22/07/2016 16:38 GMT+7

Bảo tàng Vương Hồng Sển: Không được thì... buông?

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Cụ Vương Hồng Sển tin tưởng rằng chỉ có một chương trình văn hóa như việc xây dựng một bảo tàng do Nhà nước thực hiện mới “cứu” bộ sưu tập cổ vật và sách quý thoát khỏi tình thế bị “xiết nợ”.

Vương Hồng Sển
Bên trong tư gia của cụ Vương Hồng Sển - Ảnh: Hữu Thuận

Nhìn lại di chúc cụ Vương

4 nội dung của tờ di chúc cụ Vương Hồng Sển lập vào ngày 27-6-1995

Những điều ao ước hiện tại của tôi và tôi quyết định như sau:

1 - Căn nhà cuộc thế mang số 9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q.Bình Thạnh sau khi tôi mãn phần sẽ trở nên một viện bảo tàng tư gia lấy tên NHÀ VƯƠNG HỒNG SỂN... Foundation Vương Hồng Sển, gồm rất nhiều sách hiếm có Pháp văn, Quốc văn, Hán văn thì chỉ được nghiên cứu tại chỗ và không lấy ra khỏi nhà.

2 - Về cổ vật, gốm tống, sứ quý ngự dụng, Nội phủ, Khánh Xuân thì không được lấy cho mượn trưng bày nơi khác và vẫn phải giữ gìn kỹ lưỡng và giữ y chỗ cũ mới thấy tôi đã nhiều công chọn lựa và mua chác có gốc gác đàng hoàng.

3 - Tôi không màng danh lợi nhưng xin Nhà nước rộng lượng cho tôi được ở tại số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật cho đến mãn phần.

4 - Nếu Nhà nước cùng chấp nhận với tôi đứa con là Vương Hồng Bảo vẫn bất hiếu nhưng các con của Bảo như Vân hiện đang ở Pháp đã 20 tuổi, Hương, Thành (con trai) và Minh, chúng nó vô tội, nay mẹ thì ly hôn, cha thì bất hiếu, xin Nhà nước cấp cho một số tiền vừa phải nuôi chúng ăn học cho đến nên người.

Giới sưu tập cổ vật và những người có quan tâm đến gia đình cụ Vương Hồng Sển đều biết vào lúc cuối đời cụ, thì người con trai của cụ là Vương Hồng Bảo đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Bản thân ông Vương Hồng Bảo còn bị vướng vào một vụ án với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”, với số tiền phải trả cho các chủ nợ lên đến 5.350.915.000 đồng + 1.001,5 chỉ vàng và 46.700 USD (theo thời giá trong bản án năm 1998).

Nếu số cổ vật và sách quý của vụ Vương Hồng Sển không được hiến tặng cho Nhà nước mà trở thành tài sản thừa kế của ông Vương Hồng Bảo sau khi cụ Vương Hồng Sển qua đời, có khả năng tất cả sẽ rơi vào tay các chủ nợ của ông Bảo khi ấy.

Trong tuổi xế chiều, cụ Vương Hồng Sển tin tưởng rằng chỉ có một chương trình văn hóa như việc xây dựng một bảo tàng do Nhà nước thực hiện mới “cứu” bộ sưu tập cổ vật và sách quý thoát khỏi tình thế bị “xiết nợ”.

Trong bốn nội dung của tờ di chúc lập vào ngày 27-6-1995, với nội dung thứ tư, trước lời đề nghị trọng tình của cụ Vương Hồng Sển, phía Nhà nước chấp thuận và tiến hành chi trợ cấp cho ba người cháu của cụ Vương gồm Vương Hồng Liên Hương, Vương Bảo Thành, Vương Hồng Bảo Minh từ tháng 1-1998 đến tháng 10-2013 tổng số tiền là 531.995.000 đồng.

Gian chính của ngôi nhà cụ Vương - Ảnh: HỮU THUẬN
Gian chính của ngôi nhà cụ Vương - Ảnh: HỮU THUẬN

“Giữ” hay “buông”?

Diễn biến mới nhất trong câu chuyện Nhà Vương Hồng Sển là ý kiến của Hội Luật gia TP.HCM - một thành viên của “Tổ công tác liên ngành giải quyết các vấn đề liên quan đến di tích Nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển” do UBND TP.HCM thành lập từ năm 2013. 

Hội Luật gia tìm hiểu nguồn gốc nhà đất của cụ Vương Hồng Sển, đồng thời phân tích các yếu tố pháp lý từ những di chúc, di ngôn của cụ Vương Hồng Sển, và nhận định rằng: “Việc Nhà nước ban hành quyết định số 54/QĐ-UB ngày 17-2-2003 là không có cơ sở”.

Đồng thời, văn bản của Hội Luật gia TP.HCM do luật sư Nguyễn Văn Hậu ký cũng kiến nghị: “Sở VH-TT TP.HCM có văn bản đề xuất UBND TP.HCM hủy bỏ quyết định số 54/QĐ-UB về việc xác lập quyền sở hữu nhà nước ngày 17-2-2003 của UBND TP.HCM đối với nhà số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q.Bình Thạnh”.

Một cán bộ Sở VH-TT theo dõi câu chuyện nhà cụ Vương Hồng Sển qua nhiều năm đưa ra nhận định rằng nếu không tiến hành được thì nên “buông”, hủy quyết định xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với căn nhà cụ Vương Hồng Sển và giải quyết các hệ quả pháp lý từ đó.

Nhưng “giữ” hay “buông” - câu chuyện khó xử của 20 năm, theo thời gian, càng lúc càng khó!

Nếu có một sự hợp lực công - tư, liệu có thể thực hiện tâm nguyện của học giả họ Vương, tạo dựng một địa chỉ văn hóa có giá trị mang dấu ấn danh nhân cho thành phố?

>> Bảo tàng Vương Hồng Sển: Giấc mơ ngoài tầm tay

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên