22/10/2015 11:00 GMT+7

Đêm chong đèn nhớ lại...

LÊ ĐỨC DỤC (leducduc@tuoitre.com.vn)
LÊ ĐỨC DỤC (leducduc@tuoitre.com.vn)

TT - Trước khi được Nhà nước đồng ý để nhạc sĩ Phạm Duy về định cư tại cố hương vào năm 2005, ba năm trước đó, tháng 9-2002, ông có chuyến về Việt Nam và trở lại Quảng Trị.

Đô thị biển Cửa Việt với du khách đông đúc nằm cuối đường xuyên Á. Có ai biết con đường này đã chạy qua khu vườn xưa của bà mẹ Gio Linh?  - Ảnh: Lê Đức Dục
Đô thị biển Cửa Việt với du khách đông đúc nằm cuối đường xuyên Á. Có ai biết con đường này đã chạy qua khu vườn xưa của bà mẹ Gio Linh? - Ảnh: Lê Đức Dục

Hôm đó, cùng với một đồng nghiệp ở Quảng Trị, chúng tôi đưa nhạc sĩ về lại làng Mai Xá - Gio Linh. Sau những hồi ức xa xôi từ hơn nửa thế kỷ trước, Phạm Duy chợt nhớ ra ông còn có một bài hát khác viết về sự hi sinh của 12 người mẹ Gio Linh đã chết trong một trận càn của Pháp.

Những lời ru ấy như còn bên sông

Thú thật, vốn là dân “bản địa” nhưng câu chuyện về sự hi sinh của 12 bà mẹ đó chúng tôi chưa bao giờ nghe. Và bài hát này, Phạm Duy đã viết ra cũng từ một câu chuyện có thật, như câu chuyện của hai liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ và Nguyễn Văn Phi.

Hôm đó, từ làng Mai Xá, bằng ký ức mơ hồ dẫn dắt, ông cùng chúng tôi về khu vực cầu Bến Ngự, cách trung tâm thị trấn Gio Linh chừng bốn cây số. Câu chuyện về ca khúc Mười hai lời ru ấy, trong cuốn Nhớ - hồi ức Phạm Duy được NXB Trẻ in vào cuối năm 2005, ông có viết khá chi tiết.

Lúc ấy, đoàn văn nghệ kháng chiến của ông đi diễn ở Quảng Bình xong thì vào Quảng Trị, phải đi đường rừng vào vì ở đồng bằng quân Pháp xây nhiều đồn canh, ngày đi càn để khủng bố, đêm từ đồn cứ thế bắn ra bừa bãi.

“Về chiến khu, nơi Ủy ban kháng chiến tỉnh Quảng Trị đóng, ở vài hôm, chúng tôi đề nghị chính quyền cho xuống đồng bằng. Và một hôm chúng tôi tới một làng trong huyện Gio Linh. Khi chúng tôi tới đầu làng, dân chúng lảng đi không muốn nói chuyện vì lính Pháp vừa tới khủng bố làng này.

Họ tưởng chúng tôi là người của Pháp. Nhưng sau khi biết chúng tôi là đoàn văn nghệ được tỉnh phái tới để nâng cao tinh thần đồng bào thì dân làng niềm nở đón tiếp.

Khi đi qua một cây cầu tre, tôi thấy nước dưới cầu còn nhuộm màu đỏ, hỏi ra thì biết chuyện 12 người mẹ vừa bị bắn chết.

Chuyện kể rằng sau khi một toán lính Pháp đi tuần bị du kích bắn chết, chúng đã tổ chức trả thù, chúng tập trung dân làng lại và thấy có 12 bà mẹ đang ôm con thơ. Chúng bắt dân làng khai ra nơi trú ẩn của du kích quân, nếu không chúng sẽ giết 12 người mẹ này.

Vì không ai khai cả nên chúng lôi 12 bà mẹ bồng con thơ ra bờ sông và ra lệnh ném 12 đứa con của mình xuống nước. Các bà mẹ không nghe lệnh và bị chúng bắn chết cùng 12 đứa con đang bế trên tay.

Bài hát kể lại câu chuyện hãi hùng đó với kết luận là 12 người mẹ ôm con chết đi, nhưng từ đó, hằng đêm, trên con sông đau thương này người ta vẫn nghe văng vẳng lời ru của 12 người mẹ Việt chết trong kháng chiến” (hồi ức Nhớ - NXB Trẻ, trang 215 - 216).

Chắp nối những thông tin, chúng tôi chỉ có thể cho một giả định gần với sự thật nhất là ngôi làng bị khủng bố có 12 bà mẹ cùng con bị bắn chết ấy chính là làng Tân Minh mà chúng tôi đã nhắc đến trong bài trước.

Bởi trong cuộc thảm sát ấy, Tân Minh có đến 51 phụ nữ và 45 trẻ em bị bắn chết, trong đó có nhiều người đang mang thai!

Cùng với ca khúc Bà mẹ Gio Linh, bài Mười hai lời ru cũng là câu chuyện được kể về một sự thật: “Miền Trung yêu dấu có một bài ru/ Vọng từ quê mẹ là nơi căm thù/ Mười hai câu hát đưa từ dòng sông/ Vọng thành lời ca ru vào lòng ta/ Con ngủ trong lòng đang dịu giấc nồng/ Giặc đến đầu thôn giặc bắt ra sông/ Mười hai người mẹ, giặc bắt ôm con/ Thả trôi xuôi dòng/ Dòng nước đưa đi mười hai người mẹ/ Và lũ con thơ cũng trôi xuôi dòng/ Dòng nước vang lên thành bao lời thề/ Cho dù quê hương chốn mất một còn/ Còn nước còn non, người quyết một lòng...”.

Thắp hương trên mộ một bà mẹ Gio Linh: mẹ Hoàng Thị Sáng - Ảnh: L.Đ.D.
Thắp hương trên mộ một bà mẹ Gio Linh: mẹ Hoàng Thị Sáng - Ảnh: L.Đ.D.

Vẫn đây dáng mẹ Gio Linh...

Những câu chuyện như thế ở Gio Linh, những câu chuyện về những bà mẹ Gio Linh đã trĩu nặng và đớn đau suốt bao năm tháng kháng Pháp.

Dọc dài theo đường kháng chiến, từ vùng đất khốc liệt những năm 1945 - 1954, sau hiệp định Genève, Gio Linh lại thành vùng đất đầu cầu phía nam của vĩ tuyến 17.

Và cũng như sự hi sinh của những bà mẹ thuở kháng Pháp, những năm đánh Mỹ, huyền thoại về sự hi sinh của mẹ Gio Linh lại được kể tiếp.

Còn nhớ những năm sau 1975, trong những sự kiện kỷ niệm của Gio Linh, trên khán đài luôn có một bà mẹ già nua với tấm lưng còng. Mẹ là Bùi Thị Con ở xã Gio Hải. Vẫn biết là gánh nặng tuổi tác đã hằn lên đời mẹ khiến lưng mẹ còng thêm còng, nhưng những ai biết rõ về mẹ mới hiểu.

Còn hơn cả gánh nặng tuổi tác, tấm lưng mẹ đã trĩu xuống bởi nỗi đau mất chồng và sáu người con chỉ trong vòng ba năm, từ 1968 - 1971. Thử tưởng tượng: ba năm - bảy cái tang chất chồng như thế!

Còn nhớ hôm đưa nhạc sĩ Phạm Duy về lại Mai Xá, ông hỏi ở Quảng Trị đã có con đường nào mang tên “Bà mẹ Gio Linh” chưa? Hình ảnh bà mẹ Gio Linh có lẽ là hình ảnh đặc trưng nhất của Quảng Trị.

Nhưng dường như cho đến bây giờ vẫn chưa có một sự tưởng vọng nào dành cho mẹ Gio Linh ngoài ca khúc đã đi qua mịt mùng năm tháng.

Lê Hồng Niên, cháu gọi mẹ Hoàng Thị Sáng bằng bà ngoại, gọi liệt sĩ Nguyễn Văn Phi bằng cậu ruột, mở máy tính cho tôi xem một đồ án tưởng niệm Bà mẹ Gio Linh.

Đồ án này được con cháu trong gia tộc tự thiết kế và mong muốn được dựng lên ở vị trí nơi ngày xưa giặc Pháp bêu đầu hai liệt sĩ.

Theo đồ án, sẽ có một vuông sân đơn sơ được tôn lên trên khu đất cạnh đình làng, một bức phù điêu mẹ và con, giữa một không gian cây cỏ, nơi đó để những người đi qua làng có thể dừng chân ghé thắp một nén nhang, lắng mình trước truyền kỳ về mẹ vang vọng qua bao nhiêu năm tháng!

Tuy nhiên như Niên, người cháu của mẹ Sáng nói cũng không dễ muốn là thực hiện được, vì hình ảnh của Mẹ Gio Linh đã thành một di sản tinh thần của cả miền đất này.

Vì thế, chuyện dựng phù điêu hay tượng đài cũng phải qua ban này ngành nọ, mấy lần ra ủy ban xã và lên huyện ướm hỏi nhưng vẫn chưa được.

Có lẽ chuyện dựng tượng đài Bà mẹ Gio Linh có thể một ngày nào đó rồi sẽ được triển khai, nhưng một con đường mang tên Bà mẹ Gio Linh không phải là điều quá khó.

Nhiều lần chúng ta đi đi về về trên tuyến quốc lộ 9 nối dài chạy từ trung tâm thành phố Đông Hà về biển Cửa Việt, ngang qua làng Mai Xá, qua đình làng, qua bến đò, qua ngôi chợ nhỏ chất chứa miền ký ức lẫm liệt của làng.

Rồi bỗng bần thần: bao nhiêu người đã đi qua đây mà không hề biết đến truyền kỳ đời mẹ, đến nỗi đau đã hóa thành biểu tượng của người mẹ Gio Linh, người mẹ Việt Nam?

Và không chỉ gói gọn ở đất Gio Linh, ở làng Mai Xá... mẹ Gio Linh giờ là mẹ Quảng Trị, là hiện thân của mẹ miền Trung quê nghèo gió cát, là mẹ Việt Nam thương khó tảo tần gồng gánh nỗi đau.

Đường về đô thị biển Cửa Việt đã thênh thang, chiều chiều người ta vẫn thấy không chỉ dân trong vùng về tắm biển mà cả những chiếc xe du lịch mang biển số từ Thái Lan, Lào cũng xuyên qua mấy trăm cây số theo quốc lộ 9 về đây.

Cuối con đường là một đô thị biển đang vạm vỡ hình hài với chiếc cầu Cửa Việt xoải nhịp, những resort sang trọng mọc lên, những chuyến tàu chở du khách từ đây vượt sóng ra đảo tiền tiêu Cồn Cỏ...

Cái nhịp đời sôi động ấy diễn ra trên con đường xuyên Á, không ai biết con đường này đã chạy qua khu vườn xưa của bà mẹ Gio Linh. Có ai nghĩ đến ngày hôm nay có được là từ sự hi sinh của bao nhiêu bà mẹ nước Việt trong dáng hình của Mẹ Gio Linh?

------------

Xem các kỳ trước

>> Kỳ 1: Từ bài ca kháng chiến...

>> Kỳ 2: Còn đây người mẹ làng Mai...

LÊ ĐỨC DỤC (leducduc@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên