Nhà của cụ Vương Hồng Sển tọa lạc tại số 11 (số cũ 9/1) đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Ngôi nhà cổ này bị khuất bởi mái che phía trên và các hàng quán xung quanh ở mặt tiền nhà khiến nhiều người khó phát hiện đây là nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển.
Không còn cổ vật trong nhà cổ
Mới đây, UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM có quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định số 6200/QĐ-KPHQ ngày 23-8-2023 của chủ tịch UBND quận Bình Thạnh đối với căn nhà cổ này.
Đó là phần công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị do xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.
Ngôi nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển có 5 gian 2 chái, ngang 15m, sâu 20m, tọa lạc trên miếng đất có diện tích 750m2.
Khuôn viên nhà với nhiều cây xanh rợp bóng mát nay không còn nữa, thay vào đó là những khối bê tông, mái che nắng mưa khiến người đi bên ngoài đường khó biết đây là căn nhà cổ.
Chiều tối 21-9, bà Võ Ngọc Liên (con dâu của cụ Vương Hồng Sển) nói với Tuổi Trẻ Online hiện bà sinh sống cùng cháu ngoại của bà trong căn nhà cổ này.
Ba con của bà (cháu nội của cụ Vương Hồng Sển) sống riêng, gần ngôi nhà số 11 đường Nguyễn Thiện Thuật mà bà đang sinh sống.
Bà Võ Ngọc Liên giới thiệu ảnh tư liệu, tài liệu, bút tích liên quan đến học giả Vương Hồng Sển - Ảnh: T.T.D.
Trong không gian ngôi nhà cổ, nhiều vật dụng phục vụ cho cuộc sống hằng ngày được bài trí khắp nơi.
Nhiều hình ảnh về cụ Vương Hồng Sển, hình cụ Vương Hồng Sển chụp cùng vợ, con và các cháu nội được bài trí trên vách nhà và những vị trí quan trọng, dễ quan sát trong nhà.
Bà Võ Ngọc Liên nhiệt tình khoe các album hình chụp gia đình, được gìn giữ cẩn thận. Trong đó có nhiều hình ảnh quý.
Bà còn giới thiệu những quyển sách quý do cụ Vương Hồng Sển viết được tái bản nhiều lần.
Theo quan sát, trong ngôi nhà cổ này không còn cổ vật nào.
Ngôi nhà cổ xuống cấp
Nói về căn nhà cổ, bà Võ Ngọc Liên cho biết những năm gần đây nhà bị dột mỗi khi trời mưa, dột nhiều nhất là ở phòng ngủ. Bà nói những lúc mưa phải dùng thau để hứng nước.
Kèo nhà và một số vị trí khác làm bằng gỗ trong nhà bị mối mọt gây hư hỏng, khiến người chứng kiến không khỏi xót.
Bà Liên nói thường gọi người đến để diệt mối mọt. Nhưng vì căn nhà có tuổi đời khá cao nên mối mọt xuất hiện ngày càng nhiều. Việc này nếu không được quan tâm đúng mức có thể gây tổn hại di tích kiến trúc nghệ thuật.
Kèo nhà, kèo mái ngói bị mối mọt ăn mục - Ảnh: T.T.D.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận