27/05/2023 05:00 GMT+7

Thiếu thuốc hiếm, bệnh viện không thể 'tự bơi'

Không phải đến bây giờ thuốc hiếm mới hiếm, câu chuyện này lâu lâu lại rộ lên mỗi khi có ca bệnh cần thuốc. Điển hình là thiếu thuốc giải độc botulinum và huyết thanh kháng nọc rắn.

Bác sĩ khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 xem hồ sơ sức khỏe của ba bệnh nhi nghi ngộ độc botulinum do ăn chả lụa bán dạo - Ảnh: BVCR

Bác sĩ khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 xem hồ sơ sức khỏe của ba bệnh nhi nghi ngộ độc botulinum do ăn chả lụa bán dạo - Ảnh: BVCR

Thuốc hiếm có thể hiểu là thuốc điều trị bệnh hiếm gặp hoặc thuốc không có sẵn. Rõ ràng với các ca bệnh gần đây cho thấy TP.HCM và các địa phương đang thiếu cả thuốc điều trị bệnh hiếm gặp (ngộ độc botulinum) và các bệnh thường gặp nhưng "vắng bóng" nhà sản xuất, cung ứng.

Hoàn toàn bị động

Chiều 26-5, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Khánh, phó khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, thông tin tình trạng liệt cơ của hai anh em ruột 26 tuổi và 18 tuổi bị ngộ độc botulinum có diễn tiến xấu hơn.

Vấn đề ngộ độc botulinum chỉ thực sự được cộng đồng biết đến từ các ca ngộ độc pa tê Minh Chay vào tháng 9-2020. Đây là vụ ngộ độc botulinum đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi số người nhập viện và số người tiêu thụ sản phẩm rất lớn tại 25 tỉnh thành. 

Từ đó đến nay, có ít nhất ba chùm ca bệnh được công bố - gồm ngộ độc botulinum do ăn bún riêu chay ở Bình Dương, ngộ độc botulinum do ăn cá chép ủ muối chua ở Quảng Nam và gần nhất là ngộ độc bolutinum do nghi ăn bánh mì kẹp chả giò ở TP Thủ Đức. Và để điều trị bệnh lý này, chỉ có Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) là thuốc đặc trị.

TS Lê Quốc Hùng, trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết thuốc giải độc botulinum là loại thuốc rất hiếm, có giá dao động 6.000 - 8.000 USD/lọ. Loại thuốc này có thể điều trị ngộ độc thần kinh gây ra bởi chất độc botulinum type A, B, C, D, F hoặc G ở người lớn và trẻ em. 

Thuốc được bảo quản nghiêm ngặt ở nhiệt độ dưới-15oC, sau khi làm tan băng phải bảo quản ở nhiệt độ 2-8oC cho đến khi sử dụng trong thời hạn 36 tháng.

Điển hình trong bốn lần xảy ra ngộ độc botulinum, Việt Nam hai lần phải "cầu cứu" sự hỗ trợ từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Điều này cho thấy nguồn thuốc giải độc này ở nước ta hoàn toàn bị động. 

Trong khi thời gian để điều trị cho bệnh nhân ngộ độc botulinum trong phác đồ của Bộ Y tế là "càng sớm càng tốt" để giúp bệnh nhân thoát khỏi liệt và thở máy. Đây cũng chính là nguyên do lý giải tại sao ít nhất bốn người bệnh tử vong từ các vụ ngộ độc, trong đó có một số bệnh nhân quá "thời gian vàng" sử dụng thuốc giải độc.

Tương tự, loại huyết thanh kháng nọc độc rắn hiện rất khó sản xuất và hoàn toàn phải nhập từ các nhà cung cấp trung gian ở Thái Lan. 

"Việc không có huyết thanh kháng độc, tất cả các phương tiện được huy động điều trị cho bệnh nhân chỉ là giải pháp kéo dài sự sống", bác sĩ Hùng giải thích.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thuận, khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thăm khám cho một trong ba bệnh nhi nghi ngộ độc botulinum - Ảnh: BVCR cung cấp

Bác sĩ Nguyễn Văn Thuận, khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thăm khám cho một trong ba bệnh nhi nghi ngộ độc botulinum - Ảnh: BVCR cung cấp

Có kho gạo dự trữ cũng phải có kho thuốc dự trữ

Hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bạch Mai là hai trung tâm chống độc hàng đầu Việt Nam, đã từng mua dự trữ cơ số thuốc và đã "chia" cho các bệnh viện tuyến dưới điều trị cho các vụ ngộ độc vừa qua.

 Bức thiết là vậy, tuy nhiên hiện các bệnh viện rất e ngại trong việc mua dự trữ thuốc giải độc botulinum. 

"Thuốc này có giá thành rất cao, trong khi số lượng bệnh nhân cần không nhiều. Trong lúc khó khăn, nếu bệnh viện mua mà không sử dụng tới hoặc hết hạn sử dụng đều phải tiêu hủy", giám đốc một bệnh viện nói.

Tuy vậy, với việc cứu mạng khẩn cấp cho người bệnh, vị này cho rằng đây là vấn đề cấp bách, cần "phải mua thuốc giải độc và chấp nhận tiêu hủy khi hết hạn sử dụng". Đồng thời đề xuất thành lập một trung tâm lưu trữ thuốc hiếm quốc gia sử dụng ngân sách do Bộ Y tế quản lý, nhằm chủ động mua sắm, điều chuyển thuốc cho tất cả các địa phương khi cần.

Cùng quan điểm này, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng sau khi tiếp nhận sáu lọ thuốc giải độc botulinum từ WHO cũng cho rằng Bộ Y tế cần sớm có giải pháp về dự trữ thuốc hiếm cho những trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp không có thuốc thay thế như botulinum.

Việc Bộ Y tế chủ trì điều phối thuốc hiếm là phù hợp. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một công ty dược lớn ở TP.HCM cho biết "không mặn mà" với việc nhập khẩu các loại thuốc hiếm trong đó có botulinum. 

"Thuốc đắt đỏ, nhu cầu điều trị không nhiều, chưa kể nhà sản xuất cũng sản xuất cầm chừng. Do đó, nếu xét về kinh doanh việc nhập khẩu các loại thuốc này không mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chưa kể đây là thuốc tiêm, do đó hạn sử dụng chỉ kéo dài tối đa 36 tháng", đại diện công ty dược phân tích.

Vị này cho rằng với các loại thuốc hiếm này để bệnh viện "tự bơi" sẽ rất khó khăn. Giải pháp lâu dài, theo vị này, rất cần thiết có trung tâm dự trữ thuốc hiếm quốc gia trực thuộc Bộ Y tế. 

"Việt Nam đã có kho gạo dự trữ, tôi nghĩ thuốc cũng rất bức thiết và cũng cần một hình thức dự trữ tương tự như vậy", vị này đề xuất.

Thiếu thuốc hiếm bệnh viện không thể "tự bơi" - Ảnh 3.

Lập các kho dự trữ thuốc hiếm

Trao đổi với báo chí ngày 26-5, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược Lê Việt Dũng cho biết danh mục thuốc hiếm gồm các thuốc để điều trị bệnh hiếm gặp (214 thuốc) và thuốc không sẵn có (229 thuốc). 

Qua rà soát quy định, hành lang đảm bảo thuốc hiếm, theo ông Dũng về cơ bản đã đầy đủ. Tuy nhiên, khâu tổ chức triển khai thực hiện có một số khó khăn, bất cập như một số thuốc rất hiếm, thuốc hạn chế về nguồn cung đã tồn trữ nhưng hết hạn do không phải dùng đến vì không ghi nhận ca bệnh, thuốc phải hủy bỏ mà không được thanh toán theo quy định về bảo hiểm y tế.

Ngoài ra với các thuốc hiếm không thuộc danh mục thuốc được thanh toán bảo hiểm y tế, không có nguồn kinh phí chi trả cho các thuốc này. Khó khăn kế đến là trong công tác dự trù, xác định nhu cầu. 

Các thuốc này không dễ chủ động về nguồn cung, giá thành lại cao nên các bệnh viện không chủ động dự trù, mua sắm, đến khi xuất hiện ca bệnh thì không kịp mua sắm.

Trả lời câu hỏi giải pháp nào để có nguồn thuốc rất hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung nói chung để phục vụ người bệnh, ông Dũng nhận định: "Thời gian qua việc mua sắm thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung có một số khó khăn ở khâu triển khai thực hiện và Bộ Y tế đã nhận định, tìm hiểu các nguyên nhân để từng bước khắc phục tình trạng này".

Theo ông Dũng, đối với các thuốc đặc biệt hiếm và thuốc hạn chế nguồn cung, Bộ Y tế đã báo cáo, đề xuất và Chính phủ đã đồng ý, chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng cơ chế đảm bảo nguồn thuốc trên, đến quý 3-2023 phải trình Chính phủ. 

Theo đó, phương án Bộ Y tế đưa ra là lập các kho dự trữ các thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung tại một số nơi như Hà Nội, TP.HCM, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ. Các kho thuốc dự trữ này sẽ được giao cho các bệnh viện đầu ngành trên địa bàn quản lý, điều phối số thuốc, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời cho yêu cầu điều trị.

Thuốc giải độc tố botulinum - Ảnh: BVCR cung cấp

Thuốc giải độc tố botulinum - Ảnh: BVCR cung cấp

Khi bệnh hiếm trở nên... thường gặp

Từ chỗ được cho rằng "hiếm gặp", thực tế gần đây cho thấy ngộ độc botulinum là bệnh lý khá thường gặp khi có rất nhiều vụ ngộ độc xảy ra. Lý giải về nguyên nhân này, TS Lê Quốc Hùng, trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết theo số liệu thống kê tại Mỹ, nơi đảm bảo về vấn đề an toàn thực phẩm cao hàng đầu thế giới nhưng mỗi năm vẫn ghi nhận 150 - 300 ca ngộ độc botulinum. Do vậy, ngộ độc botulinum không phải là bệnh hiếm gặp.

Tại Việt Nam trước đây ít có khả năng chẩn đoán được cho tới năm 2020, khi Bệnh viện Chợ Rẫy lần đầu tiên chẩn đoán chùm ca bệnh botulinum do pa tê chay. Từ đó, các bệnh viện có thể làm xét nghiệm chẩn đoán ngộ độc botulinum.

"Ngộ độc botulinum không phải là nhiều hơn trước, đó là khả năng chẩn đoán của chúng ta ở giai đoạn trước còn hạn chế. Ngoài ra, các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ hiện đại hơn, do vậy nay chúng ta chẩn đoán dễ hơn", bác sĩ Hùng phân tích.

THU HIẾN

Thuốc hiếm 7 năm chưa có

Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Lê Thiện Huỳnh Như khẳng định ngoài thuốc giải độc bolutinum và huyết thanh kháng nọc độc rắn, TP.HCM đang thiếu một số loại thuốc điều trị bệnh thường gặp như thuốc co đồng tử Pilocarpin, thuốc điều trị vảy nến Acitretin, thuốc chống nhiễm trùng Dapson phối hợp sắt oxalat và thuốc điều trị ung thư Mitoxantrone.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Lê Anh Tuấn, giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết thuốc co đồng tử Pilocarpin là loại thuốc hiếm, bệnh viện thiếu từ năm 2016 do không sử dụng nhiều và công ty nhập khẩu không mặn mà. "Với thuốc hiếm, có rất nhiều vấn đề mà bệnh viện không thể giải quyết được. Do đó, tôi đề xuất cần có trung tâm mua sắm tập trung cấp bộ, mua và phân phối mới hy vọng giải tỏa được vấn đề này", ông Tuấn nói.

H.LỘC

* Đại biểu Quốc hội PHẠM KHÁNH PHONG LAN (TP.HCM):

Đứng trước sinh mạng của người dân, tiền bạc là vô nghĩa

Chúng ta phải dự trữ quốc gia về thuốc phòng ngừa ngộ độc botulinum và một số thuốc hiếm khác. Bộ Y tế phải là đầu mối đứng ra tổng hợp danh mục, nhu cầu và số lượng để dự trữ trong kho thuốc với điều kiện chuyên biệt, có thể là ở Hà Nội và TP.HCM thôi.

Khi có vụ việc thì điều chuyển và phải chấp nhận đây là dự trữ quốc gia, nếu hủy thuốc cũng không tiếc tiền.

Còn đơn vị sự nghiệp, bệnh viện sẽ không có tiền để dự trữ khi giá thuốc lên tới mấy nghìn USD một liều. Chưa kể ở góc độ quốc gia, chúng ta đàm phán giá với công ty sản xuất, phân phối về số lượng theo từng năm thì giá thành sẽ rẻ hơn.

Đối với việc thành lập trung tâm dự trữ thuốc hiếm này hay trung tâm kia, rồi đề án xét duyệt sao, nhân sự như thế nào, trực thuộc đơn vị nào, bàn mãi sẽ rất mệt mỏi. Do đó, theo tôi, chỉ nên tổ chức hai nơi là Hà Nội và TP.HCM thôi.

Ở TP.HCM, lấy kho Bệnh viện Chợ Rẫy để lưu trữ, còn ở Hà Nội sử dụng bệnh viện nào lớn thuộc bộ. Đây là chương trình quốc gia, sở y tế các tỉnh thành phải biết việc dự trữ đó, nếu có bệnh nhân thì điều chuyển thuốc. Dự trữ quốc gia thuốc hiếm là bắt buộc, khi cần phải có.

Bộ Y tế là cơ quan quản lý thì phải có cái nhìn tổng thể hơn, đề xuất được chủ trương để xây dựng hành lang pháp lý để các nơi yên tâm làm. Cứ nhìn những trường hợp ngộ độc như vừa rồi, cấp cứu mà biết chắc không cứu được, không có thuốc giải nên các cơ từ từ tê liệt, dẫn tới tê liệt cơ hô hấp rồi tử vong.

Với những trường hợp đó, tiền chạy máy thở còn cao gấp nhiều lần so với một liều thuốc giải độc. Mình phải nghĩ cho người bệnh, bởi chuyện như thế này có thể xảy ra với bất kỳ ai và người ta có thể tử vong. Đứng trước sinh mạng của người dân thì tiền bạc là vô nghĩa.

Ngành y tế TP.HCM tiếp nhận 6 lọ thuốc giải độc tố vào tối 24-5 - Ảnh: Sở Y tế cung cấp

Ngành y tế TP.HCM tiếp nhận 6 lọ thuốc giải độc tố vào tối 24-5 - Ảnh: Sở Y tế cung cấp

* Đại biểu Quốc hội TRẦN THỊ NHỊ HÀ (giám đốc Sở Y tế Hà Nội):

Cần đấu thầu tập trung

Với các loại thuốc hiếm, loại thuốc rất đặc biệt cần phải đấu thầu tập trung cấp quốc gia để đảm bảo hiệu quả. Khi tập trung tại cấp quốc gia thì các địa phương, bệnh viện phải tập hợp để đưa nhu cầu lên. Thực tế, lượng bệnh nhân hằng năm phải sử dụng thuốc hiếm có thể có dự trù, sự cộng trừ nhất định nhưng không phải bất bình thường.

Do đó phải có kế hoạch, dự báo nhu cầu sát. Trên cơ sở kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia, các địa phương và bệnh viện sẽ tổ chức mua sắm.

Quan điểm của tôi nên tập trung ở trung tâm đấu thầu thuốc quốc gia của Bộ Y tế để đảm bảo hiệu quả. Quan trọng nhất là Bộ Y tế cần nhanh chóng có đánh giá cụ thể, thay đổi để giải quyết nhanh chóng tình trạng này, cung cấp đủ thuốc hiếm cho các bệnh viện và địa phương kịp thời cứu chữa các bệnh nhân.

* Đại biểu Quốc hội NGUYỄN ANH TRÍ (nguyên viện trưởng Viện Huyết học, Truyền máu trung ương):

Vai trò của Bộ Y tế vô cùng quan trọng

Đối với các bệnh viện, trước cảnh thiếu thuốc hiếm thường xử lý bằng cách bệnh viện này vay thuốc của bệnh viện kia. Nhưng chỉ rơi vào những trường hợp bệnh nhân cực kỳ khó, cực kỳ nguy cấp như vụ ngộ độc ở TP Thủ Đức (TP.HCM) vừa qua hay ngộ độc cá ủ chua ở Quảng Nam trước đó.

Song việc vay này cũng rất khó khăn khi lượng thuốc đôi khi trên cả nước chỉ có vài lọ, không đủ để dùng. Chưa kể việc vay này còn có những phiền toái trong sổ sách, giấy tờ. Bởi các thuốc này thường rất đắt nên nếu làm không khéo rất dễ xảy ra sai sót.

Từ thực tế đó, theo tôi, vai trò của Bộ Y tế trong việc xây dựng cơ chế chính sách mua, dự trữ thuốc hiếm vô cùng quan trọng. Cùng với đó phải đưa thuốc hiếm vào đấu thầu tập trung quốc gia, sau đó địa phương và bệnh viện nào cần sẽ phân bổ về.

THÀNH CHUNG - TIẾN LONG ghi

* Đại biểu NGUYỄN HOÀNG MAI (phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội):

Dù thuốc hiếm ít được sử dụng nhưng lại rất cần thiết. Thế nhưng thuốc hiếm chưa được thực hiện đấu thầu, mua sắm một cách bài bản. Vì vậy, Bộ Y tế cần sát sườn hơn, quan tâm hơn đến hoạt động này, có chỉ đạo sớm để khắc phục bất cập hiện nay. Trong đó, bộ cần tổ chức đơn vị đứng ra đấu thầu thuốc tập trung, xây dựng ngân hàng thuốc hiếm trên toàn quốc để điều phối, trong khi chưa thể thành lập trung tâm lưu trữ thuốc hiếm ở ba miền.

Vấn đề là Bộ Y tế phải giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị thực hiện, hoặc có cơ chế thực hiện cụ thể trên cơ sở quy định hiện hành, để thực hiện ngay, không thể chậm trễ nữa.

NGỌC AN ghi

Triền miên thiếu thuốc hiếm và thuốc giải độc, Việt Nam cần mua dự trữTriền miên thiếu thuốc hiếm và thuốc giải độc, Việt Nam cần mua dự trữ

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng Bộ Y tế cần phải là cơ quan đầu mối đứng ra tổng hợp danh mục, nhu cầu và số lượng từ các địa phương, bệnh viện để dự phòng thuốc hiếm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên