã có kinh nghiệm đóng ba vai diễn lăn xả trong ba dự án phim đặc biệt.

Không chỉ có doanh thu cao, Địa đạo còn có giá trị truyền cảm hứng để dòng phim lịch sử Việt Nam có thêm tác phẩm tốt - Ảnh: ĐPCC
Với Hồ Thu Anh, nhân vật Ba Hương có phải "vai diễn để đời?". Cô cảm ơn vì cụm từ đó nhưng hứa sẽ làm tốt hơn nữa trong tương lai.
"Sự vất vả của Ba Hương đổi lại được một trải nghiệm tuyệt vời. Đầu tiên là trải nghiệm về nghề diễn. Tôi thấy may mắn vì không phải ai cũng có được vai diễn trong dự án chất lượng như Địa đạo. Tôi học được rất nhiều từ đồng đội trong ê kíp của bộ phim. Trải nghiệm về bộ phim rất đặc biệt, tôi sẽ nhớ suốt đời.
Thứ hai, qua bộ phim tôi cảm nhận sâu sắc tinh thần dân tộc. Có rất nhiều những suy nghĩ về quá khứ, về chiến tranh, về hòa bình, về sự hy sinh của cha ông trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc".
Về trăn trở cho dòng phim lịch sử, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy nhận được câu hỏi từ khán giả rằng dòng phim này vẫn có ít nhà làm phim dám đụng đến, khán giả này tiếc nuối vì tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh chưa được đưa lên màn bạc.
Bà Thúy trả lời: "Chúng ta thấy rằng đã có nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam được Hollywood nói riêng và thế giới nói chung khai thác, có thể kể đến như bộ phim A yank in Vietnam của đạo diễn Marshall Thompson, Mũ nồi xanh, Kẻ săn nai... Tuy nhiên đa phần vẫn trên góc nhìn một chiều.
Những bộ phim này được đầu tư rất lớn và tạo nhiều sự thu hút với khán giả thế giới. Chúng ta rất cần những bộ phim về đề tài này nhưng ở góc nhìn lịch sử chân thật, khách quan và nhân văn hơn.
Nhất là khi phim về đề tài chiến tranh cách mạng được đội ngũ làm phim Việt Nam thực hiện lại càng đáng trân trọng. Điều này không chỉ khẳng định giá trị to lớn của lịch sử mà còn thể hiện mạnh mẽ sự phát triển của điện ảnh nước nhà".

Vợ chồng Thái Hòa đồng hành trong quá trình quảng bá Địa đạo. Anh được truyền cảm hứng đóng phim vì ông ngoại vợ từng chiến đấu ở Củ Chi - Ảnh: ĐPCC
Bảy Theo hy sinh đúng chất du kích Củ Chi
Một bạn đọc Tuổi Trẻ cho biết rất xúc động với hình ảnh hy sinh cuối phim của Bảy Theo và hỏi Thái Hòa có mất nhiều công sức chuẩn bị cho cảnh phim.
Anh trả lời: "Thật ra cảnh bạn thấy ở cuối phim là hình ảnh cuối cùng của cả một đoạn diễn dài trước đó. Với mình, phân đoạn đã cắt đi đó là phân đoạn khắc họa rõ nét nhất về nhân vật Bảy Theo cũng như là phân đoạn trả lại một số tình tiết đã gieo trước đó.
Nhưng theo anh Chuyên, để tốt hơn cho bộ phim cảnh đó cần phải cắt đi, rất buồn dù phải chấp nhận thôi và như nhân vật chú Sáu có nói trong phim: Công lao của tụi bây, Tổ quốc sẽ biết, nhân dân sẽ biết. Vậy Bảy Theo chết như thế nào? Anh em du kích Bình An Đông đã biết, anh em đoàn phim đã biết và anh Chuyên cũng biết".
Dù rất buồn nhưng Thái Hòa cảm nhận được ý nghĩa của cảnh phim là trong chiến tranh còn rất nhiều tấm gương hy sinh thầm lặng chúng ta không thể biết hết.

Khán giả ở rạp Galaxy Kinh Dương Vương mang cờ đỏ sao vàng đi xem phim và giao lưu với đoàn phim Địa đạo - Ảnh: ĐPCC
Phim lịch sử chiến tranh ăn khách nhất Việt Nam?
Như đã nói ở trên, Địa đạo đã đạt doanh thu 81 tỉ đồng chỉ sau gần sáu ngày ra rạp. Trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương, phim vẫn thu thêm gần 15 tỉ đồng (tính đến 17h).
Có thể thấy khán giả vẫn dồn lực ủng hộ phim cũng như các rạp ưu ái suất chiếu (hơn 4.800 suất trong ngày 7-4). Trong ít ngày tới, Địa đạo sẽ cán mốc trăm tỉ. Phim khó có đối thủ lớn trước dịp 30-4, khi Thám tử Kiên và Lật mặt 8 đồng loạt ra rạp.
Do đó, Địa đạo có cơ hội trở thành phim lịch sử chiến tranh ăn khách nhất Việt Nam. Theo phía nhà sản xuất, sắp tới đoàn phim sẽ tổ chức một sự kiện chiếu phim ngay tại Củ Chi và mời những người từng là du kích chiến đấu tại Củ Chi tham dự.
Sự kiện này nhằm tri ân công lao của những người anh hùng từng chiến đấu bảo vệ mảnh đất Củ Chi, bảo vệ nền độc lập nước nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận