Sân bay Côn Đảo hiện hữu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Ngày 9-8, ông Trịnh Hàng - giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết sở đã có buổi làm việc với Công ty trực thăng miền Nam (Tổng công ty trực thăng miền Nam - Quân chủng Phòng không - không quân) để bàn về phương án vận tải hành khách ra Côn Đảo khi sân bay này đóng cửa để nâng cấp, sửa chữa.
Theo đó, công ty này đã đồng ý với sở khi sân bay Côn Đảo đóng cửa thì sẽ tăng tần suất các chuyến bay thương mại bằng trực thăng từ Vũng Tàu ra Côn Đảo. Đồng thời sẽ đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền mở thêm đường bay thương mại bằng trực thăng từ TP.HCM đi Côn Đảo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Song Hải - tổng giám đốc Công ty tàu cao tốc Greenlines DP - cho biết: "Với tư cách là người tham gia vận chuyển hành khách đi Côn Đảo, tôi ủng hộ phương án phải có đường hàng không khác thay thế cho máy bay phản lực, như trực thăng, bởi những người lớn tuổi, hay sức khỏe yếu thì phải rất cân nhắc khi đi tàu cao tốc".
Ông Hải cho biết về lâu dài, muốn tuyến đường biển ra Côn Đảo thuận tiện cho hành khách thì cần phải có các con tàu du lịch cỡ lớn.
Cảng Bến Đầm ở Côn Đảo - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Trong khi đó, ông Lê Văn Phong - bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Côn Đảo - cho biết hiện hai cảng tàu khách của Côn Đảo là cảng Bến Đầm và cảng ở trung tâm Côn Đảo đang được sửa chữa, nâng cấp và xây mới, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022, kịp để đón tàu, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân huyện đảo và nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của du khách.
Hiện có các chuyến tàu từ Vũng Tàu, Cần Thơ, Sóc Trăng ra Côn Đảo. Chuyến tàu từ TP.HCM ra Côn Đảo đã được phê duyệt, nhưng do cầu cảng đang sửa chữa và xây dựng như đã nói trên nên chưa thể tiếp nhận tuyến này.
Du khách đáp máy bay trực thăng từ Côn Đảo xuống Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Trước đó, tháng 8-2021, Bộ Giao thông vận tải quyết định phê duyệt quy hoạch điều chỉnh cảng hàng không Côn Đảo, thực hiện 4 dự án thành phần gồm: công trình đường cất, hạ cánh, đường lăn; công trình quản lý bay; công trình sân đỗ, nhà ga hành khách, hạ tầng và công trình kho xăng dầu hàng không.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Cục Hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường cất - hạ cánh, đường lăn, hệ thống đèn tín hiệu của đường này. Dự án này cũng đã được dự kiến bố trí bằng nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 với số tiền khoảng 1.600 tỉ đồng.
Hiện tại, máy bay phản lực ra Côn Đảo có các chuyến bay từ TP.HCM, Cần Thơ và Hà Nội. Những năm qua, trung bình Côn Đảo đón trên dưới 500.000 lượt du khách. Dự kiến đến năm 2030 sẽ đón khoảng 2 triệu lượt.
Máy bay phản lực hạ cánh tại sân bay Côn Đảo - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Sân bay Côn Đảo hiện hữu là sân bay cấp 3C, có 1 đường băng dài 1.830m, rộng 30m, chỉ khai thác được máy bay loại nhỏ như ATR-72. Sau khi được nâng cấp, sân bay này sẽ lên cấp 4C rộng 45m, lề mỗi bên rộng 7,5m, đường lăn song song dài 1.408m. Sân đỗ máy bay mới đảm bảo khai thác 8 vị trí đỗ cho máy bay code C (Airbus A 320, A321 và tương đương).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận