14/05/2020 10:45 GMT+7

Đếm thời gian gắn bó với Sài Gòn

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Sài Gòn là vùng đất của những người ngụ cư, nhưng có lẽ ít ai tỉ mẩn cộng đếm từng đêm mình đã ngụ tại Sài Gòn như cách của Nguyễn Hoàng Trung Hiếu trong tập tản văn Sài Gòn 7.000 đêm và thương... rồi nhớ, in chung với tác giả Hoài Hương.

Đếm thời gian gắn bó với Sài Gòn - Ảnh 1.

Ảnh: L.ĐIỀN

Sài Gòn là vùng đất của những người ngụ cư, nhưng có lẽ ít ai tỉ mẩn cộng đếm từng đêm mình đã ngụ tại Sài Gòn như cách của Nguyễn Hoàng Trung Hiếu trong tập tản văn Sài Gòn 7.000 đêm và thương... rồi nhớ, in chung với tác giả Hoài Hương.

Đây là ý tưởng của Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ, muốn thực hiện một tập sách viết về Sài Gòn từ hai tác giả ra đời trước và sau năm 1975 - dấu mốc quan trọng đối với lịch sử Sài Gòn - TP.HCM.

Sinh trưởng trước năm 1975, đến Sài Gòn từ miền Bắc, Hoài Hương phải lòng Sài Gòn sau ngày thống nhất đất nước. Gọi tên phần tản văn của mình trong tập này là "Sài Gòn thương... Sài Gòn nhớ...", Hoài Hương cho người đọc thấy những cảm nhận tinh tế về Sài Gòn qua nhãn quan của người con gái Bắc. 

Đó là một chút mùa đông gợi nhớ đến người thương, là Sài Gòn vào thu theo kiểu cách riêng mà phải tinh ý lắm mới nhận ra bởi chất thu của phương Nam chỉ đến trong từng khoảnh khắc. 

Là những cơn mưa "không đầu nguồn cuối ngọn", những khu phố rộn ràng náo nhiệt với Tết trung thu và lung linh thẳm sâu trong mỗi mùa Noel... Và những phát hiện mà nếu không sống ở Sài Gòn nhiều năm, chưa đặt chân đến nhiều hẻm phố thì chưa khám phá hết được...

Trong khi đó, một người con miền Đông Nam Bộ như Nguyễn Hoàng Trung Hiếu đến với Sài Gòn tức là gắn mình vào vùng đất khởi đầu hành trình lập thân: học đại học và kiếm việc làm. 

Cái bước ngoặt sau khi tốt nghiệp cấp ba rồi vào Sài Gòn có lẽ là mẫu số chung cho nhiều thế hệ thanh niên từ khi Sài Gòn trở thành đô hội, thành "miền đất hứa" cho nhiều mảnh đời tìm đến dung thân cũng như kỳ vọng sẽ đón bắt được cơ hội để thực hiện ước mơ hoài bão.

Trong ngút ngàn tâm sự như vậy, Trung Hiếu ấn tượng với một Sài Gòn qua từng nhịp sống chuyển động thường nhật đầy thú vị. 

Một bà ngoại bán rau nhìn cậu khách hàng cũng biết nó mua rau về luộc ăn với mắm, một cô hàng bưởi ở chợ tết chung cư quy tụ cả một quần thể xã hội bình dân với bao cảnh đời cơ cực, mỗi người một nỗi đa đoan không dễ gì bày tỏ. 

Và Trung Hiếu còn nhìn Sài Gòn kỹ hơn ở nhiều chiều kích, để bắt gặp những mặt trái của đời thường. Đó là cách kiếm tiền "cắt cổ" khách đi đường mùa mưa xe máy bị ướt bugi, là mảnh đời của phạm nhân án tàng trữ ma túy mà tác giả chứng kiến trong vai trò luật sư... 

Cứ như thế, thế thái nhân tình theo bản sắc rất Sài Gòn hiện lên qua từng trang viết.

Có lẽ nói không ngoa rằng một đô thị sống động là phải sống cả trong từng cảm xúc, hơi thở làm nghề và ký ức của mỗi người dân trong cộng đồng cư dân nơi ấy. Sài Gòn chính là đô thị có được duyên may đó.

Nặng lòng với đô thị Sài Gòn Nặng lòng với đô thị Sài Gòn

TTO - Tác giả Nguyễn Minh Hòa vừa ra mắt quyển sách mới Đô thị - những vấn đề tiếp nối, tập hợp ý kiến chuyên môn về đô thị học và cả những tâm sự giãi bày về các vấn đề phát triển đô thị ở nước ta.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên