21/10/2015 14:30 GMT+7

Còn đây người mẹ làng Mai...

LÊ ĐỨC DỤC (leducduc@tuoitre.com.vn)
LÊ ĐỨC DỤC (leducduc@tuoitre.com.vn)

TT - Căn nhà thờ của họ Nguyễn Đức được xây cạnh quốc lộ 9, đoạn nối dài từ thành phố Đông Hà về thị trấn biển Cửa Việt.

Mộ liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ trong nghĩa trang gia tộc, nằm cùng mộ của mẹ mình, bà Diêu Cháu - Ảnh: L.Đ.DỤC
Mộ liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ trong nghĩa trang gia tộc, nằm cùng mộ của mẹ mình, bà Diêu Cháu - Ảnh: L.Đ.Dục

>> Kỳ 1: Từ bài ca kháng chiến...

Một căn nhà nhỏ mà không mấy ai để ý khi ngang qua đây, nhưng trong căn nhà nhỏ đó là bàn thờ những phận người của vùng đất Mai Xá từng làm nên huyền thoại xứ sở.

Có hai “bà mẹ Gio Linh”

Những con cháu của liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ nay đã phiêu dạt mưu sinh tận phương Nam. Hôm tôi tìm về đây, trên bàn thờ của ngôi nhà thờ họ Nguyễn Đức vẫn trang trọng để tấm bằng Tổ quốc ghi công số hiệu NC 258 theo quyết định số 779/TTg ngày 19-7-1978 ghi rõ:

“Liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ, xã đội trưởng, nguyên quán xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tháng 8-1948”.

Bên cạnh tấm bằng của liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ còn có một tấm bằng Tổ quốc ghi công khác ghi tên liệt sĩ Nguyễn Đức Thùy, em trai của liệt sĩ Kỳ.

Tấm bằng của liệt sĩ Nguyễn Đức Thùy là “Chính trị viên đại đội Quân đội nhân dân Việt Nam, đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp ngày 9-10-1952”. Và giữa hai tấm bằng Tổ quốc ghi công của hai người con là di ảnh của mẹ Lê Thị Cháu.

Cạnh ngôi nhà thờ là mảnh vườn của bà Nguyễn Thị Thạch, năm nay 85 tuổi. Bà Thạch là em gái của liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ. Chồng bà Thạch, ông Bùi Xin, đã 90 tuổi song vẫn còn minh mẫn. Là con rể của gia đình nhưng giờ ông Bùi Xin đang trông coi từ đường của gia đình nhà vợ.

Vừa mở cánh cửa hông nhà thờ, run run đốt nén nhang lên lư hương, ông Xin quay lại gọi với vợ mình từ dưới nhà.

Khi bà Thạch ôm lấy bức di ảnh mẹ Diêu Cháu - nguyên mẫu của bà mẹ Gio Linh, tôi giật mình bởi hình ảnh đứa con nay đã 85 tuổi và người mẹ huyền thoại trong tấm ảnh thờ giống nhau như hai giọt nước.

Trong di ảnh, mẹ Diêu Cháu mang “gương mặt của một vị thánh” như nhạc sĩ Phạm Duy từng nhắc lại trong những dòng hồi ức.

Ngồi tựa vào bức tường ngôi nhà thờ, câu chuyện về mẹ Diêu Cháu được những người con của mình nhớ lại: “Mẹ tui tên Diêu Cháu là kêu theo kiểu ghép luôn tên cha tui, mẹ tên Lê Thị Cháu, còn chồng tên Nguyễn Diêu, vì rứa dân làng quen kêu là mẹ Diêu Cháu.

Nhà hồi đó có nghề ấp trứng vịt, cung cấp trứng khắp cả vùng từ đây ra tận Vĩnh Linh, Lệ Thủy, kinh tế cũng khá. Anh Nguyễn Đức Kỳ khi đó là xã đội trưởng nổi tiếng gan dạ.

Giặc Pháp từ mấy đồn Nhĩ Hạ, Chợ Cầu, Mai Xá bao lần lùng bắt mà không được, thế rồi anh Kỳ nhà tui sa vào tay giặc trong trận ruồng bố vào thôn Lâm Xuân cạnh làng Mai Xá. Cũng đêm đó quân Pháp ở đồn bắt được anh Nguyễn Văn Phi ở khu vực miếu Đôi, ngoài cánh đồng Mai Xá.

Giặc đem cả hai anh về đồn tra khảo mấy ngày đêm rồi hành quyết, đem cắt đầu thị uy, uy hiếp dân làng.

Khi hay tin anh Kỳ bị giặc chặt đầu đem bêu ở đình làng, mẹ tui (mẹ Diêu Cháu) cùng chị dâu cả của tui là chị Khương Thị Mén cắp thúng đi ra đình, bấy giờ thủ cấp của hai anh đã được bọn giặc dời từ sân đình ra bến đò trước chợ...”.

Ngoài ngôi mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Phi trong nghĩa trang gia tộc, ở nghĩa trang liệt sĩ  xã cũng có một nấm mộ gió đề tên anh để tưởng nhớ - Ảnh: L.Đ.Dục
Ngoài ngôi mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Phi trong nghĩa trang gia tộc, ở nghĩa trang liệt sĩ xã cũng có một nấm mộ gió đề tên anh để tưởng nhớ - Ảnh: L.Đ.Dục

Niềm đau bi tráng

Làm sao diễn tả được hết cảm xúc của người mẹ khi không chỉ đau nỗi đau đứa con hi sinh, còn đau thêm nỗi đau con bị giặc tra tấn rồi chặt đầu tàn bạo.

Làm sao diễn tả hết nỗi đau khi mẹ ôm chiếc thúng tre ra giữa chợ, nơi giặc đang bêu đầu con, để ôm thủ cấp đứa con mình đã mang nặng đẻ đau về chôn giấu.

Khi viết bài hát này, nhạc sĩ Phạm Duy đi theo một đoàn văn nghệ kháng chiến về Quảng Trị rồi đi thực tế ở Gio Linh.

Sau khi nghe được câu chuyện đau thương ấy, tìm gặp được mẹ Diêu Cháu, ông đã kể rằng: “Đêm đó tôi trở về nằm lăn trên một cái giường nứa ở một cánh rừng không tên trên chiến khu Quảng Trị, rồi tôi đã khóc rưng rức khi ngồi dậy và viết ra những câu ca đầu tiên của bài hát. Lúc đó tôi cũng nghĩ đến mẹ tôi...”.

Người mẹ già cuốc đất trồng khoai nuôi con đánh giặc ấy, bây giờ... “Nghẹn ngào không nói một câu/ mang khăn gói đi lấy đầu/ Đường về thôn xóm buồn teo/ xa xa tiếng chuông chùa gieo/ Tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy/ Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay/ Ta yêu con ta, môi thắm bết máu cờ/ Nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngó trông ta...”.

Cùng với mẹ Diêu Cháu ra chợ mang đầu của anh Kỳ con mình về là bà Hoàng Thị Sáng, mẹ của anh Phi, đi cùng với người em dâu là Bùi Thị Con.

Những bà mẹ ấy lặng lẽ gỡ đầu con ra khỏi cọc bỏ vào thúng nách về. Sau này trong bài diễn ca Làng Mai uất hận có câu: “Con ra đi hình hài tuấn kiệt/ Con trở về có chiếc đầu thôi”.

Nhưng không phải thế là xong. Địch cho quân lùng sục. Cả hai gia đình đều mang thủ cấp con mình cất lên “tra” (tức cái sàn gỗ trên nóc trần nhà, nơi những ngôi nhà dân vùng này ngày xưa làm để cất giữ hạt giống ngô, thóc...).

Đợi khi giặc rời làng về đồn, đêm xuống gia đình đưa thủ cấp anh Nguyễn Đức Kỳ đựng trong chiếc hộp gỗ đi chôn ở vùng cồn Go của làng Mai Xá Thị, còn đầu của anh Nguyễn Văn Phi được chôn tại nghĩa địa cồn Dài, xóm Kênh, làng Mai Xá Chánh.

Đưa tôi ra khu mộ gia đình, nơi chôn cất liệt sĩ Nguyễn Văn Phi, anh Bùi Quốc Dũng, cháu gọi liệt sĩ Phi bằng cậu ruột, kể rằng ngày đó khi chôn cất thủ cấp anh Phi ở đây nhưng phần thân thể còn lại của anh Phi thì bị giặc chôn tại một hố chôn tập thể.

Gần cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, khi giặc Pháp bắt đầu núng thế, ông ngoại tôi mới lần dò tìm ra nơi giặc chôn phần thân cậu Phi, từ đó cất bốc về ghép với thủ cấp của cậu cho nguyên vẹn hài cốt rồi an táng tại đây.

Mộ của liệt sĩ Phi được chôn phía sau mộ của bố mẹ mình là ông Nguyễn Sửu và bà Hoàng Thị Sáng, ghi rõ ngày hi sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Phi là 16-8-1948.

Bây giờ cũng như liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ, tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Văn Phi đang được thờ tự ở nhà thờ họ Nguyễn trong làng Mai Xá Chánh. Ông Nguyễn Văn Trung, anh em chú bác ruột với liệt sĩ Phi, đang trông coi hương khói cho nhà thờ.

Thấy tôi thắc mắc về tấm bằng liệt sĩ chỉ mới được Thủ tướng Chính phủ ký vào năm 2013, anh Lê Hồng Niên, cũng là cháu gọi liệt sĩ Phi bằng cậu ruột, kể:

Hồi đưa bằng Tổ quốc ghi công của cậu Phi về không còn ai để thờ tự nên bằng phải để ở trụ sở xã, vậy rồi không biết bảo quản ra sao mà mối xông hết tất cả sổ sách văn bằng, khi anh em trong dòng tộc xây nhà thờ này và ra xã xin mang bằng Tổ quốc ghi công của cậu Phi về thờ thì cán bộ xã trả lời đã bị... mối ăn, vậy là tôi phải làm đơn xin cấp lại, mãi đến năm 2013 mới được cấp!

Dẫn tôi ra nghĩa trang gia tộc của dòng họ Nguyễn Đức ở khu vực cồn Go, ông Hoàng Đức Toàn, trưởng làng Mai Xá Thị, nhiệt tình chỉ cho tôi tìm biết ngôi mộ của liệt sĩ Kỳ. Một nấm mồ không được dựng tấm bia như bao nhiêu ngôi mộ khác trong khu nghĩa trang.

Ngôi mộ liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ nằm ở dãy đầu tiên, ngoài cùng bên phải. Dưới những nấm mồ này, thân xác của anh đã được mang về chôn cùng thủ cấp sau nhiều năm lưu lạc.

__________

Kỳ tới: Đêm chong đèn nhớ lại...

LÊ ĐỨC DỤC (leducduc@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên