22/04/2020 11:02 GMT+7

Đi học thời dịch làm sao để an toàn?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Những địa phương có nguy cơ cao chưa nên cho học sinh đi học trở lại. Còn nơi nguy cơ thấp, học sinh có thể đi học nhưng phải đảm bảo an toàn. Đặc biệt là việc linh hoạt thực hiện các biện pháp để “giãn cách”.

Đi học thời dịch làm sao để an toàn? - Ảnh 1.

Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM tổng vệ sinh hành lang và lớp học để sẵn sàng đón học sinh đi học lại - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã chia sẻ quan điểm này với Tuổi Trẻ và tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 mới đây. Ông cũng cho biết đang phối hợp với Bộ Y tế để bổ sung các quy định cụ thể hơn nhằm đảm bảo yêu cầu "phải an toàn mới đi học và khi đi học thì phải an toàn".

Giãn cách 1,5 mét

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết theo tinh thần chỉ thị 16/CP thì ngay cả khi học sinh trở lại trường vẫn phải áp dụng các biện pháp linh hoạt, tùy theo điều kiện, tình hình mỗi địa phương nhằm hạn chế để học sinh tiếp xúc nơi đông người, duy trì sự giãn cách cần thiết.

"Có một số địa phương cho học sinh đi học trở lại đã quy định vị trí ngồi học của học sinh theo hình chữ S. Học sinh ngồi ở các đầu bàn chéo nhau đảm bảo khoảng cách. Trong hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường cố gắng duy trì các biện pháp để giãn cách, trong đó đảm bảo khoảng cách 1,5 mét giữa các học sinh trong một lớp học" - ông Độ nói.

Tùy theo điều kiện mỗi trường sẽ có cách thực hiện khác nhau. Những địa phương vùng sâu, vùng xa, số học sinh/lớp không nhiều thì có thể đảm bảo bố trí học 1 ca/lớp. Nhưng những nơi có sĩ số đông phải chia nhỏ lớp học thành các nhóm khác nhau.

"Không nên tổ chức bữa ăn bán trú trong thời điểm này, vì phải hạn chế nhất có thể thời gian học sinh ở lại trường, tập trung đông người. Các hoạt động giáo dục tập trung học sinh toàn trường phải tạm ngừng. Đầu tuần học sinh có thể vẫn chào cờ nhưng phải thực hiện trong lớp học" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Không cho đi học cùng một lúc

Ông Độ cũng đề nghị các địa phương dù nguy cơ về dịch bệnh thấp cũng không nên cho học sinh tất cả các cấp đi học cùng thời điểm mà nên cho học sinh THPT, lớp 8, 9 của THCS đi học trước, các lớp còn lại đi học sau 1-2 tuần. Các trường tùy theo đặc thù địa phương có thể bố trí giờ vào học, giờ giải lao khác nhau giữa các lớp/cấp học.

Ông Độ cho biết Bộ GD-ĐT đã tham vấn Bộ Y tế để có các quy định bổ sung. Ví dụ như việc học sinh phải đeo khẩu trang kháng khuẩn khi đi học, trong lớp học.

Việc vệ sinh trường lớp, khử khuẩn sẽ không phải chỉ thực hiện trước khi học sinh trở lại trường mà thực hiện thường xuyên vào các ngày nghỉ trong tuần. Các trường phải đảm bảo có đủ nguồn nước sạch, bồn rửa, nước sát khuẩn, các chỉ dẫn cần thiết cho học sinh nhằm giữ gìn vệ sinh, ngăn ngừa lây dịch bệnh.

"Phải đảm bảo những học sinh vào trường đều có sức khỏe bình thường. Trường hợp học sinh có biểu hiện bị ốm, có dấu hiệu ho, sốt cần được phát hiện, phối hợp với gia đình cho học sinh đi khám, điều trị" - ông Độ nói.

Đi học trở lại: ưu tiên học sinh cuối cấp Đi học trở lại: ưu tiên học sinh cuối cấp

TTO - Trong khi Hà Nội, TP.HCM chưa chắc chắn thời điểm nào học sinh có thể trở lại trường thì nhiều tỉnh thuộc vùng khó khăn lại đang đề xuất để học sinh đi học sớm hơn. Nỗi lo chung vẫn dồn vào học sinh cuối cấp, khi phía trước là kỳ thi.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên