Mua chung cư trả góp qua ngân hàng là giải pháp phổ biến nhất cho người không có nhiều tiền - Ảnh: NAM TRẦN
Ấy thế nhưng chọn thuê được tổ ấm phù hợp cũng có bao chuyện dở khóc dở cười. Đến như tôi đã 18 lần chuyển nhà thuê vẫn bị cười "lơ mơ, là đà như con gà ăn quả cà"...
Những tổ ấm mini
"Muốn gần thì ở nhà bé, còn muốn thoải mái thì đi xa", Nguyễn Thành Long, người bạn ở phường Gia Thụy, quận Long Biên, tư vấn. Long bảo kinh nghiệm... bị đuổi khỏi phòng trọ có đầy mình. Mười năm sống ở Hà Nội, anh chuyển nhà năm lần.
Long kể, gọi là "chung cư mini", thực chất là nhà trọ khép kín. Chủ nhà chồng lên nhiều tầng, chia thành nhiều phòng cho thuê. Một lần Long được nghỉ sớm, vợ gọi điện nhờ thu quần áo vì trời mưa. Khu phơi phóng chung trên tầng thượng.
Lớ ngớ thế nào Long gom luôn cả đồ lót hàng xóm. Mấy hôm sau, chị vợ phát hiện "đồ lạ", nghi chồng có bồ nhí, khục khặc mãi. Sau đó anh chuyển nhà, tìm căn chung cư đúng nghĩa để có chút "riêng tư".
Nơi tiếp theo vợ chồng Long ở là chung cư cũ tại khu Giảng Võ. Chủ có nhà mới, cho thuê lại nhà cũ nhưng khá rộng rãi với hai phòng ngủ, bếp núc, vệ sinh... Long dự định sẽ ở lâu dài cho đến khi có đủ tiền mua nhà, nhưng vợ chồng mới ở được hơn một năm thì phải chuyển đi vì Nhà nước thu hồi.
Thế là Long "bật" ra ngoại thành từ bấy đến giờ. "Ở ngoài này cũng hay, giá rẻ, hàng xóm thân thiện như quê. Còn chú thích gần cơ quan, đi làm cho tiện, hoặc con cái đi học gần thì cứ tìm trong nội thành".
Thôi thì thượng vàng hạ cám "chung cư mini" ở Hà Nội - tổ ấm phổ biến của các cặp vợ chồng trẻ không đủ tiền mua nhà riêng như chúng tôi. Giá nào, vị trí nào cũng có. Tôi tìm khoảng giá từ 3 triệu, các trang quảng cáo hiện ra cả những căn hộ 28m2 nhưng giá cho thuê 8 triệu đồng.
Tất nhiên, kinh nghiệm 18 lần chuyển nhà cho tôi biết không thể tin quảng cáo mà phải xem trực tiếp. Tôi gọi nhiều cuộc điện thoại để xem nhà, chỗ thì báo đã cho thuê, chỗ đã có "cọc", rồi một chị chủ nhà mách có căn mới xây ở quận Cầu Giấy và hẹn tôi đến xem.
Căn "chung cư mini" nằm sâu trong ngõ ở đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy thực ra là khu nhà trọ khép kín. Chủ nhà quảng cáo "chung cư" cho sang nhưng ở đây được cái tiện. Vào trung tâm phố hoặc ra đường vành đai đều gần. Bà chủ nhà dẫn chúng tôi lách qua cánh cửa để lên cầu thang.
Chung cư bảy tầng nhưng chỉ có một cầu thang hẹp. Hai người đi bộ phải nghiêng người để tránh nhau. Mỗi "căn hộ" vỏn vẹn 28m2, mọi thứ từ bàn bếp, nhà vệ sinh, cửa sổ... đều nhỏ, phần lớn là sinh viên thuê nhưng cũng có cả gia đình lớn tuổi. Chỉ tưởng tượng cảnh vác chiếc tủ lạnh 40 lít lên cầu thang thôi đã lạnh người.
Bà chủ hồn nhiên: "Cần đồ to làm gì? Khách thuê đây toàn dùng đồ bé. Nhà chị còn một căn đủ đồ, giá chỉ 4 triệu rưỡi. Cô chú xem luôn, nếu thích thì chỉ việc mang quần áo đến ở".
Căn "full đồ" ở tầng 6 có một chiếc giường, tủ quần áo, đồ nấu ăn và một chiếc tủ lạnh nhỏ như chiếc tủ của những chú lùn trong truyện cổ tích. Khu giặt giũ, phơi đồ chung trên tầng 7, xe máy để tầng 1. Tôi lắc đầu vì gia đình bốn người mà phòng bé quá...
Lạc nghiệp rồi mới an cư?
Đọc "tút" tìm thuê nhà trên trang Facebook cá nhân của tôi, chị Hạnh gọi điện trách không hỏi trước chị mà tự đi tìm. "Người đâu chuyển nhà hơn chục lần mà vẫn là đà như con gà ăn quả cà! Sang đây! Tránh những chỗ nhiều khu công nghiệp ra".
Vợ chồng chị Hạnh quê Bắc Giang, sống gần 20 năm ở Hà Nội nhưng mới chuyển nhà hai lần. Căn đầu tiên họ thuê là chung cư cũ ở phố Hồ Đắc Di, quận Đống Đa. Sau đó, anh chị thuê được căn nhà riêng gần sân bay Gia Lâm chưa đến 4 triệu đồng.
Chị khuyên chúng tôi đã có gia đình, phải có chỗ "chui ra chui vào" đủ rộng, gần trường học hoặc nơi làm việc để tiết kiệm thời gian.
Quan điểm vợ chồng chị Hạnh không phải gồng mình lên mua nhà, mà dành tiền cho con cái học hành. Nhà riêng ai chả thích, nhưng ít tiền vẫn ở nhà tiền tỉ mới là người thông minh. Chồng chị Hạnh vừa khó tính vừa vui tính. Anh không thích dịch chuyển.
Anh bỏ thời gian đi tìm nhà, khi nào được cái thật ưng ý mới chuyển đến ở. Chị Hạnh tính sẽ thuê nhà thêm chục năm nữa. "Lúc ấy con cái trưởng thành, chúng nó làm ở đâu thì mua nhà khu đó. Mình không quan trọng, sau này nghỉ hưu về quê sống".
Cách nơi chị Hạnh đang ở không xa là khu đô thị xa hoa. Đây là tổ hợp từ chung cư, nhà liền kề, shop house cho đến những biệt thự đẹp như làng cổ châu Âu. Giá thuê căn hộ ở đây rơi vào khoảng từ 4,5 triệu đến hơn chục triệu đồng. Vừa muốn có chỗ ở vừa muốn có địa điểm kinh doanh thì thuê shop house, còn nhiều tiền thì thuê biệt thự.
Anh Phạm Vũ Tuyên lôi tôi vào căn biệt thự mới thuê có vườn hoa, bến thuyền như trong các phim lãng mạn châu Âu. Anh là dân "công trình", có doanh nghiệp xây dựng. Sở hữu đến ba căn nhà phố nhưng anh Tuyên cho thuê cả để lại đi thuê nhà ở.
Biệt thự anh đang ở có giá cho thuê mỗi tháng hơn 30 triệu đồng, thoải mái, sang trọng hơn vạn lần nhà anh ở nội thành. Đường thoáng, đầy cây xanh, hoa lá. Sáng dậy sớm pha ly cà phê, ra ngoài hiên nghe chim hót, thở không khí trong lành...
"Cả dãy biệt thự này có mấy ai "chính chủ" đâu? Dại gì bỏ hơn 30 tỉ để mua biệt thự, trừ phi quá thừa tiền! Tôi thuê căn này mỗi năm hơn 300 triệu, ở 10 năm mới hơn 3 tỉ. Cho thuê 40 năm mới lại gốc. Tiền ấy anh để làm ăn, chứ chả dại mà đi mua biệt thự", anh nói chuyện toàn tiền tỉ khiến tôi ù tai.
Những người làm ăn như anh lại không quan trọng nhà cửa. Chỗ nào sống tốt, tiện cho công việc thì họ thuê nhà. Quan niệm của họ: ngôi nhà là chỗ ở. Không phải an cư rồi mới lạc nghiệp, mà ngược lại lạc nghiệp rồi an cư...
Giá nhà vượt quá xa tầm thu nhập của đa số người dân, đặc biệt là người trẻ vừa lập gia đình. Có thể thay đổi bài toán nan giải này? Ý kiến các nhà quản lý, chuyên gia thế nào?
Thuê nhà hay mua nhà?
Nhiều người trẻ thành phố đang có xu hướng chọn sống nhà thuê, làm ở đâu thì thuê nhà gần đó cho tiện. Lối sống này được cho rằng ảnh hưởng của Mỹ với những người thích sống nhà thuê suốt đời.
Quan điểm của họ là ở nhà thuê không tốn kém hơn ở nhà mua với số tiền quá lớn, trong khi ở thuê có cái lợi là dễ dàng di chuyển. Người thuê không thích ở chỗ này thì thuê chỗ khác và dễ dàng thay đổi tùy công việc hay học hành của con cái.
Nhiều người trẻ hiện nay chọn lối sống thuê nhà nhỏ gần chỗ làm để tiện lợi - Ảnh: VIỆT DŨNG
Tuy nhiên, suy nghĩ phải có nhà riêng ở các thành phố lớn của Việt Nam cũng có cái lý vì giá nhà đất luôn tăng. Chỉ 20 năm qua, tùy khu vực, giá nhà đất đã tăng từ 10-20 lần.
Do đó, tâm lý cố mua nhà cũng là khoản đầu tư về sau hoặc là "tài sản lớn dần" để lại cho con cháu. Còn đi thuê nhà không phải lo tiền lớn một lần như đi mua, nhưng về sau không có khoản sinh lợi khổng lồ nhờ giá đất tăng.
Đặc biệt, người biết làm ăn thì còn suy nghĩ khác. Thay vì tiền mua nhà, họ kinh doanh có thể vẫn thu được lợi nhuận cao hơn và nhanh hơn. Riêng người đi làm lãnh lương bình thường, ở nhà thuê để dành dụm mua nhà thì coi chừng "hụt hơi", vì giá nhà luôn tăng cao hơn tiết kiệm ngân hàng.
QUỐC MINH
Kỳ cuối: Để tổ ấm không chỉ là mơ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận