Chris (bìa phải) cùng các lập trình viên của Wee Digital - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Đó là chia sẻ đầy nhiệt huyết của người "thuyền trưởng" điển trai của Công ty Wee Digital, anh Christian Nguyễn (Việt kiều Pháp).
Rút hết tiền túi trả lương
Dáng người cao, mái tóc vuốt ngắn, bộ đồ tối giản với áo pull, quần jean và nụ cười tươi, ở Christian toát lên một khí chất mạnh mẽ và lịch lãm. Chris (tên thân mật của anh) tốt nghiệp Đại học Quốc gia viễn thông (Telecom ParisTech, Pháp) với chuyên ngành phần mềm hệ thống.
Sau khi làm vài năm ở một công ty công nghệ, tích lũy kinh nghiệm theo anh nói là "phòng ban nào cũng tham gia", anh nghỉ việc về thăm VN và cũng là tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp cho mình.
Nhưng ở thời điểm năm 2003, thị trường công nghệ và tiêu dùng công nghệ chưa phát triển, mới chỉ có một vài "ông lớn" nhà nước cùng một số công ty nước ngoài. Mất hơn một năm để Chris đi đi - về về giữa Pháp và VN chỉ để làm quen với con người, văn hóa và thị trường ở đây.
Đến 2005, anh mới quyết định ở lại hẳn với lời tự hứa không bao giờ rời VN, mặc dù sau đó anh có nhiều cơ hội làm việc tại những trung tâm công nghệ lớn như Silicon Valley - Hoa Kỳ.
Tuyển những kỹ sư phần mềm đầu tiên từ năm 2005, để có tiền trả lương cho nhân viên, Chris buộc lòng phải đi làm các nghề tay trái như thiết kế nội thất, làm phim quảng cáo... "Thời điểm đó, khó khăn nhưng tôi quyết là chỉ cần còn hướng đi, còn những người anh em bên cạnh để chia sẻ thì tôi sẽ không bỏ cuộc", Chris tâm sự.
Là một trong những kỹ sư "đời đầu" còn làm việc tại công ty, Nguyễn Thanh Đức (36 tuổi) vẫn nhớ như in những lần Chris rút từng đồng bạc cuối cùng trong túi để chia cho mọi người.
"Thời điểm mình mới vào làm cũng đắn đo chứ vì chỗ làm chật chội, đến máy lạnh cũng không có. Nhưng bởi vì quý cái tình với Chris, sẵn sàng đi làm thuê để san sẻ cho anh em nên tôi mới bám công ty tới giờ", anh Đức chia sẻ.
Dốc toàn tâm, toàn trí
Đến năm 2008, các công ty công nghệ quy mô nhỏ ở VN bắt đầu thoát ra khỏi thời kỳ "ăn đong" nhờ những dự án gia công phần mềm, hướng đến việc xây dựng những hệ thống có kiến trúc phức tạp hơn, bán trọn gói ra nước ngoài. Chris toàn tâm phát triển theo hướng đó, và bán được một số sản phẩm hệ thống xử lý tài chính sang Singapore, Indonesia.
Làn sóng startup đến VN, Chris chuyển mình qua phát triển các nền tảng mang tính "thời trang", mục đích là dùng công nghệ để giải các bài toán thị trường. Thời điểm đó, anh xây dựng rồi thoái vốn ở một số dự án công nghệ O2O (online to offline).
Nhưng đó không phải là khát khao của Chris. Anh muốn làm một cái gì đó "deep tech" (công nghệ sâu) mang tính nền tảng, giải bài toán gốc của nhiều bài toán khác. Và rồi, nhận dạng khuôn mặt - một nhánh của AI (trí tuệ nhân tạo) là thứ Chris lựa chọn cho hướng đi mới.
Vẫn là đội kỹ thuật đi cùng nhau trên 10 năm, Wee Digital được mở ra năm 2017 để đi theo hướng này. Tôi hỏi Chris tại sao là 2017 mà không phải sớm hơn? Và vỡ lẽ, bởi công nghệ không thể đi tắt được.
Nhận dạng khuôn mặt thật ra đã xuất hiện vào những năm 1960, nhưng những cỗ máy tính to bằng cả một cái nhà chạy bằng bóng đèn không thể tính toán nhanh được.
"Chỉ đến khi có những con chip có thể làm hàng trăm triệu phép tính trong một giây và trong tay mỗi người là một chiếc smartphone với camera tối tân, công nghệ này mới thật sự bước ra được đời sống" - Chris nói.
Khát khao sản phẩm tầm cỡ thế giới
Chris nói để nâng cao trải nghiệm khách hàng thì việc thiết yếu phải định danh được họ, rồi biết họ, hiểu họ. Và nhận dạng khuôn mặt giải quyết bài toán đó cho mọi ngành, từ tài chính ngân hàng, du lịch, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ, hàng không đến vui chơi giải trí...
Định danh theo cách bảo mật dữ liệu khách hàng, chống gian lận hệ thống, xác thực khuôn mặt sống động và ở quy mô lớn cho hàng triệu lượt khách hàng một lúc là điều mà không nhiều công ty trên thế giới làm được.
Và hệ thống nhận dạng khuôn mặt của Wee Digital đã được một số ngân hàng như VietinBank, ABBank triển khai áp dụng. Chris cho biết, không ngành nào đòi hỏi về an ninh công nghệ cao hơn ngành ngân hàng.
Việc cung cấp các giải pháp cho ngân hàng và các tập đoàn đa ngành chỉ là một trong hai định hướng mà Chris đã vạch ra. Ước mơ lớn nhất mà bản thân anh cũng như Wee Digital dành nhiều tâm huyết trong 3 năm qua đó là đưa nền tảng FacePay ra thị trường.
Anh hiểu rõ việc làm này sẽ rất khó và mất thời gian. Tuy nhiên, Chris hi vọng một khi đã thuyết phục được các ngân hàng, chắc chắn sẽ thuyết phục được toàn bộ giới kinh doanh và người tiêu dùng. Quý 4-2020, Wee Digital sẽ cung cấp nền tảng thanh toán số này cho thị trường của ngành bán lẻ.
Tại cuộc thi Vietnam Fintech Challenge do Ngân hàng Nhà nước VN phối hợp với Chính phủ Úc và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức năm 2018, Wee Digital đã vượt qua 140 công ty đến từ 27 quốc gia để giành giải nhất.
Chào đón các ý tưởng khởi nghiệp
Nhằm khích lệ tinh thần cho các startup tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng một số đơn vị tổ chức giải Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2020.
Đây là hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh nước CHXHCN VN, 89 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 45 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ.
Sẽ có khoảng 15-20 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage...) trong khoảng thời gian tháng 7 và 8-2020.
Những ý tưởng này sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng. Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số startup tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị như Công ty CP ĐT&TM Thái Bình, HD Bank, Golf Long Thành, IDICO...
Các startup, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: golfforstartup@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận