26/12/2019 08:25 GMT+7

Giúp dân 'chạm' được nhà ở xã hội

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TTO - Việc lo chỗ ở cho người dân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền. Ngoài gián tiếp nuôi dưỡng sức lao động, sáng tạo của con người, nhà ở còn là đòn bẩy cho quản lý và phát triển đô thị.

Giúp dân chạm được nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Dự án nhà ở xã hội 35 Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân, TP.HCM của Công ty CP địa ốc Hoàng Quân - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Nhân đọc bài "Nhà ở xã hội thiếu vốn", một người bạn tâm tư kể lại câu chuyện của mình. Số là gần đây, cơ quan của bạn này được phân mấy suất nhà ở xã hội nhưng có mấy chục người muốn mua. Công đoàn đành tổ chức bốc thăm để chọn người may mắn được mua. Người không may mắn đành phải chờ đợt bốc thăm mới.

Nhưng rồi danh sách chờ cứ rơi rụng dần. Có người ra vùng ven mua nhà nhỏ để ở. Người ra ngoại thành mua đất nông nghiệp, trong khi chờ được chuyển thành đất ở xây nhà, đành xây lụi để ở. Có người mua nhà giấy tay...

Việc lo chỗ ở cho người dân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền. Ngoài gián tiếp nuôi dưỡng sức lao động, sáng tạo của con người, nhà ở còn là đòn bẩy cho quản lý và phát triển đô thị.

Người nghèo, người nhập cư có chỗ ở sẽ không phải tự mua đất để xây nhà - khiến hình thành nên các khu dân cư tự phát không hạ tầng, thiếu trường học, bệnh viện, phá vỡ quy hoạch đô thị. Người có chỗ ở không phải đi xây dựng trái phép, xây lén rồi chính quyền lại phải xử lý từ năm này đến năm khác tốn thời gian, công sức và tiền của...

Nếu chính quyền lo được nhà ở cho dân, người dân sẽ hợp tác trong việc di dời, nhường đất cho những công trình phát triển đô thị, thực hiện quy hoạch để thành phố phát triển to đẹp hơn. Khi nhà ở không khan hiếm, giá nhà ở, đất ở không bị đẩy lên quá cao, quá nóng, rồi phải kiểm soát "bong bóng", không để "bong bóng" vỡ tung gây bao hệ lụy cho cả nền kinh tế...

Quan trọng là vậy, nhưng việc phát triển nhà ở gặp bao gian truân. Nghị định 71 ban hành từ năm 2001 - nền móng của nhà ở xã hội, và cũng đã có gần 20 văn bản của trung ương về nội dung này, nhưng việc thực hiện xem ra vẫn còn chậm.

Quy định dùng nguồn tiền cho thuê, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, trích 30 - 50% tiền sử dụng đất từ các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội không được các cơ quan chức năng thực hiện.

Nguồn tiền từ 20% diện tích đất để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án lớn hiện chưa được sử dụng do chưa có hướng dẫn? Còn doanh nghiệp ngại đầu tư nhà ở xã hội vì lợi nhuận thấp do không được ưu đãi.

Thậm chí, quy trình bán nhà ở xã hội còn rắc rối hơn bán nhà ở thương mại, như không được bán sỉ, giá bán phải được thẩm định, người mua phải đáp ứng điều kiện nhất định.

Thời gian gần đây, nhiều địa phương đã nhận ra không thể để người dân tự bươn chải lo chỗ ở trong các đô thị. Những hội thảo tìm giải pháp đáp ứng nhu cầu về nhà ở với nhiều kiến nghị, đề xuất nhưng người dân vẫn khó chạm đến nhà ở xã hội.

Và hệ lụy từ thiếu chỗ ở cứ đè nặng lên công tác quản lý đô thị. Như vậy, chỉ có đầu tư tốt hơn cho nhà ở xã hội mới góp phần giải quyết được vấn nạn này. Có vậy mới mong giảm số vụ xây nhà không phép, những vụ chuyển đổi đất không đúng quy định, bớt hình thành những khu dân cư tự phát - khu ổ chuột mới...

Điều này đồng nghĩa với giải phóng áp lực trong quản lý đô thị cho các cấp chính quyền. Về phía người dân, khi số đông chạm được vào nhà ở xã hội, họ cảm thấy hạnh phúc vì được quan tâm, được chia sẻ, không phải ấm ức vì làm cả đời cũng không có được chỗ ở tươm tất...

Nhà ở xã hội: thiếu vốn, dân Nhà ở xã hội: thiếu vốn, dân 'tìm mãi không ra'

TTO - Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ tiếp tục duy trì mức lãi suất ưu đãi 5% đối với phát triển nhà ở xã hội, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng chính sách ưu đãi này sẽ không đi vào cuộc sống nếu Chính phủ không bố trí nguồn tái cấp vốn.

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên