20/10/2015 10:39 GMT+7

Từ bài ca kháng chiến...

LÊ ĐỨC DỤC (leducduc@tuoitre.com.vn)
LÊ ĐỨC DỤC (leducduc@tuoitre.com.vn)

TT - Bài hát đầu tiên viết về những bà mẹ của các liệt sĩ sau Cách mạng Tháng Tám đã vang lên suốt những năm kháng chiến chống Pháp chính là ca khúc Bà mẹ Gio Linh của nhạc sĩ Phạm Duy.

Đình làng Mai Xá hôm nay, nơi gần 70 năm trước giặc Pháp bêu đầu hai liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ và Nguyễn Văn Phi - Ảnh: L.Đ.Dục
Đình làng Mai Xá hôm nay, nơi gần 70 năm trước giặc Pháp bêu đầu hai liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ và Nguyễn Văn Phi - Ảnh: L.Đ.Dục

Câu chuyện ấy được lưu truyền, đi vào nhạc, vào thơ và nhiều người vẫn nghĩ đấy là một huyền thoại. Phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm về ngôi làng của mẹ, gặp lại người mẹ sử thi ấy trong từng hồi ức, từng câu chuyện, trong di ảnh mẹ trên bàn thờ trĩu nặng nỗi niềm.

Co bàn chân phải lên, chỉ vào ngón chân trỏ bị giẹp xòe ra khiến móng chân như chia làm hai, ông Trương Ký Túc nói với tôi: “ Vết thương này là chứng tích của câu chuyện mà anh muốn hỏi tôi đấy!”.

Ông Trương Ký Túc, năm nay 82 tuổi, cùng quê với “bà mẹ Gio Linh”, vốn gốc làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị), nay sống ở thành phố Đông Hà. Ông chính là người làng đầu tiên chứng kiến cảnh hai chiến sĩ con dân làng Mai Xá bị giặc Pháp chặt đầu đưa ra bêu ở đình làng.

Câu chuyện hai chiến sĩ quê Mai Xá bị giặc chặt đầu đã bắt đầu về một huyền thoại mẹ Gio Linh.

“Quân thù đã bắt được con...”

Ông Túc kể: “Sáng đó tôi dậy sớm lùa bò đi chăn, khi đó là năm 1948 tôi mới 15 tuổi. Mở “ràn” (chuồng) bò nhà mình xong, tôi phải qua "ràn" bò nhà bà Hưng bên cạnh để chăn giùm luôn mấy con bò của nhà bà. Đang loay hoay mở bò của bà Hưng thì bò nhà tui chạy vô sân đình làng. Tui chạy đuổi theo vô sân thì cha mạ ơi, đập vô mắt tui, ngay hai cột giữa của hàng hiên đình làng là hai cái đầu người bị cắt gọn, cắm vào hai đòn xóc dựng tựa vào đó, hai mắt còn mở trừng trừng.

Hoảng quá tui quay trở lui, cùng lúc con bò nhà tui cũng hoảng nhảy chéo qua chân tui, móng vó con bò giẫm lên đúng ngón chân trỏ này khiến bị giập ngón, tóe máu. Khi đó tui như muốn khuỵu xuống nhưng vì mấy con bò cứ lồng lên chạy, lại đang sợ nên tui ráng chạy theo đàn bò lên phía cồn Mả. Mới 4 - 5 giờ sáng, thấy bóng người sau mấy ngôi mộ to cứ ngỡ là người làng đi cày sớm, tới gần hóa ra là cả Tây, cả lính dõng đang đặt súng trên mộ chĩa về hướng đình, kiểu như họ mai phục coi có ai tới lấy đầu không”.

...Hai đầu người bị chặt rồi cắm vào đòn xóc mà ông Trương Ký Túc trông thấy trước sân đình ấy chính là thủ cấp anh Nguyễn Đức Kỳ, xã đội trưởng Gio Mai và anh Nguyễn Văn Phi, du kích xã cũng là cán bộ bình dân học vụ. Đấy là ngày 16-8-1948.

Phải nói rằng Mai Xá từ xa xưa vốn nổi tiếng là vùng đất chính khí hun đúc. Từ những năm cuối thế kỷ 19, khi vua Hàm Nghi ra Tân Sở (nay là vùng Cùa, Cam Lộ) để lập căn cứ kháng Pháp, xuống chiếu Cần Vương, đất Quảng Trị hình thành nên những “vườn đào tụ nghĩa”.

Những nghĩa sĩ ấy nối truyền khí tiết từ bấy giờ cho đến sau này khi vua Duy Tân từ Huế ra cửa Tùng bí mật họp bàn kế sách chống Pháp với những người thân tín. Khí tiết yêu nước ấy đã khiến người dân Mai Xá trung trinh, bất khuất nên ở Quảng Trị có câu “Gan Mai Xá, đá Hảo Sơn” ý ví người Mai Xá (vùng đông Gio Linh) nghĩa khí vàng đá sắt son như vùng Hảo Sơn (thuộc tây Gio Linh) nổi tiếng với “đặc sản” là vùng có loại đá cực kỳ rắn.

Bà Nguyễn Thị Thạch, 85 tuổi, đang ôm di ảnh của mẹ mình - mẹ Diêu Cháu, nguyên mẫu của bà mẹ Gio Linh - Ảnh: L.Đ.D.
Bà Nguyễn Thị Thạch, 85 tuổi, đang ôm di ảnh của mẹ mình - mẹ Diêu Cháu, nguyên mẫu của bà mẹ Gio Linh - Ảnh: L.Đ.D.

“Nghẹn ngào không nói một câu...”

Do cốt cách “bất trị” của vùng đất này mà lúc trở lại xâm lược Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám, nhất là từ khi mặt trận Huế vỡ vào năm 1947, giặc Pháp bắt đầu lập ra một hệ thống đồn bốt ở vùng đông Gio Linh này để đàn áp những người dân vốn chưa bao giờ khuất phục. Mai Xá trở thành làng kháng chiến.

Trước khi xảy ra sự kiện giặc Pháp tra tấn, khảo tra rồi chặt đầu hai anh Nguyễn Đức Kỳ và Nguyễn Văn Phi, dân vùng đông Gio Linh này từng chịu một trận thảm sát kinh hoàng ở làng Tân Minh thuộc xã Gio Thành bên cạnh, không khác gì vụ Sơn Mỹ của Quảng Ngãi sau này.

Để “xóa trắng” vùng này, ngày 15-10-1947 quân Pháp từ ba đồn Nhĩ Hạ, Mai Xá, Chợ Cầu bất ngờ bao vây làng Tân Minh từ 4g sáng. Chỉ chưa đầy một giờ, giặc đã tàn sát 192 người, hầu hết là trẻ em, phụ nữ và phụ lão...

Hơn 20 năm trước, trong lần về làng Tân Minh dự lễ khánh thành nhà bia tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát này tôi đã gặp cụ Thí, một trong số ít người sống sót sau vụ thảm sát. Gia đình cụ Thí tính cả con cháu, dâu rể, cháu chắt có đến 24 người bị địch giết chết.

Cuộc thảm sát ấy không làm nhụt chí người dân Gio Linh mà ngược lại, đồn địch trong vùng không đêm nào yên bởi những trận tập kích của dân quân du kích các xã trong vùng phối hợp. Và cũng vì thế, giặc Pháp càng lồng lộn tìm những cách trả thù tàn bạo nhất như chặt đầu hai anh Kỳ và anh Phi.

Tôi về Mai Xá, đi khắp làng để hi vọng tìm được chút dấu tích hai liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ và Nguyễn Văn Phi, và hơn cả là tìm lại hình ảnh của bà mẹ Gio Linh đã trở nên bất tử như một huyền thoại. Đã ngót 70 năm dâu bể đổi dời, đất Gio Linh cũng dài thêm mấy chục năm dằng dặc là vùng đất địa đầu vĩ tuyến 17. Cũng như bao nhiêu phận người của làng đã phiêu dạt vì chiến tranh, biết rồi câu chuyện ngày xưa nay có còn lưu được chút dấu tích gì?

May sao tấm bằng Tổ quốc ghi công của hai liệt sĩ bị giặc Pháp chặt đầu ấy vẫn được cháu con trân trọng treo trên bàn thờ gia tộc. Càng may mắn hơn khi trên bàn thờ của gia đình liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ có cả di ảnh mẹ anh, mẹ Diêu Cháu - người đã khơi nguồn cảm xúc để người nhạc sĩ thuở kháng chiến viết nên bài ca bi tráng Bà mẹ Gio Linh: “Mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày. Cho dù áo rách sờn vai, cơm ăn bát vơi bát đầy. Mẹ già tưới nước trồng rau, nghe tin xóm làng kêu gào. Quân thù đã bắt được con, mang ra giữa chợ cắt đầu. Nghẹn ngào không nói một câu, mang khăn gói đi lấy đầu”...

Bài ca ấy của nhạc sĩ Phạm Duy từng vang lên suốt thời kháng chiến chống Pháp, rồi sau này vì những lý do liên quan đến tác giả mà bài ca về bà mẹ Gio Linh đó ít được nhắc đến. Mãi đến năm 2005 khi người nhạc sĩ già được hồi hương “lá rụng về cội”, trong số 10 ca khúc được cấp phép trở lại của ông, bài Bà mẹ Gio Linh được xếp đầu tiên.

Trong hồi ức của mình, nhạc sĩ từng kể rằng: “Từ Quảng Bình, tôi tới làng Gio Linh ở Quảng Trị. Gặp một bà mẹ có người con đi dân quân bị giặc bắt và bị giặc chặt đầu treo giữa chợ. Không ai dám lấy đầu anh dân quân xuống để đem đi chôn. Bà mẹ lẳng lặng đi lấy đầu con, bỏ vào khăn gói mang về. Tôi kể câu chuyện đó qua một bài dân ca với kết luận là sau khi hi sinh người con độc nhất cho kháng chiến, bà sẽ có hàng trăm con nuôi là những người đi bộ đội. Bài này nói tới bi hùng chứ không phải nói tới bi lụy” (Phạm Duy - Một đời nhìn lại, phần “Dân ca mới”).

Bài hát ấy, cho dù có số phận cũng lênh đênh chìm nổi nhưng với những người dân làng Mai Xá, với những vệ quốc quân thời kháng Pháp, câu chuyện về bà mẹ Gio Linh đã tiếp thêm sức mạnh cho họ xông lên...

____________________________

Kỳ tới: Còn đây người mẹ làng Mai...

LÊ ĐỨC DỤC (leducduc@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên