02/01/2020 11:54 GMT+7

Đi tìm tổ ấm ở Hà Thành - Kỳ 4: Khóc - cười nhà mới

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Thoát cảnh đi thuê nhà ở Hà Nội, nhưng không ít người rơi vào cảnh khổ mới với gánh nặng nợ nần. Sau nhiều ngày buồn hiu vì không xoay nổi nhà mới, vợ tôi giờ lại vui hát theo khi chồng huýt sáo vì chưa phải sa thân trâu kéo cày trả nợ...

Đi tìm tổ ấm ở Hà Thành - Kỳ 4: Khóc - cười nhà mới - Ảnh 1.

Những chung cư có sân vườn, hồ bơi rất hấp dẫn giới trẻ - Ảnh: VŨ TUẤN

Mua nhà rồi... bán nhà trả nợ

Căn chung cư ở một khu đô thị gần Bát Tràng, huyện Gia Lâm rao bán hơn 900 triệu đồng. Mấy "cò" nhà đất lập tức gọi điện cho tôi, nào là "cắt lỗ", nào là có dự án khác. Nhưng một tay thật tình tiết lộ là chủ nhà muốn bán để đi... thuê nhà.

Căn nhà được chủ cũ đầu mua trả góp từ khi mở bán dự án trị giá ngót nghét 1 tỉ đồng. Ngân hàng hỗ trợ 70% giá trị. Dọn về ở được hơn một năm, chị vợ bầu bí, sức khỏe yếu nên nghỉ việc để chăm con. Ông bà nội ngoại ở quê thay nhau lên thành phố chăm con gái và chuẩn bị chào đón cháu đầu lòng.

Anh chồng căng ra làm việc. Lương tháng được hơn 15 triệu đồng, trả gốc lẫn lãi ngân hàng mỗi tháng chục triệu. Số tiền còn lại hai vợ chồng trầy trật chi tiêu. Khổ nỗi khu chung cư anh chị mua có mức phí dịch vụ không hề rẻ. Các khoản phí quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây xanh, rồi đến điện, nước khá cao... Đã vậy nhà lại cách cơ quan anh chồng hơn 20 cây số. Không tắc đường, nhưng cái xe máy cứ ba ngày lại uống hết gần trăm ngàn tiền xăng. Đi xe buýt thì không kịp giờ làm. Ngày hai lượt đi về, mưa nắng bạc cả mặt.

Chỉ hơn một năm dọn về nhà mới, anh chồng gầy xọp, quầng mắt tối om, quần áo lúc nào cũng bạc phếch vì bụi đường. Đứa con ra đời, gia đình ở quê bán cả thổ đất gửi tiết kiệm để có thêm đồng lãi mua bỉm sữa cho cháu. Thuê chung cư cũ hoặc chung cư mini ở nội thành, gần cơ quan anh chồng mỗi tháng chỉ mất dăm triệu. Có nhà mới mỗi tháng phải đóng hơn chục triệu đồng. Quá mệt mỏi, anh chồng rao bán nhà, phía ngân hàng sẽ "làm việc ba bên", chuyển khoản vay sang cho người mua.

Nghe câu chuyện của chính người bán nhà khiến tôi phát hoảng. Ước mơ có một tổ ấm không khéo lại đẩy tôi vào một bi kịch mới. Nguyễn Hoàng Lâm, ông bạn "nối khố", ấn tôi ngồi xuống chiếc ghế nhựa bên vỉa hè: "Thuê được nhà rẻ thì cứ thuê đi, đừng cố mua. Tao đây này, giờ sống dở, chết dở".

Lâm là một trong những đứa thành đạt nhất trong nhóm bạn của tôi. Làm báo được hai năm thì Lâm chuyển sang làm tiếp thị rồi làm truyền thông. Cho đến khi lương tháng ổn định ngót nghét 20 triệu đồng, hắn mới chịu lấy vợ. Họ có một căn nhà tập thể cũ ở phố Lò Đúc nhưng không ở. Vợ làm việc cho một ngân hàng ở đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm. Lâm làm việc cho một tập đoàn truyền thông lớn, có trụ sở ở quận Thanh Xuân.

Quãng đường di chuyển đến công sở của hai vợ chồng là cả một chuỗi cực hình giao thông. Nhiều hôm, Google Map báo tắc đường đỏ lừ cả màn hình. Công sở điểm danh bằng vân tay. Hai vợ chồng bị phạt, bị trừ lương liên tục vì đi làm muộn. Bất đắc dĩ, Lâm thuê nhà ở quận Thanh Xuân, gần cả cơ quan vợ lẫn công ty anh.

Căn chung cư anh thuê nằm giữa hai trục đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Lương Bằng. Đây là khu vực có mật độ xây dựng khủng khiếp nhất Hà Nội. Cao ốc mọc lên tua tủa, đường sá hẹp nhưng gần nơi làm việc. Điểm hay nhất ở nơi này là dịch vụ. Từ ăn uống, giải trí, mua sắm, đến học hành... đều tiện lợi nhưng đắt. Căn hộ trên tầng 12 rộng hơn 50m2, vợ chồng anh thuê mỗi tháng 12 triệu đồng. Cả điện nước, chi phí khác mỗi tháng mất gần 15 triệu. Lâm quyết định bán căn nhà cũ, vay thêm tiền ngân hàng để mua chung cư ngay tại khu vực này.

“Nhìn ông bạn lẻo khẻo phi xe máy lao vào biển người giờ tan tầm, tôi nghĩ đến khoản định vay 1 tỉ để thoát cảnh thuê nhà mà rờn rợn. Cứ như vợ chồng Hoàng Lâm, 10 năm nữa anh chỉ mới trả được 1 tỉ tiền gốc. Nếu không có “đột biến” thì những người như chúng tôi khó thoát ra khỏi vòng xoáy nợ nần.

Đi tìm tổ ấm ở Hà Thành - Kỳ 4: Khóc - cười nhà mới - Ảnh 3.

Người trẻ mua nhà cần phải tính toán kỹ phương án trả góp - Ảnh: NAM TRẦN


"Kéo cày" 20 năm cho ngân hàng

Căn tập thể cũ bán được 1,3 tỉ đồng. Anh vay ngân hàng 2 tỉ, thời hạn 20 năm để mua một căn hộ ba phòng ngủ với giá gần 3 tỉ đồng. Số tiền còn lại vừa đủ để hoàn thiện nội thất, trang thiết bị.

Từ ngày mua nhà, mỗi tháng Lâm phải trả ngân hàng hơn 22 triệu đồng. Lương anh không đủ, vợ chồng thắt chặt chi tiêu. Khổ nỗi khu nhà mới cái gì cũng đắt. Lâm "mất tích" khỏi những cuộc chuyện trò, cà phê của đám bạn. Rồi lịch đi công tác xa, tiếp khách, gặp đối tác của công ty, Lâm cũng loay hoay khó xử.

Được đề bạt từ khá sớm vì chuyên môn vững, Lâm lại nhiệt tình, quan hệ khéo. Những ngày đi xe máy cà tàng, ở nhà thuê, Lâm tha hồ "nhảy" việc vì nhiều nơi cần anh. Chỗ nào lương cao, đãi ngộ tốt, phù hợp thì anh làm. Đến giờ công việc tương đối ổn, có nhà tiền tỉ giữa trung tâm thành phố thì cơ hội của Lâm đang bị thu hẹp dần. Bởi gánh nặng nợ nần và cơm áo gia đình khiến anh hết dám phiêu lưu, tìm cơ hội mới.

Ngày họp lớp, Lâm đến bắt tay mấy đứa bạn rồi mắt trước, mắt sau đi thẳng. Sau này hắn thú thực là phải đi "ship" hàng cho vợ. Ngoài giờ hành chính, cô ấy đón con về là ôm lấy điện thoại để bán hàng online. Đầu hè bán vải thiều, giữa hè bán nhãn, cuối hè bán ổi..., toàn đặc sản ở quê nhà gửi lên. Quen khách, đến cả mấy chục trứng gà quê ông bà gửi lên cho cháu cũng trở thành đặc sản cho khách. Hai bên nội, ngoại cắt cử nhau hai tuần một "ca" lên ở với vợ chồng Lâm để chăm cháu. Ông bố trẻ rời công sở là kéo áo ngoài quần, xe máy treo đầy bịch hàng "ship" cho khách đến khuya mới về.

Lâm thở dài: "May mắn là vợ chồng còn sức khỏe. Cứ căng ra kéo cày trả nợ thế này, nhỡ ốm một cái là chết dở ngay! Cố thêm dăm năm nữa, khi trả bớt tiền gốc ngân hàng thì tiền lãi sẽ đỡ hơn". Chưa kịp uống hết chén nước chè, Lâm đứng dậy dắt xe máy đi tiếp. "Quên mất, có hai con gà quê mổ sẵn phải giao cho khách trước bữa tối. Trả tiền nước hộ tôi, tôi đi trước tránh tắc đường".

Đường chiều ở Hà Nội đông như nêm cối. Buổi sáng ùn tắc chiều vào trung tâm, buổi chiều ùn tắc chiều ngược lại. Trong dòng người cả triệu chiếc xe máy kia, bao nhiêu người sống chung với tắc đường, kẹt xe để mua nhà vùng ven? Nhiều người buộc phải chấp nhận để có nhà giá rẻ hơn ở thành phố.

Hà Nội quy hoạch những "đô thị vệ tinh", giảm dần mật độ dân cư trong nội đô. Tuy nhiên, nhìn lại thực tế ngay hiện nay, số trụ sở, văn phòng công ty ở các đô thị vệ tinh không nhiều. Phần lớn các khu đô thị được quy hoạch ra ngoài trung tâm thành phố là dự án nhà ở. Nhà đầu tư hứng thú vì giá đất rẻ, khách hàng cũng dễ chấp nhận vì giá rẻ hơn.

Được cái nọ, mất cái kia, có chỗ ở giá rẻ hơn ở trung tâm thì phải hi sinh sự thuận tiện, thời gian, công sức di chuyển đến nơi làm việc. Điện thoại tôi lại hiện lên thông báo: "Em là... ở công ty bất động sản X, hiện bên em đang bán dự án Y ở gần bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông, anh có rảnh em tư vấn cụ thể nhé"... Chúng tôi lại tìm nhà ngoại ô...

Với những người có thu nhập trung bình thấp, đặc biệt là giới trẻ, ước mơ có nhà ở Hà Nội tưởng chừng bất khả. Nhưng một số người "khéo co thì vẫn ấm".

Kỳ tới: Bên lề thành phố

Đi tìm tổ ấm ở Hà thành - Kỳ 1: Mua nhà Đi tìm tổ ấm ở Hà thành - Kỳ 1: Mua nhà 'dễ như mua rau'?

TTO - Tìm mua nhà Hà Nội giờ có nhiều lựa chọn. Chỉ cần trả trước một phần, còn lại ngân hàng 'lo tất'. Nhưng thực tế không như là mơ, những thước phim mời chào đẹp long lanh và thuận lợi của công ty địa ốc chỉ là quảng cáo.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên