Đây là con số vừa được TS.BS Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - thông tin cho Tuổi Trẻ Online trong bối cảnh cơ sở 2 của bệnh viện tại TP Thủ Đức chính thức đi vào vận hành toàn phần.
Theo ông Dũng, số bệnh nhân đến thăm khám sau Tết (tính đến ngày 30-1) tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 là 3.474 bệnh nhân. Tính đến ngày 29-1-2023 số bệnh nhân cần mổ và phải chờ mổ là 474 bệnh nhân. "Tất nhiên một số ca bệnh cần thiết phải mổ sớm vẫn phải sắp xếp lịch mổ ngay" - ông Dũng khẳng định.
Nguyên nhân của việc chờ mổ kéo dài, theo ông Dũng, một phần xuất phát từ hiện trạng cơ sở vật chất ở cơ sở 1 xuống cấp, chật chội và quá tải.
Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM kỳ vọng khi chính thức đưa vào vận hành toàn phần cơ sở 2, tăng từ 14 lên 20 phòng mổ sẽ giải quyết được việc chờ mổ. Theo đó, có thể kéo giảm thời gian chờ mổ còn khoảng 3 tuần so với 4 tuần như trước đây.
Thống kê từ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho thấy tổng số ca ung thư đơn vị phẫu thuật mỗi năm dao động từ 31.000 - 33.000 ca. Chỉ riêng 2 năm 2020 và 2021 có dịch COVID-19, số ca phẫu thuật giảm còn 18.000 - 29.000 ca.
Đặc biệt ca siêu, đại và trung phẫu các năm gần nhất có chiều hướng tăng. Cụ thể, năm 2017 là 16.320 ca, 2018 là 17.030 ca, 2019 là 18.465 ca và 2022 là 19.774 ca. Chỉ riêng năm 2020, 2021 do dịch COVID-19 nên giảm chỉ còn 16.982 ca và 11.659 ca.
Chờ ngày khai trương
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 3-2, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết ngành y tế cùng UBND TP.HCM vừa có 2 chuyến khảo sát lần cuối về tình hình chuyển đổi từ cơ sở 1 sang cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Về thời gian khai trương toàn phần cơ sở 2, ông Thượng nói đang chờ kế hoạch từ Chính phủ.
Song song việc tăng phòng mổ giảm thời gian chờ, ông Thượng nói ngành y tế đang có kế hoạch xây dựng mạng lưới tầm soát, phát hiện sớm và điều trị trúng đích. Biện pháp này nhằm "đánh chặn từ xa", chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận