31/12/2019 13:21 GMT+7

Đi tìm tổ ấm ở Hà thành - Kỳ 2: Nhà ở xã hội - bắc thang lên hỏi ông giời

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - "Em nhận nhà rồi nè!" - dòng tin nhắn và bức ảnh cậu đồng nghiệp ngay buổi chiều cậu ấy nhận bàn giao nhà ở xã hội. Căn hộ ba phòng ngủ, rộng hơn 80m2 chỉ hơn 1,3 tỉ đồng. Mơ ước của bao người về cái ngày... "bái bai" bà chủ nhà trọ.

Đi tìm tổ ấm ở Hà thành - Kỳ 2: Nhà ở xã hội - bắc thang lên hỏi ông giời - Ảnh 1.

Sự ngăn nắp, an ninh của chung cư đang hấp dẫn nhiều người trẻ - Ảnh: VŨ TUẤN


Tôi thở dài. Cũng tội cô môi giới, gọi điện cả chục cuộc để tư vấn, lại mất thêm buổi sáng dẫn đi xem nhà, mời cà phê... Từ biệt chúng tôi, cô ta cũng chẳng buồn hẹn lại ở một dự án khác.

Rất khó vay mua nhà

Chỉ hơn một tháng sau, cậu đồng nghiệp được thăng chức. Căn nhà mới mua chưa kịp hoàn thiện nội thất, chưa ở ngày nào mà vợ chồng cậu phải chuyển vào TP.HCM sinh sống. Vì là nhà ở xã hội nên cậu không thể bán, sang nhượng cho người khác trong vòng 5 năm. Tôi muốn mua lại nhưng bất khả. Hai vợ chồng ngậm ngùi nhìn đồng nghiệp đăng tin cho thuê nhà.

Hành khách lắc lư trên chuyến xe buýt giờ cao điểm nháo nhào nghe thông tin trên radio: "Thành phố Hà Nội sẽ tăng giá đất lên khoảng 30% vào năm 2020...". Có nghĩa là các dự án bất động sản được dịp "tát nước theo mưa".

Vũ Đình Thi, nhân viên một công ty kinh doanh bất động sản, nói riêng với tôi: "Công ty em chưa công bố, nhưng đã có thông báo trong nội bộ rồi anh. Giá trần những căn hộ xã hội tăng từ 14 triệu đồng/m2 lên trên 16 triệu đồng/m2 anh ạ. Các căn thương mại cũng tăng từ 22 triệu đồng/m2 lên trên 26 triệu đồng/m2".

Thi là người cùng quê, ít hơn tôi 5 tuổi. Hắn cũng tốt nghiệp đại học chuyên ngành truyền hình, nhưng ra trường không làm nghề mà đi làm "cò" nuôi ước mơ ở lại thủ đô. Có lần nhậu "say như con sâu", hắn nói làm nghề báo khó "đột biến nồi cơm, két sắt được", nên hắn chọn nghề môi giới bất động sản để nuôi cơ hội kinh doanh.

Công ty Thi đang làm việc không có dự án nào phù hợp với thu nhập, nhu cầu của tôi. Hắn móc điện thoại, tìm một hồi rồi gọi cho đồng nghiệp. Bạn của hắn lại giới thiệu cho tôi một số điện thoại khác để hỏi mua nhà ở xã hội.

Không lâu sau, cậu nhân viên kinh doanh mới tên Thanh nhiệt tình gửi cho tôi hàng loạt thông tin. Dự án cậu bán nằm gần cầu Thăng Long. Đây là dự án thứ ba đang được xây dựng, hai dự án trước chủ đầu tư thành công ngoài mong đợi. Khách hàng xếp hàng dài từ đêm để nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội. Sau đó là cả chuỗi ngày chờ duyệt, bốc thăm...

Có chị từng chia sẻ trên Facebook bức ảnh phối cảnh tòa chung cư và dòng chữ "chờ trúng số". Cả vài nghìn hồ sơ chỉ chọn được hơn trăm bộ. Người được mua phải đủ các tiêu chuẩn đang sinh sống Hà Nội, gia đình chính sách sẽ được ưu tiên, và xét hết các đối tượng ưu tiên rồi mới bốc thăm...

Tôi ở Hà Nội hơn chục năm, đã thuê 18 nơi chui ra chui vào nhưng không có hộ khẩu Hà Nội. Giở cuốn sổ tạm trú đã ghi gần kín 16 trang, anh nhân viên lắc đầu: "Anh không có hộ khẩu Hà Nội, bảo hiểm xã hội lại đóng ở TP.HCM thế này không được anh ạ. Hơn nữa, anh muốn vay ngân hàng thì hồ sơ mua nhà xã hội của anh có xác nhận thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng, mà thu nhập như thế ngân hàng khó hỗ trợ lắm!".

Tóm chặt cái bị lại là muốn ngân hàng hỗ trợ thì phải chứng minh được nguồn trả nợ hằng tháng. Nếu chúng tôi muốn vay khoảng 1 tỉ đồng thì phải chứng minh được mỗi tháng vợ chồng tôi có thu nhập trên 30 triệu đồng, đã trừ một số khoản phí sinh hoạt.

"Không có cách nào lách được à?", tôi cố gắng hỏi thì anh lắc đầu. Mấy năm trước đúng là có chuyện người đi ôtô riêng đến mua nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhưng bây giờ khó. Cơ quan quản lý siết chặt các quy định. Nhà ở xã hội sau 5 năm mới được chuyển nhượng, mua bán. Hồ sơ cũng kỹ lưỡng, cụ thể hơn nên các đại gia không đầu cơ nhà ở xã hội nữa.

"Cò" Thanh cố thuyết phục tôi mua nhà ở thương mại vì ở dự án này giá cả chỉ chênh nhau khoảng 6 triệu/m2. Nhưng mãi không thuyết phục được, anh ta đành giới thiệu cho tôi một văn phòng khác: "Chỗ bạn em có "dịch vụ", anh thử nhé".

Đi tìm tổ ấm ở Hà thành - Kỳ 2: Nhà ở xã hội - bắc thang lên hỏi ông giời - Ảnh 3.

Rất nhiều người đăng ký, nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội hồi đầu năm 2019 - Ảnh: VŨ TUẤN

Bao hồ sơ trọn gói 150 triệu

Theo số điện thoại của Thanh giới thiệu, tôi liên lạc được với Liên, nhân viên một công ty bất động sản. Cô nhanh chóng tư vấn cho tôi một hồi về dự án nhà ở xã hội ngay quận Long Biên. Chỗ này tôi đi làm hơi xa nhưng lại gần quốc lộ 5, gần trung tâm thương mại, trường học..., rất tiện cho công việc của vợ và con cái học hành.

Giá lại rẻ và chỉ vài tháng có nhà giao ngay. Ưng quá! Hồ sơ thì Liên quả quyết: "Bên em sẽ lo hồ sơ cho anh chị từ A đến Z. Nhưng anh chị phải nộp thêm khoản phí để bên em làm "dịch vụ". 150 triệu là OK!".

So với căn hộ thương mại trong cùng một tòa nhà, những căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội rẻ hơn ít nhất 500 triệu đồng. Kể ra bỏ thêm chi phí 150 triệu thì chúng tôi cũng còn hời 350 triệu đồng. Hơn nữa, tôi không mất thời gian chuẩn bị giấy tờ làm thủ tục hành chính...

Đánh liều một phen xem sao? Vợ chồng tôi hẹn gặp cô em môi giới để bàn bạc cụ thể. Chúng tôi được đi xem nhà mẫu. Căn hộ nằm ngay trong tòa nhà đang được hoàn thiện, cùng vị trí, hướng cửa, thiết kế, chỉ khác số tầng với căn nhà chúng tôi định mua.

Căn nhà thoáng, đẹp, nhiều ánh sáng. Có hai bancông, một để lấy ánh sáng, không khí, trồng hoa; một để làm nơi đặt máy giặt, phơi đồ và cục nóng điều hòa.

Đẹp quá! Ưng quá! Giá tiền cũng vừa phải. Vợ tôi mắt long lanh như chim bồ câu gặp ngày nắng đẹp. "Cò" Liên còn giới thiệu luôn nhân viên tín dụng. Chúng tôi sẽ được hỗ trợ đến 70% giá trị căn nhà. Chỉ cần chồng đủ 350 triệu đồng, chờ ba tháng dọn về ở.

Vợ tôi rút điện thoại ra cộng cộng, trừ trừ. Cuối cùng, bà xã thở dài: "Chắc giã từ ước mơ tổ ấm này đi anh ạ. Cả nhà mình có một cuốn sổ tiết kiệm 200 triệu, bán chiếc xe máy của em được thêm 60 triệu, vay mượn thêm anh em, bạn bè một ít thì mới được thêm 50 triệu nữa. Ấy là đếm cua trong lỗ, vì người ta hứa cho vay nhưng chưa có tiền. Tổng là 310 triệu đồng, nhưng phải chi ngay 150 triệu để chạy hồ sơ thì mình thiếu nhiều lắm".

Bữa cơm chiều trong căn nhà cũ chúng tôi đang thuê trở nên nhạt nhẽo. Hơn bảy năm trước, chúng tôi không mua căn nhà cũ ở Dương Nội (Hà Đông) vì chê xa, hẻo lánh. Rồi bán vàng mua xe máy, mua bảo hiểm nhân thọ.

Gói bảo hiểm đến giờ chỉ được vài chục triệu bỏ ống, mấy đồng lãi chả thấm vào đâu so với sức tăng giá cả sinh hoạt, đặc biệt là giá nhà đất tăng chóng mặt. Căn nhà chúng tôi không mua trước đây ở trong làng, giờ đã thành nhà ngõ rộng 2,5m, "ôtô đỗ cửa", nghĩ mà tiếc.

"Hay là mình "bất chấp" mua nhà ven đô đi anh", vợ tôi nửa thật nửa đùa. Nhà ở ngoại ô thì chưa đắt lắm, nhưng đi lại vất vả, lại còn chuyện học hành của con cái nữa. Chúng tôi không đặt áp lực học hành lên các con, nhưng cũng thấy băn khoăn khi cho lũ trẻ học trường vùng ven. Chẳng phải thiên hạ vẫn nháo nhào cho con vào nội thành học kia sao?

Bí quá, vợ chồng tôi bàn nhau "hạ độ cao", không mua căn hộ cao ốc mà tìm nhà riêng trong ngách sâu, rộng bằng 2, 3 manh chiếu cũng được, miễn sao không thành con nợ khó đòi.

Kỳ tới: Săn nhà "kẹt" giữa phố

Đi tìm tổ ấm ở Hà thành - Kỳ 1: Mua nhà Đi tìm tổ ấm ở Hà thành - Kỳ 1: Mua nhà 'dễ như mua rau'?

TTO - Tìm mua nhà Hà Nội giờ có nhiều lựa chọn. Chỉ cần trả trước một phần, còn lại ngân hàng 'lo tất'. Nhưng thực tế không như là mơ, những thước phim mời chào đẹp long lanh và thuận lợi của công ty địa ốc chỉ là quảng cáo.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên