10/04/2013 09:29 GMT+7

Đi tìm "cánh chim kơtia"

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - “Chim kơtia bay tới, nghiêng cánh chào Đắk Krông...”.

Kỳ 1: Tiếng đàn ta lư cuối cùng

qIDMVkgZ.jpgPhóng to
Chim kơtia (chim két) được bán dọc quốc lộ 14 - Ảnh: T.B,D

Gần 40 năm sau khi bài hát Đắk Krông mùa xuân về, nhiều người vẫn đi tìm câu trả lời về địa danh Đắk Krông và gắn liền với đó là hình ảnh “chim kơtia bay tới”.

Chim kơtia là chim gì?

Đại tá hải quân Nguyễn Văn Huân, lữ đoàn phó lữ đoàn 125, là người rất thích bài hát Đắk Krông mùa xuân về của nhạc sĩ Tố Hải. Hầu như buổi giao lưu văn nghệ nào ở căn cứ hải quân Cát Lái cũng thấy ông bước lên sân khấu thông báo “chim kơtia bay tới...”. Hỏi ông có biết kơtia là chim gì không, đại tá cười: “Mình chỉ biết hát thế thôi chứ chim kơtia thì thú thật mình chưa thấy bao giờ, không biết nó là con chim gì”.

...Đến Tây nguyên vào thời điểm khoảng tháng 7 đến tháng 10, khi các rẫy bắp của người dân đang bước vào vụ thu hoạch, dễ dàng bắt gặp cảnh người dân cắm bù nhìn đuổi chim muông. Trong các loài thì người nông dân sợ nhất là... chim kơtia.

Ôi trời, sao vậy? Vì loài này thường kéo theo từng đàn cả ngàn con, đến đâu cắn phá bắp, lúa đến đó. Anh Y Thứ, thanh niên Ê Đê ở buôn Pan, xã Ea Yông (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), cho biết: “Vào mùa lúa rẫy và mùa bắp, loài chim này thường kéo về thành từng đàn đông như châu chấu, cắn phá mùa màng của người dân. Người Ê Đê thường tìm cách bắt kơtia và coi đó là loài chim gây hại”.

Trên quốc lộ 14 từ TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) về các tỉnh Gia Lai, rất nhiều người dân đứng bên đường mời chào người qua đường mua những chú chim có màu sắc sặc sỡ. Những chú chim sau khi đánh bẫy được buộc chân vào cành cây rồi chờ người đến mua. Anh Y Sem Niê - người bán chim ở quốc lộ 14, đoạn qua buôn Kroa B, xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) - cho biết số chim người dân bày bán ở đường chính là chim kơtia. Dù được coi là loài chim gây hại đối với dân trồng bắp lúa trên nương rẫy nhưng kơtia lại được người Kinh rất yêu thích vì có vẻ bề ngoài bắt mắt, mỏ cong vút, chân ngắn và lông màu xanh tươi. Nếu sau một thời gian nuôi và chịu khó tập luyện, kơtia có thể nhái được một số tiếng người.

Ama H’Loan là người lớn tuổi tại buôn Kroa B (xã Cuôr Đăng), ngoài việc trồng cà phê thì vào mùa bắp ông thường đem bẫy lên nương bắt chim kơtia. “Trước đây loài chim này nhiều vô kể, người dân ở các thôn buôn khó nhọc trồng lên hạt bắp hạt lúa nhưng nương rẫy này nằm sát rừng nên kơtia kéo về từng đàn cắn phá. Nương rẫy của người dân không bao giờ được yên tĩnh, nhiều người phải nằm lại rẫy để đuổi chim, bảo vệ mùa màng” - Ama H’Loan nói.

Theo Ama H’Loan, kơtia là loài tạp ăn nên cách đánh bẫy khá dễ: có thể dùng chim mồi rồi dụ chim vào bẫy sập hoặc cách thông thường nhất là dùng keo dính bôi vào cành cây, cành cây này được cắm ở giữa rẫy có nhiều thức ăn, khi chim đậu xuống ăn sẽ lập tức dính bẫy. Bà H’Siu (ở xã Ea Yông) cho biết đối với người Ê Đê thì kơtia không phải là con vật linh thiêng mà ngược lại. Kơtia cũng không biết hót mà âm thanh loài chim này phát ra chỉ là tiếng kêu rất khó nghe. Loài chim này gắn liền trong cuộc sống của người dân với hình ảnh con vật gây hại, thường bay từng đàn và kêu inh ỏi náo động ở những nơi chúng đi qua.

Vậy chim kơtia là chim gì mà người Kinh lại yêu thích?

Ông Kpă Simon - phó giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Tây nguyên, người nghiên cứu về văn hóa Tây nguyên - cười rồi giải thích: “Tội của... mấy ông nhạc sĩ đấy, thật ra chim kơtia là con vẹt, con két - loài chim ám ảnh đối với mùa màng của bà con Tây nguyên”. Cũng theo ông Simon, có thể cái tên “kơtia khá dễ nhớ và gắn liền với hai bài hát cũng “đẹp” không kém là Ơi chim ktiă của nhạc sĩ Y Sơn Niê và Đắk Krông mùa xuân về của nhạc sĩ Tố Hải. “Ngày xưa khi mình còn sống trong buôn tại huyện Ayun Pa (Gia Lai), loài chim này cũng thường kéo về rất nhiều. Người dân tìm mọi cách đuổi kơtia, năm nào kơtia về đông thì năm ấy dân làng sẽ bị mất mùa”.

Cũng theo ông Simon, việc ra đời cây đàn t’rưng - loại nhạc cụ nổi tiếng của người dân tộc Tây nguyên - cũng có liên quan đến... loài chim kơtia. Ông cho biết ngày xưa khi chưa có nhiều cách để đuổi chim khỏi nương rẫy, người dân tộc Ba Na và người dân tộc Jarai thường dùng cành khô gõ vào ống cây lồ ô, khi gõ mạnh thì phát ra âm thanh lớn khiến chim hoảng sợ bỏ đi. Rồi dần dần người ta phát hiện chất liệu âm thanh đặc biệt của dụng cụ đuổi chim này và chế tác nên cây đàn t’rưng.

Hóa ra chim kơtia chỉ là con két thôi mà. Cái này “phiên” ra tiếng Kinh thì chắc phải hát là: “Kia con két bay tới, nghiêng cánh chào Đắk Krông...”. Nhưng Đắk Krông ở đâu?

Đắk Krông đâu có ở Tây nguyên?

IUaDMhZq.jpg
Nhạc sĩ Tố Hải - Ảnh: Tiến Thành

Ông Kpă Simon cho biết hiện nay từ Đắk Krông trong bài hát Đắk Krông mùa xuân về có rất nhiều cách viết khác nhau ở hai từ Đắk Krông. Tuy nhiên xét về nghĩa và từ chính xác thì từ “gốc” của Đắk Krông là “Dă-Krông” - trong từ của đồng bào dân tộc có nghĩa là “nước lớn”.

Ông Simon khẳng định đây là một địa danh tại Quảng Trị, chứ Tây nguyên không có đơn vị hành chính hay thôn buôn nào tên là Dă-Krông. Theo ông Kpă Simon, ca khúc được sáng tác dành riêng cho Tây nguyên nhưng do có tên dòng “Đắk Krông” nên đã có nhiều sự ngộ nhận về địa danh khởi nguồn của bài hát. Tuy nhiên, theo ông Simon, trong bài hát có nhắc đến hình ảnh “chim kơtia bay tới” nên có thể hiểu bài hát này hát về Tây nguyên.

Còn theo ông Trương Bi, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk, “Đắk Krông” trong bài hát của nhạc sĩ Tố Hải là sự kết hợp của hai ngôn ngữ M’Nông và Ê Đê. “Đắk” dịch theo tiếng M’Nông nghĩa là nước, và “Krông” theo tiếng dân tộc Ê Đê nghĩa là sông.

Ông Bi cho rằng dòng sông Đắk Krông trong bài hát của nhạc sĩ Tố Hải nói đến là sông Sêrêpốk, đoạn khởi nguồn của dòng sông Krông Ana và Krông Nô và bài hát này là hát về người dân Tây nguyên, bởi ngoài các địa danh thì hình ảnh “chim kơtia bay tới” chỉ có người dân Tây nguyên mới gọi tên ấy. Còn bà Lương Thanh Sơn - giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk - lại cho rằng sông Đắk Krông là con sông ước lệ, là tên gọi chung của các sông suối Tây nguyên và có thể nó nằm ở phía bắc Tây nguyên.

Còn nhạc sĩ Tố Hải nói gì?

Ông cho biết ca khúc Đắk Krông mùa xuân về của mình ban đầu được sáng tác trong những ngày tháng ông theo đồng đội hành quân dọc dãy Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong một lần hành quân qua tỉnh Quảng Trị, ông dừng lại bên một dòng suối được người dân đồng bào vùng cao đặt cái tên rất đẹp là suối Đắk Krông. Những năm từ 1968 trở đi, chiến tranh càng xảy ra ác liệt, người lính Trường Sơn như ông ấp ủ “phải viết một bài hát nào đó cho thật ngon lành về Trường Sơn”, vậy là ông bắt tay vào viết ca khúc Đắk Krông mùa xuân về với ý nguyện tặng riêng cho Tây nguyên. Nhưng phải đến năm 1975, khi chiến dịch Tây nguyên bắt đầu thì cảm xúc trong ông mới dâng trào và bài hát Đắk Krông mùa xuân về đã ra đời. “Đắk Krông đúng là một địa danh của Quảng Trị, nhưng nó chỉ mang tính ước lệ thôi. Ca khúc này tôi dành tặng riêng đồng bào Tây nguyên, bởi tôi thấy ở Tây nguyên tất cả con sông con suối đều liên quan đến “Đắk” - nước và “Krông” - sông (nước lớn).

“Các hình ảnh nổi bật nhất được tôi đưa vào bài hát đều đại diện cho Tây nguyên, đó là pơlang khoe sắc thắm, gió đưa hương đôi bờ và chim kơtia bay tới, nghiêng cánh chào Đăk Krông. Kơtia người Kinh mình gọi là con vẹt, đây là loài chim thường kéo về vào mùa thu, mùa xuân. Loài chim này gắn liền với cuộc sống sinh hoạt và đặc biệt là số lượng rất đông ở các buôn làng Tây nguyên nên tôi đưa hình ảnh này vào ca khúc”.

_______________

Kỳ tới: Ngực em thôi ngả bóng kơnia

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên