23/07/2016 09:54 GMT+7

Bảo tàng Vương Hồng Sển: giải quyết bằng tâm pháp văn hóa

NGUYỄN THẾ THANH
NGUYỄN THẾ THANH

TTO - Để Nhà Vương Hồng Sển có thể sớm hình thành và đưa vào phục vụ công chúng trong hệ thống các địa chỉ di sản văn hóa, có thể tiếp tục nhiều cách làm thuộc về tâm pháp, nghĩa là có luật và có đạo.

Cổ vật của nhà sưu tập Vương Hồng Sển được đưa về bảo tàng, hình thành một phòng trưng bày - Ảnh: L.Điền
Cổ vật của nhà sưu tập Vương Hồng Sển được đưa về bảo tàng, hình thành một phòng trưng bày - Ảnh: L.ĐIỀN

Khi đề cập tới trở ngại của việc thành lập Bảo tàng Vương Hồng Sển, một số người hướng nguyên nhân chính đến cơ sở pháp lý của ngôi nhà 9/1 Nguyễn Thiện Thuật. Thế nhưng trước hết, có một góc độ ta cần nhìn nhận để có cơ sở giải quyết vấn đề. 

Trong suốt cuộc đời mình, vị học giả - nhà sưu tập cổ ngoạn nổi tiếng Vương Hồng Sển dồn tâm sức nghiên cứu và tạo dựng các bộ sưu tập sách hiếm và cổ vật quý không phải để bán mà là để lại cho đời sau chiêm ngưỡng; đã mua cả một ngôi nhà cổ năm gian hai chái về để lưu giữ, bày biện trong đó những món đồ quý đến từ quá khứ, đã sống trong căn nhà đó theo nếp xưa với niềm tin đó là những giá trị văn hóa phải gìn giữ để biết mình là ai và mình từ đâu đến, biết mối liên hệ thiêng liêng giữa quá khứ và hiện tại để có thể tự tin với tương lai.

Đó là luật, là đạo của Vương Hồng Sển (và chắc cũng là của nhiều nhà sưu tập khác) khi chọn việc sưu tầm nhà cổ - đồ cổ - sách cổ vừa để thỏa mãn một thú chơi, vừa để góp phần bảo tồn những giá trị của ngày hôm qua.

Địa chỉ văn hóa mang dấu ấn danh nhân

Giữ lại ngôi nhà cổ số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật để làm bảo tàng với tên gọi Nhà Vương Hồng Sển, bên cạnh mục đích rất quan trọng là thực hiện tâm nguyện của học giả họ Vương, còn là góp phần tạo dựng một địa chỉ văn hóa có giá trị mang dấu ấn danh nhân - một loại hình bảo tàng mà ở nước ta còn rất hiếm hoi.

Có lẽ Vương Hồng Sển đã thấy trước cuộc chiến tiền tài, nhà đất trong chính gia đình ông sau khi ông nằm xuống sẽ đẩy số phận ngôi nhà cổ và các sách hiếm, cổ vật quý mà ông cả đời sưu tầm, gìn giữ đến bờ vực ly tán, nên ông ghi rõ trong một văn bản làm ngày 2-10-1996 tựa đề “Lời chót dặn lại cho người sau này lo việc nhà cho tôi”.

Theo văn bản ấy, ông chọn người đại diện ông lo việc nhà cho ông (tang chế, giao tài sản của ông cho Nhà nước) là vợ chồng bà Vương Thị Việt Hoa - cháu gái ông và cũng là người ông tin cậy. Ông còn ghi rõ ba điều trong một văn bản khác cũng trong ngày 2-10-1996:

“1) Lúc tôi còn sống tôi vẫn là chủ. Khi tôi qua đời người đại diện tôi sẽ giao tài sản lại cho Nhà nước theo di chúc đã công bố.

2) Việc của ủy ban là xác định giá trị cổ ngoạn, sách và nhà đất thành tiền. Tôi là bên cầu tự đề cao (xuất), Nhà nước là bên cung sẽ nhất (quyết) định.

3) Nhà nước cho biết rõ chế độ, chính sách đãi ngộ đối với gia đình tôi”.

Đến đây mới thấy Vương Hồng Sển đã thực hành thật thấu đáo mối liên hệ văn hóa giữa của cho và cách cho.

Ông - trong vai trò người hiến tặng tài sản cho Nhà nước - vừa không hạ thấp giá trị của những gì mình hiến tặng bằng cách đề nghị định giá, nhưng lại vừa không đẩy người nhận sự hiến tặng vào cái thế phải “đổi chác ngang giá” đối với khối tài sản mà giá trị hữu hình chưa chắc phản ánh đúng giá trị vô hình.

Để lo cho các cháu nội, người ông là Vương Hồng Sển chỉ yêu cầu Nhà nước một số tiền vừa phải để mấy đứa cháu nội vị thành niên được ăn học nên người và có chỗ ở.

Có chỗ ở mà cụ Vương đề cập rất khác với một chỗ ở cao rộng bao nhiêu, trị giá bao nhiêu! Khi yêu cầu định giá tài sản, Vương Hồng Sển cũng lại giao cho Nhà nước quyền quyết định cuối cùng.

Các sách của nhà sưu tập Vương Hồng Sển đang trưng bày tại bảo tàng - Ảnh: L.ĐIỀN
Các sách của nhà sưu tập Vương Hồng Sển đang trưng bày tại bảo tàng - Ảnh: L.ĐIỀN

Không phải là không có giải pháp

Để Nhà Vương Hồng Sển có thể sớm hình thành và đưa vào phục vụ công chúng trong hệ thống các địa chỉ di sản văn hóa, có thể tiếp tục nhiều cách làm thuộc về tâm pháp, nghĩa là có luật và có đạo.

Thứ nhất, dựa vào tinh thần các di ngôn, di thư và di chúc của cụ Vương Hồng Sển để khẳng định: nhà cổ Vương Hồng Sển đã được công nhận di tích phải được giữ nguyên ở địa chỉ 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh, phải được bảo vệ theo đúng quy định của Luật di sản văn hóa.

Tất cả những hoạt động làm tổn hại đến không gian và cấu trúc ngôi nhà đều phải bị xem là trái phép và ngăn chặn, xử lý.

Thứ hai, các cơ quan chuyên môn về di sản văn hóa ở TP.HCM phải nhanh chóng thực hiện chức trách của mình: nghiên cứu để trùng tu ngôi nhà theo nguyên tắc bảo vệ và phát huy di tích.

Ngay sau đó xây dựng kế hoạch di chuyển các hiện vật về đây để quản lý, trưng bày, phục vụ khách tham quan, nghiên cứu với cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu và nhận một phần hỗ trợ của ngân sách.

Thứ ba, các cơ quan có thẩm quyền thảo luận với các cháu nội của cụ Vương Hồng Sển theo tinh thần di ngôn, di thư và di chúc của cụ.

Vẫn biết không phải là việc dễ dàng, nhưng cách tốt nhất là chính quyền TP cấp một căn nhà lầu mặt tiền phố có giá trị thương mại để các cháu nội của cụ Vương, nay đã trưởng thành, có điều kiện hỗ trợ nhau sinh sống như các gia đình bình thường khác, xem đây là cách họ vừa được thừa kế một phần gia sản của ông nội mình (mà về thực chất cụ Vương Hồng Sển không hề đề cập cụ thể), vừa có đóng góp nhất định vào việc thực hiện tâm nguyện của ông nội mình đối với xã hội.

Thứ tư, sau khi đi vào hoạt động, ban quản lý Nhà Vương Hồng Sển có trách nhiệm giữ mối liên lạc mật thiết với gia đình dòng họ của học giả Vương Hồng Sển để góp phần phát huy giá trị nội sinh của di tích; đồng thời hỗ trợ một phần chi phí tu sửa nghĩa trang họ Vương ở Sóc Trăng như lúc sinh thời cụ Vương có nhắc đến.

Cuối cùng, vẫn là theo cách mà các xã hội phát triển vẫn thường làm, nên thành lập một quỹ Vương Hồng Sển nhằm vận động và quản lý sự đóng góp của những nhà hảo tâm quan tâm đến giữ gìn và phát huy di sản văn hóa.

Số tiền thu được từ quỹ này sẽ đóng góp vào chi phí duy trì hoạt động và bảo dưỡng Nhà Vương Hồng Sển, chia sẻ gánh nặng ngân sách theo tinh thần xã hội hóa mà Nhà nước đang chủ trương nhân rộng.

Với những cách làm theo tâm pháp văn hóa đó, lẽ nào mục tiêu tốt đẹp là thành lập Bảo tàng Vương Hồng Sển lại không thực hiện được?

NGUYỄN THẾ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên