04/04/2023 14:43 GMT+7

Thiếu 24.000 nhân lực y tế dự phòng, tại sao?

Theo Bộ Y tế, hiện tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ trung ương đến tuyến huyện đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực y tế cần có, thiếu hụt gần 24.000 người.

Thiếu 24.000 nhân lực y tế dự phòng, tại sao? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tại trạm y tế nhập liệu báo cáo ca mắc COVID-19 ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Trực 24/24 giờ, phụ cấp chỉ từ 25.000 đồng

Theo báo cáo của Bộ Y tế gửi đoàn giám sát của Quốc hội ngày 3-4 về sử dụng nguồn nhân lực y tế dự phòng, có khoảng 56% làm việc đúng trong ngành y tế dự phòng sau 3 năm đào tạo. Hiện tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ trung ương đến tuyến huyện đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực y tế cần có.

Số nhân lực y tế thiếu hụt là khoảng 23.800 người, trong đó bác sĩ y học dự phòng thiếu 8.075 người, cử nhân y tế công cộng thiếu 3.993 người.

Bộ Y tế nêu rõ hiện chế độ chính sách cho cán bộ y tế dự phòng, phụ cấp chống dịch còn thấp, chưa tương xứng so với quy mô, mức độ nguy hiểm của công tác phòng, chống dịch.

Chế độ phụ cấp thường trực 24/24 giờ gồm các mức là 25.000 đồng đến 115.000 đồng/người/phiên trực tùy theo phân hạng bệnh viện.

Chế độ phụ cấp chống dịch gồm các mức từ 75.000 đồng/người/ngày đến 150.000 đồng/người/ngày tùy theo nhóm bệnh truyền nhiễm.

Theo Bộ Y tế, hiện còn nhiều địa phương chưa thực hiện dành ít nhất 30% ngân sách cho y tế dự phòng, có địa phương tỉ lệ ngân sách cho y tế dự phòng còn rất thấp, công tác y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức.

Thiếu chính sách đào tạo, sử dụng nhân lực

Theo Bộ Y tế, việc thiếu hụt nhân lực y tế dự phòng ngoài chế độ đãi ngộ còn do chính sách đào tạo nguồn nhân lực.

Theo quy định của Chính phủ, hiện không còn bằng bác sĩ y học dự phòng. Trong khi thực tế hiện nay vẫn có vị trí chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng tại các trung tâm kiểm soát bệnh tật.

Ngoài ra, việc không còn quy định bằng bác sĩ y học dự phòng dẫn đến nguy cơ các sinh viên đang theo học ngành bác sĩ y học dự phòng tại các cơ sở đào tạo từ năm 2020 đến nay sẽ có thể không được cấp bằng sau khi tốt nghiệp.

Trong dự thảo nghị định quy định về đào tạo đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe hiện đang xây dựng cũng không đề cập đến đào tạo bác sĩ y học dự phòng là một chuyên khoa. Điều này dẫn đến việc đào tạo bác sĩ y học dự phòng trong tương lai có thể bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó việc sử dụng nhân lực y tế dự phòng cũng gặp nhiều vướng mắc. Bộ Y tế cho biết hiện nay mặc dù đã có thông tư quy định bác sĩ y học dự phòng thi cấp chứng chỉ hành nghề "khám chữa bệnh thông thường", tuy nhiên lại chưa có danh mục kỹ thuật và hoạt động chuyên môn cụ thể. Ngoài ra biên chế trạm y tế lại không có bác sĩ y học dự phòng.

Bộ Y tế đề nghị cần khẳng định phạm vi nghề nghiệp cho bác sĩ y học dự phòng; xây dựng các văn bản hướng dẫn để bác sĩ y học dự phòng được phép theo học và được cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình; hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cán bộ y tế dự phòng…

Đồng thời xem xét sửa đổi Luật ngân sách nhà nước quy định rõ mức phân bổ chi ngân sách cho y tế theo đầu dân theo tỉ lệ 30% cho khám, chữa bệnh; 30% cho y tế dự phòng và 40% cho trạm y tế xã; xây dựng chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp thỏa đáng đối với cán bộ, viên chức y tế, đặc biệt là các cán bộ y tế làm công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng.

App y tế dự phòng của hai bạn trẻApp y tế dự phòng của hai bạn trẻ

TTO - "Trong xã hội mình, đâu đó vẫn còn tâm lý phải quen ai, phải có quan hệ nào đó mới được chữa bệnh ở bệnh viện này, với bác sĩ nọ. Chúng tôi muốn thay đổi điều đó, để mọi người đều được bình đẳng trong cơ hội chăm sóc sức khỏe".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên