Viêm da cơ (nhóm bệnh lý vừa có biểu hiện ở cơ và da) đôi khi là biểu hiện của bệnh lý cận ung thư. Các loại ung thư thường gặp liên quan đến viêm da cơ gồm: buồng trứng, phổi, đại trực tràng, tụy, u lympho không Hodgkin…
Đi khám viêm da phát hiện ung thư phổi
Bác sĩ Nguyễn Lê Hà (khoa dị ứng, miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện E) cho biết nhờ sự phối hợp đa chuyên khoa (miễn dịch lâm sàng, ung bướu, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh), các bác sĩ đã phát hiện ung thư phổi di căn xương ở bệnh nhân đi khám viêm da.
Bệnh nhân nữ N.T.L., 63 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, đến khám vì có ban sẩn đỏ ở vùng mu tay (xem hình), ngứa ít, không sốt, không đau mỏi yếu cơ, không ho hay khó thở. Bệnh nhân cũng không có triệu chứng gầy sút cân.
Với các xét nghiệm cơ bản cho thấy GOT (xét nghiệm máu để đánh giá tổn thương gan) tăng nhẹ, lúc đầu bác sĩ Hà đưa ra chẩn đoán theo dõi viêm da cơ và nhận định có thể là thể bệnh không có biểu hiện cơ trên lâm sàng.
Bệnh nhân được làm thêm xét nghiệm CK và các kháng thể đặc hiệu với viêm cơ. Kết quả bệnh nhân có CK tăng (1234 U/L) cùng kháng thể kháng TIF1-γ thêm phần khẳng định chẩn đoán.
Với biểu hiện lâm sàng và sự có mặt của kháng thể kháng TIF1-γ, bệnh nhân có nguy cơ cao với bệnh lý ung thư đi kèm, do đó đã được bác sĩ tư vấn tầm soát bệnh lý ác tính toàn diện.
Dù kết quả nội soi và cắt lớp vi tính bụng không phát hiện bất thường, nhưng bệnh nhân được phát hiện tổn thương nghi u ở phổi. Bệnh nhân được sinh thiết và có chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến ở phổi. Xạ hình xương phát hiện tổn thương di căn [d1] ở cột sống L2.
Bác sĩ Nguyễn Lê Hà cho biết ở một số bệnh nhân, viêm da cơ có thể là biểu hiện đáng chú ý đầu tiên của ung thư. Bệnh nhân này không có triệu chứng lâm sàng khác nghĩ đến ung thư ngoài biểu hiện về da, dù ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn (đã có di căn).
Ở bệnh nhân này may mắn là bệnh nhân có đột biến gene nên được chỉ định điều trị với thuốc đích (ức chế tyrosine kinase).
Quá trình điều trị cần sự phối hợp các bác sĩ về miễn dịch lâm sàng và bác sĩ chuyên ngành ung bướu vì có những trường hợp bệnh nhân không kiểm soát bệnh được chỉ bằng các phác đồ điều trị ung thư. Hiện tại ngoài thuốc đích, bệnh nhân được phối hợp với thuốc ức chế miễn dịch.
Bác sĩ Trịnh Thế Cường (khoa hóa chất Bệnh viện E) cho biết, ngoài các bệnh nhân ung thư gặp các vấn đề về da liễu, đặc biệt là ban do thuốc đích, bác sĩ cũng gặp nhiều bệnh nhân ung thư phổi kèm viêm da cơ địa.
Ung thư ở nhiều nơi - chớ nên chủ quan với viêm da
Bác sĩ Nguyễn Lê Hà cảnh báo người dân thường chủ quan với bệnh viêm da nói riêng và viêm da cơ nói chung, vì cho đó là bệnh ngoài da ít nguy hiểm tính mạng mà không biết rằng, đôi khi biểu hiện ngoài da là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm trong cơ thể.
"Viêm da cơ là bệnh lý tự miễn, đặc trưng bởi yếu cơ gốc chi đối xứng và tổn thương da đặc hiệu trên lâm sàng (ban Heliotrope, sẩn Gottron). Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và hay gặp ở nữ giới hơn, nhưng nam giới có nguy cơ ung thư cao hơn" - bác sĩ Hà cho biết.
Tỉ lệ viêm da cơ có bệnh lý ung thư đi kèm (khoảng 20-30%), thường được phát hiện trong khoảng 3 năm đầu tiên từ thời điểm được chẩn đoán bệnh. Một số chuyên gia cho rằng viêm da cơ có thể xem xét là hội chứng cận u ở một số bệnh nhân.
Những bệnh nhân có nguy cơ cao cần được thăm khám toàn diện, đánh giá với các phương pháp thăm dò như xét nghiệm máu, siêu âm, cắt lớp vi tính, nội soi tai mũi họng, dạ dày, đại tràng, khám phụ khoa (ở nữ giới), tuyến tiền liệt (nam giới) và đôi khi cả PET/CT. Những tổn thương nghi ngờ cần được sinh thiết để khẳng định chẩn đoán.
Kháng thể kháng TIF1-γ là kháng thể đặc hiệu với viêm da cơ và có mối liên quan rất cao với ung thư ở người trưởng thành: bệnh nhân viêm da cơ có tự kháng thể này gia tăng nguy cơ ung thư lên đến 27 lần. 60-90% bệnh nhân có tự kháng thể này được phát hiện có bệnh lý ung thư đi kèm.
Ung thư liên quan đến viêm da cơ chủ yếu là ung thư biểu mô tuyến (70% trường hợp) và thường gặp các loại ung thư như buồng trứng, phổi, đại trực tràng, tụy, u lympho không Hodgkin…
Vì vậy, người dân chớ nên chủ quan, khi có biểu hiện viêm da cần đi thăm khám chuyên khoa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận