Tránh cho giám đốc bệnh viện sa sẩy chuyện nọ chuyện kia
Sáng 5-4, nêu ý kiến thảo luận về dự án Luật đấu thầu sửa đổi tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng dự thảo quy định việc đấu thầu tập trung được áp dụng khi hàng hóa dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn.
Song ông đề nghị đấu thầu tập trung cần thực hiện thêm với hàng hóa số lượng nhỏ, rất nhỏ, thậm chí rất ít, rất hiếm, bởi như vậy mới đấu thầu được và có nhà cung cấp.
"Nếu số lượng quá ít, từng đơn vị mua thì không ai bán nên cần đấu thầu tập trung. Thêm vào đó, với các loại thuốc hiếm cũng cần đấu thầu tập trung.
Như ở Quảng Nam xảy ra ngộ độc cá chép muối ủ chua phải mang thuốc hiếm từ Bệnh viện Chợ Rẫy ra và cả nước chỉ có rất ít thuốc mới thấy rõ cần thuốc hiếm để phục vụ cho bệnh nhân ở tất cả bệnh viện. Từ đó giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên", ông Trí nêu.
Ông dẫn lại thông tin về một số phác đồ điều trị Viện Huyết học - Truyền máu đã phổ biến cho các bệnh viện nhưng không có thuốc nên buộc bệnh nhân phải "kéo nhau tập trung về bệnh viện tuyến trên, chuyên khoa dẫn đến rất khó khăn".
Cũng theo ông Trí, việc đấu thầu tập trung thuốc ít, thuốc hiếm sẽ hạn chế được tiêu cực cho cả người mua sắm lẫn bệnh nhân, tránh mua phải thuốc trôi nổi. Cùng đó, đảm bảo "an toàn cho giám đốc bệnh viện khi quản trị bệnh viện, khỏi bị sa sẩy chuyện nọ chuyện kia".
"Đấu thầu mua sắm thuốc hiếm, thuốc ít cơ bản nên được thực hiện ở cấp bộ để cung cấp cho các bệnh viện cả nước.
Đây là vấn đề quan trọng nhất mà trong thực tiễn làm việc chúng tôi bị vướng cái này. Cá nhân tôi đã có lần trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế và họ cũng thừa nhận cái đó rất quan trọng, rất cần thiết", ông Trí nói thêm.
Về mua sắm thuốc men, vật tư y tế thường khó, dễ sai sót, hay bị tham nhũng tiêu cực nên ông Trí mong Quốc hội xem xét quy định chặt chẽ, rõ và khả thi.
Ông đề nghị quy trình mua sắm gói gọn lại chỉ có 2 đoạn cụ thể, đoạn thứ nhất đơn vị mua sắm tập trung cấp bộ, cấp quốc gia lựa chọn nhà thầu, mà quan trọng nhất là chất lượng và giá trần.
Đoạn thứ hai, cơ sở y tế có nhu cầu căn cứ kết quả đấu thầu tập trung đã có đó lựa chọn nhà thầu với số lượng cần đủ, phù hợp với hoạt động của cơ sở và giá không cao hơn giá trần.
Đề xuất bổ sung đàm phán giá với thiết bị, vật tư y tế
Đại biểu Lê Văn Khảm (Bình Dương) lại đề nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung áp dụng chỉ định thầu, trong trường hợp bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc và vật tư y tế để điều trị cho người bệnh nhưng bệnh viện không có sẵn.
Đồng thời, để hạn chế tình trạng bác sĩ có thể lạm dụng việc chỉ định điều trị để chỉ định thầu, ông đề nghị việc này chỉ thực hiện sau khi có hội chẩn chuyên môn.
Liên quan đến nội dung về đàm phán giá, ông Khảm nói dự thảo quy định việc này áp dụng đối với thuốc là biệt dược hoặc thuốc chỉ có 1-2 nhà sản xuất.
Song ông đề nghị nghiên cứu để bổ sung nội dung về đàm phán giá đối với thiết bị và vật tư y tế.
Bởi theo ông Khảm, thiết bị y tế thường là các máy móc có yêu cầu rất cao về kỹ thuật như trong lĩnh vực ung thư có máy xạ trị, nội soi, can thiệp tim mạch, siêu âm... thường chỉ có 1 - 2 hãng sản xuất hoặc là bán hàng tại Việt Nam. Hay máy xét nghiệm sinh hóa hay xét nghiệm miễn dịch ở mỗi lĩnh vực cũng hạn chế nhà cung cấp.
Cùng với đó, vật tư y tế sử dụng trong điều trị bệnh cũng có những sản phẩm độc quyền, thường là sản phẩm có tính phát minh.
Cụ thể, với stent động mạch, nếu stent thông thường chỉ khoảng 20 - 30 triệu đồng nhưng một nhà sản xuất chỉ phát minh ra một stent phủ thuốc có thể đắt gấp 2, gấp 3 lần, giá lên tới 70 triệu.
Do vậy, theo ông Khảm, cần có cơ chế đàm phán giá để mua sắm với giá tốt nhất. Điều này cũng có lợi cho bệnh nhân và quỹ bảo hiểm y tế, bởi chi phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế là yếu tố hình thành giá dịch vụ và chi phí khám, chữa bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận