13/07/2021 13:12 GMT+7

Đề xuất người dân, doanh nghiệp chấm điểm cán bộ

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Để nâng cao tính thực thi về hành chính, quản trị, cần có cơ chế và tiêu chí để doanh nghiệp, người dân trực tiếp chấm điểm các cán bộ ở bộ ngành, địa phương để tạo động lực thay đổi, thực thi hiệu quả hơn.

Đề xuất người dân, doanh nghiệp chấm điểm cán bộ - Ảnh 1.

Các chuyên gia cho rằng cần chú trọng việc quản trị thực thi nâng cao hiệu quả công việc - Ảnh: NGỌC AN

Nội dung trên được nêu ra tại "Đối thoại phát triển địa phương 2021" với chủ đề Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 13-7 tại Hà Nội với sự chủ trì của ông Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Giáo sư Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana - chỉ ra bài toán các tỉnh thành đang đối mặt hiện nay là nguồn lực (vốn, người, đất), thực hiện các mục tiêu về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và thách thức kiểm soát COVID-19. Vậy với nguồn lực hiện tại, làm sao để các địa phương đạt mục tiêu, nhiệm vụ và biến những thách thức thành cơ hội?

Theo ông Ngọc Anh, thực thi được chỉ ra là yếu tố nòng cốt và việc khắc phục bất cập trong khâu thực thi là vấn đề đặt ra cho các địa phương. Trong đó, quản trị thực thi và đẩy mạnh chuyển đổi số được xem là chìa khóa để các bộ, ngành, địa phương thực thi các tham vọng điều hành.

"Mục đích của quản trị thực thi là thực hiện mục tiêu đề ra bằng cách nâng cao hiệu quả bộ máy, thông qua việc đánh giá "chuẩn" từng công chức, viên chức để có chế độ đãi ngộ phù hợp. Quản trị thực thi cũng tạo ra hệ thống có trách nhiệm, không cản trở sáng tạo" - ông Ngọc Anh nhấn mạnh.

Kể câu chuyện của Mỹ, vị chuyên gia này cho hay bắt đầu từ khu vực tư nhân, sau đó "tràn" sang khu vực công, dưới chính quyền tổng thống Obama, quản trị thực thi được ứng dụng rộng rãi. Các doanh nghiệp xây dựng các chỉ số KPI và thẻ điểm cân bằng để học hỏi, thích ứng tình hình mới.

Chỉ số KPI trong quản trị thực thi được xây dựng đầu năm thông qua giao việc, rồi theo dõi và đánh giá vào cuối năm, đưa ra chính sách đãi ngộ xứng đáng. Khi đánh giá cán bộ sẽ dựa vào kết quả giao việc ban đầu, đây là chìa khóa tăng hiệu quả đánh giá việc làm. Do đó, muốn kết quả đánh giá cuối năm tốt thì giao việc đầu năm phải rõ ràng, cụ thể.

"Các tỉnh, thành có thể cân nhắc áp dụng quản trị thực thi, đầu năm từ trên xuống dưới phải giao việc, theo dõi, sau đó đánh giá dựa trên việc được giao, thực hiện đãi ngộ dựa trên cơ sở đánh giá.

Các tỉnh có thể để người dân, doanh nghiệp chấm điểm để người dân thấy sự quyết tâm cải cách, tạo không khí cải cách, thi đua giữa các phòng tiếp dân. Việc chấm điểm sẽ từ dịch vụ công trên nền tảng khảo sát bằng công nghệ, rồi lập thành một cơ sở dữ liệu theo dõi" - ông Ngọc Anh đề xuất.

Ông Ngô Hải Phan - cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) - cho rằng việc xây dựng cơ chế, công cụ đảm bảo thực thi hiệu quả chính sách là xu thế tất yếu.

Do đó, Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng 200 chỉ số đánh giá, giao cho các bộ ngành, tới đây sẽ mở rộng để tạo ra kho dữ liệu kết nối giữa Chính phủ, địa phương và các lĩnh vực, ngành.

"Khách hàng" sử dụng công cụ này là người đứng đầu các bộ, ngành địa phương… là người khó tính nên họ phải mong muốn sử dụng công nghệ, chuyển đổi số, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử. Phải có thể chế mở đường, phải có công cụ, hạ tầng số và phải có con người mới thực thi thành công được" - ông Phan nhấn mạnh.

Cần có tư duy quốc gia và hành động địa phương, định vị sự phát triển

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng để thực hiện được khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường, đây là thời điểm chúng ta rất cần có: tư duy quốc gia và hành động địa phương để các địa phương định vị được mình trong sự phát triển chung của đất nước.

Đồng thời, có chiến lược phát triển phù hợp với chiến lược tổng thể quốc gia, khắc phục tình trạng cát cứ, mạnh ai nấy làm; đẩy mạnh kết nối và liên kết vùng, biến áp lực cạnh tranh trở thành cơ hội và động lực phát triển.

Theo đó, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo, sự thích ứng gắn với định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học và công nghệ, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia để tận dụng tốt nhất các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.

Những giải pháp tập trung, theo ông Thắng, đó là nâng cao năng lực quản trị thực thi để thực hiện có hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với hạ tầng công nghệ, hoàn thiện thể chế, phát triển con người, đẩy nhanh việc tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế...

Tăng tốc Tăng tốc 'đội đua' cải cách thể chế

TTO - Những năm qua, trong lĩnh vực cải cách thể chế và thủ tục hành chính, chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng đó thường là những việc tương đối dễ dàng. Những vấn đề 'xương xẩu' khó khăn nhất đang còn gác lại.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên