
Thái Hòa trong lần xuất hiện hiếm hoi ở thể loại phim chiến tranh - Ảnh: ĐPCC
Nhưng rồi Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối xuất hiện như một đường hầm phá vỡ mọi quy ước cũ kỹ ấy.
Bộ phim không chỉ tái hiện cuộc chiến bằng góc nhìn Việt Nam với nhiều sự mới mẻ, phá cách mà còn giúp đưa thể loại phim chiến tranh vốn bị định kiến "khô khan" này đến một vùng đất mới, gần hơn với hơi thở hiện đại của điện ảnh thế giới nhưng vẫn không đánh mất đi tiếng nói bản địa.
10h sáng nay 7-4, báo Tuổi Trẻ tổ chức giao lưu trực tuyến với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, diễn viên Thái Hòa và diễn viên Hồ Thu Anh của phim Địa đạo tại trụ sở báo (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Buổi giao lưu còn có bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM.
Mời bạn đọc đặt câu hỏi cho đoàn phim và bà Nguyễn Thị Thanh Thúy. Buổi giao lưu sẽ được tường thuật trực tiếp trên Tuổi Trẻ Online.
Đoàn phim Địa đạo giao lưu trực tuyến với bạn đọc Tuổi Trẻ
Phim chiến tranh không kể chuyện chiến tranh
Mọi thứ diễn ra trong không gian chật hẹp, ngột ngạt của hệ thống địa đạo Củ Chi vào thời điểm căng thẳng của cuộc chiến.
Nơi đó, những người lính du kích - vốn là nông dân, học sinh, người lao động - phải đối mặt với sự bao vây liên tục từ phía Mỹ. Không có lựa chọn nào khác ngoài việc họ phải ẩn nấp, phòng thủ để tìm cách bảo toàn mệnh lệnh tối mật.
Trailer Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối
Khác với những bộ phim chiến tranh Việt Nam truyền thống như Cánh đồng hoang hay Mùi cỏ cháy, vốn mang đậm màu sắc bi tráng và đề cao chủ nghĩa anh hùng tập thể, Địa đạo thu hẹp ống kính vào không gian lòng đất, vào từng cá nhân cụ thể và những giằng xé nội tâm rất con người.
Phim không dùng diễn ngôn chính trị để định hướng cảm xúc mà để người xem tự cảm nhận sự căng thẳng hiện trường qua nhịp thở gấp giữa lòng đất, những bước chân run rẩy trong bóng tối và âm thanh chát chúa, dồn dập của súng đạn.
Bùi Thạc Chuyên cho thấy sự táo bạo khi lựa chọn không gian hẹp của địa đạo, với tông màu nâu đất của bùn lầy, mồ hôi, áo vải như thấm vào da thịt các nhân vật trong hầu hết thời lượng phim.
Tông màu này cũng khiến bộ phim mang cảm giác hoài niệm, làm người xem như thấy mình đang ngồi bên bếp lửa được nghe kể về những điều quá vãng nhưng không bị quên lãng của ông cha.
Cách kể chuyện liền mạch trong bối cảnh tối tăm đầy ám ảnh khiến khán giả vừa xúc động nhưng cũng vừa rùng mình như đang bò trườn giữa hai làn đạn, tính mạng có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào và bi kịch có thể ập đến ngay cả khi đang lạc quan cười nói.
Ở điểm này, Địa đạo có nhiều điểm tương đồng với 1917 của đạo diễn Sam Mendes - một bộ phim chiến tranh đột phá về mặt hình ảnh và nhịp phim, khiến người xem bị "trói" vào đường dây hành động dù phim chỉ áp dụng cách quay giả lập một cú máy liên tục.
Địa đạo có những khoảnh khắc thể hiện sự ngập ngừng, lưỡng lự, sợ hãi, tập trung vào yếu tố đạo đức và nhân tính, gợi nhớ đến Saving Private Ryan của Steven Spielberg.
Phim không kể chuyện chiến tranh mà kể chuyện con người trong chiến tranh, biến chiến tranh trở thành bối cảnh để khai thác con người chứ không còn là mục tiêu để kể về chiến thắng hay vinh quang.

Chuẩn bị cho một cảnh quay đêm tại Củ Chi của đoàn phim Địa đạo - Ảnh: C.K.
Điện ảnh tinh tế của Bùi Thạc Chuyên
Phong cách của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - từ Sống trong sợ hãi, Chơi vơi, Tro tàn rực rỡ đến Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối - đều có một điểm chung: ông quan tâm đến những phận người bị gạt ra bên lề, đến những thân phận nhỏ bé giữa dòng chảy lớn của cuộc đời.
Ở tác phẩm gần nhất của ông - Tro tàn rực rỡ (2022), đó là ba người phụ nữ nghèo ở vùng sông nước miền Tây.
Họ không có quyền lực, không tiếng nói, không lý tưởng lớn lao. Họ là những người vợ, người mẹ, người yêu, người bị bỏ lại phải lặng lẽ chống chọi với nỗi đau, sự phản bội và những trật tự bất công của một xã hội vốn không ưu ái họ.
Còn ở Địa đạo, đó là những con người bình dân nhưng đã đứng lên vì một niềm tin giản dị: bảo vệ nhau, sống sót và giữ gìn những điều thiêng liêng cho Tổ quốc.
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối không dừng lại ở một tác phẩm chiến tranh. Đó là một hành trình cảm xúc - vừa nghẹt thở, vừa thổn thức, mở ra một lối đi mới cho dòng phim chiến tranh Việt Nam với khả năng kể chuyện bằng điện ảnh hiện đại, tinh tế nhưng vẫn mang đậm dấu ấn cá nhân.
Từ lòng đất, từ những người dân không tên, ta nhìn thấy những tia sáng lấp lóe đã rọi lên. Đó là thứ ánh sáng không chói lòa nhưng âm ỉ, kiên cường và đầy hy vọng.
Đó là mặt trời trong bóng tối và cũng là lời khẳng định thầm lặng rằng chiến tranh có thể chôn giấu con người dưới lòng đất nhưng không bao giờ che khuất được ý chí bền bỉ để vươn lên.
Thay vì dựng lên những trận đánh hoành tráng hay những ký ức lịch sử tập thể, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chọn đưa người xem theo chân một nhóm người trong hành trình sống còn giữa lòng đất. Họ là những con người rất bình thường, nhỏ bé, có thể dễ dàng bắt gặp ngoài đời thực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận