Nghị quyết 68 của Chính phủ sẽ tiếp tục đơn giản hóa quy định liên quan đến kinh doanh, giúp giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp - Ảnh: D.S.
Một số chỉ số tăng điểm nhưng không tăng được bậc do chúng ta cải cách ít và chậm hơn, trong khi các nền kinh tế khác cải cách nhanh và mạnh mẽ hơn.
Ông Ngô Hải Phan
Vị thế của Việt Nam liên tục được nâng cao trong các xếp hạng trên bản đồ thế giới. Trong đó, môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế.
Chỉ số cải thiện nhưng cải cách còn chậm
Các bộ ngành và địa phương, doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và ngày càng chủ động, tích cực triển khai các giải pháp. Nhờ vậy, hàng nghìn rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh đã được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, theo kết quả xếp hạng giai đoạn 2016-2020 bảng Doing Bussiness của WB, trong 10 chỉ số thành phần của môi trường kinh doanh, về điểm số, chúng ta có 5/10 chỉ số tăng điểm, 4/10 chỉ số giữ nguyên điểm và 1 chỉ số giảm điểm. Điểm số là vậy nhưng về thứ hạng của các chỉ số lại là câu chuyện khác.
Một số chỉ số tăng điểm nhưng không tăng được bậc do chúng ta cải cách ít và chậm hơn, trong khi các nền kinh tế khác cải cách nhanh và mạnh mẽ hơn. Trong 5 chỉ số tăng điểm của Việt Nam, chỉ có 2 chỉ số tăng bậc là nộp thuế (từ thứ 131 lên 109), tiếp cận tín dụng (từ thứ 32 lên 25), 1 chỉ số giữ nguyên bậc là tiếp cận điện năng (thứ 27), có 2 chỉ số giảm bậc là khởi sự kinh doanh (từ thứ 104 xuống 115), cấp phép xây dựng (từ thứ 21 xuống 25).
Đáng chú ý, với 4 chỉ số giữ nguyên điểm, chúng ta đều bị giảm bậc. Một số chỉ số nhiều năm liền không có cải thiện và đứng ở nửa cuối bảng xếp hạng như: phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư...
Kết quả này cho thấy mức độ nỗ lực, quyết tâm cải cách và hiện thực hóa bằng hành động cải cách cụ thể của các bộ, ngành, địa phương là khác nhau. Với những ngành, lĩnh vực làm quyết liệt, chỉ số sẽ được cải thiện liên tục và đều, điển hình như tiếp cận điện năng của ngành công thương. Với những lĩnh vực không có cải cách hoặc cải cách chậm hơn so với các quốc gia khác thì thứ hạng không có cải thiện đáng kể.
Sẽ cắt giảm 20% chi phí
Thời gian qua, một số cải cách đáng được ghi nhận như: đăng ký doanh nghiệp online, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng xuống 20 ngày, thực hiện đồng thời thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng với các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường...
Hay tháng 1-2021, Văn phòng Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao đã ký quy chế phối hợp trong xây dựng Chính phủ điện tử, tòa án điện tử. Theo đó, các chỉ số như: cấp phép xây dựng, phá sản doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp hợp đồng... có thể tiếp tục được cải thiện.
Với nhiều quy định đang gây khó cho doanh nghiệp, Chính phủ đã thông qua nghị quyết số 68 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ...
Còn nhiều quy định gây khó
Từ năm 2014, Chính phủ đã liên tục ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đến nay đã có 8 nghị quyết, bao gồm 5 nghị quyết số 19 và 3 nghị quyết số 02.
Đúng là vẫn còn nhiều quy định, điều kiện kinh doanh đang là rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp; công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển biến chậm.
Trong ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 về môi trường kinh doanh. Việc đạt mục tiêu vào nhóm 4 nước ASEAN hàng đầu vẫn là thách thức và đòi hỏi cần tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cải cách mạnh hơn nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận