Người dân làm các thủ tục giấy tờ tại phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: QUANG PHÚC
Ngày 29-10, trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết quy mô của cuộc thí điểm bỏ HĐND phường này là 177 phường trên địa bàn Hà Nội.
Trong khi đó, các chuyên gia và đại biểu Quốc hội cho rằng cần khung pháp lý để triển khai tại các đô thị khác nữa.
HĐND phường "không còn phù hợp"
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, những thách thức về đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về hạ tầng cơ sở, môi trường, an ninh trật tự... đòi hỏi một mô hình quản lý phù hợp với đặc thù đô thị của thủ đô.
Mặt khác, các vấn đề quy hoạch phát triển, kết cấu hạ tầng và kinh tế - xã hội cần phải được quyết định ở cấp TP và cấp quận, thị xã; chính quyền phường chỉ thừa hành thực hiện, do đó việc tiếp tục duy trì HĐND phường không còn phù hợp.
Ông Tân giải thích: khi thí điểm, mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp của Hà Nội có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và nông thôn.
Cụ thể, chính quyền đô thị (khu vực nội thành, nội thị) sẽ có hai cấp đều có HĐND và UBND là cấp TP Hà Nội và cấp quận, thị xã. Trong khi đó, mô hình chính quyền nông thôn giữ nguyên 3 cấp như hiện nay. Ở các phường không có HĐND thì UBND là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND quận, thị xã.
"UBND phường thực hiện thí điểm sẽ không còn là một cấp quy hoạch, một cấp ngân sách, mà chỉ là đơn vị dự toán ngân sách thuộc UBND quận, thị xã. Nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công trên địa bàn phường" - ông Tân nói rõ.
Không chỉ Hà Nội, các đô thị khác có thể áp dụng
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết tại Quốc hội khóa XIII, ông đã bày tỏ quan điểm là không cần tổ chức HĐND cấp quận và phường ở các đô thị lớn. Quốc hội cũng đã cho thí điểm bỏ HĐND quận và phường, kết quả thí điểm rất tốt nhưng sau đó lại chưa áp dụng.
Đồng tình với phương án bỏ HĐND phường tại Hà Nội, đại biểu Nghĩa đề nghị rà soát chức năng, nhiệm vụ của cấp quận để hoàn thiện hơn, ví dụ như tăng số đại biểu HĐND chuyên trách ở quận.
"Phải thiết lập đường dây nóng, tăng số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri để tạo điều kiện cho người dân tiếp xúc với đại biểu" - ông gợi ý.
Cũng tán thành với đề án, Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính lưu ý cần rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác, thẩm quyền của mỗi cơ quan, địa phương đơn vị.
Việc tăng cường phân cấp phân quyền, ủy quyền phải đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực. Đồng thời, tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phải chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trình độ, năng lực, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà (đại biểu Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng kiến nghị Quốc hội xem xét có thể ban hành khung pháp lý chung để các đô thị khác khi có nhu cầu, điều kiện thì có thể áp dụng chứ không riêng gì Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Thành, trưởng Ban tiếp dân UBND Q.10 (TP.HCM), hướng dẫn người dân làm hồ sơ về nhà đất - Ảnh: TỰ TRUNG
TP.HCM đề xuất chỉ giữ lại HĐND TP.HCM
Trong khi đó, theo dự thảo đề cương sơ bộ về Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM, về định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM, Sở Nội vụ TP.HCM đề xuất thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM theo hướng xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (cấp thành phố) và hai cấp hành chính (quận, huyện, thành phố thuộc TP.HCM và phường, xã, thị trấn).
Cùng với đó là việc không tổ chức HĐND ở quận, huyện, thành phố (thuộc TP.HCM), chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND. Tương tự, ở phường, xã, thị trấn cũng không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.
Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Đầy - trưởng phòng xây dựng chính quyền Sở Nội vụ TP.HCM - cho biết đó là điểm khác biệt giữa đề xuất mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội và TP.HCM.
Ở Hà Nội chỉ đề xuất dự kiến các phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây sẽ không tổ chức HĐND trong nhiệm kỳ 2021-2026, còn ở cấp huyện, xã vẫn giữ nguyên HĐND. Còn ở TP.HCM thì đề xuất bỏ HĐND ở tất cả các cấp từ quận, huyện, thành phố thuộc TP.HCM, đến phường, xã, thị trấn; chỉ giữ lại HĐND TP.HCM.
Theo ông Đầy, cơ sở của đề xuất này là do TP.HCM đã có kinh nghiệm thực tiễn từ quá trình thí điểm bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường. Nay khi xây dựng đề án chính quyền đô thị thì tiến thêm một bước là đề xuất bỏ luôn HĐND cấp xã, thị trấn.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 29-10, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định trước đây TP.HCM đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và đạt kết quả tốt. TP.HCM đại diện cho phía Nam, đô thị của TP.HCM so với Hà Nội cũng có đặc thù riêng. Bà Tâm nói: "Tôi đề nghị TP.HCM nên lên tiếng để TP cũng được thí điểm".
* Ông Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng):
TP.HCM, Hà Nội có thể tổ chức mô hình "thành phố trong thành phố"
Vấn đề đặt ra là nếu như chúng ta tổ chức mô hình phù hợp với đô thị thì sẽ nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính quyền đó về nhiều mặt. Trước đây, TP.HCM khi xây dựng đề án chính quyền đô thị có đến bốn nội dung quan trọng, chứ không chỉ bỏ HĐND quận, huyện, phường, xã là ra chính quyền đô thị.
Bốn nội dung này phải làm đồng bộ. Trong đó, thứ nhất là tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân quyền nhiều hơn cho chính quyền ở đó; phát huy vai trò của HĐND, các cơ quan dân cử của đô thị đó. Thứ hai, tổ chức lại bộ máy và chế độ trách nhiệm. Ví dụ các sở ngành phải là cơ quan công quyền trong quản lý nhà nước chứ không chỉ tham mưu, việc gì cũng trình lên UBND. Như vậy, vụ việc liên quan đến sở ngành nào, sở ngành đó chịu trách nhiệm.
Thứ ba, bàn chuyện cấp nào cần tổ chức HĐND, cấp nào không và cấp nào có HĐND. Nếu như tổ chức HĐND mà không có quyền quyết định chuyện gì cả, hoạt động hình thức thì rõ ràng không hiệu quả. Còn cấp nào không có HĐND thì chỉ là cơ quan hành chính theo chiều dọc.
Và cuối cùng, TP.HCM hay Hà Nội, nói là TP nhưng gồm có một đô thị và nông thôn rộng lớn. Hiến pháp 2013 cho phép tổ chức mô hình TP trong TP. Như vậy, TP.HCM và Hà Nội có thể tổ chức một số TP trực thuộc để tăng tính tự chủ cho chính quyền TP nhỏ, giảm tập trung về chính quyền cấp TP lớn.
* Ông Nguyễn Văn Phúc (phó trưởng Ban biên tập dự thảo Hiến pháp 2013):
Các điều kiện cho thực hiện cải cách đã chín muồi
Trong quá trình dự thảo Hiến pháp 2013, chúng tôi cho rằng vấn đề không phải là bỏ HĐND hay UBND, mà là tổ chức lại mô hình chính quyền như thế nào cho phù hợp với đô thị, nông thôn, hải đảo, không nên áp dụng cứng nhắc một mô hình cho tất cả các địa phương bởi quá trình lịch sử hình thành, không gian địa lý, đặc điểm kinh tế - xã hội rất khác nhau.
Các điều kiện cho thực hiện cải cách đã chín muồi. Bây giờ người dân chúng ta có thể ngồi tại nhà để nộp thuế, làm hộ chiếu, thực hiện nhiều thủ tục hành chính qua mạng Internet, rồi chữ ký điện tử...
Chúng ta áp dụng công nghệ để xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền thông minh mà vẫn duy trì bộ máy như cũ thì rất vô lý. Vì vậy, mô hình tổ chức chính quyền đô thị kiểu mới không nhất thiết chỉ thí điểm tại Hà Nội mà cần khung pháp lý để nơi nào đủ điều kiện là có thể áp dụng ngay.
Ví dụ huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đang đề nghị nâng cấp lên TP đảo đầu tiên của VN, Quốc hội hoàn toàn có thể cho phép Phú Quốc áp dụng mô hình chính quyền đô thị không có cấp phường, xã.
Giữ tên gọi UBND vì lo thay đổi giấy tờ?
Tại sao không còn là một cấp chính quyền nữa mà cơ quan hành chính tại phường vẫn được gọi là UBND? Giải thích cho câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết nếu đặt tên cơ quan hành chính phường khác với tên gọi UBND thì toàn bộ dữ liệu có liên quan của Hà Nội như chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy tờ thường trú, tạm trú của công dân... sẽ phải thay đổi, dẫn đến sự tốn kém, gây khó khăn cho người dân và công tác quản lý nhà nước trên địa bàn phường.
Vẫn theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, tuy vẫn giữ tên gọi là UBND nhưng với những phường không tổ chức HĐND thì UBND quận, thị xã sẽ quyết định về số lượng và cơ cấu thành viên UBND phường. Chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường là cán bộ giữ chức danh lãnh đạo quản lý trực thuộc UBND quận, thị xã. Công chức phường thuộc biên chế hành chính của UBND quận, thị xã.
Bình luận vấn đề này, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng thực chất là việc bỏ đi cấp phường song vẫn duy trì đơn vị hành chính, coi đó là cơ quan đại diện của chính quyền của quận. Vì đây vẫn là đề án thí điểm nên việc sửa ngay tên gọi sẽ rất phức tạp, đề nghị giữ nguyên.
Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính (đại biểu tỉnh Quảng Ninh) cũng nói: "UBND phường là cánh tay nối dài của quận, quận là cánh tay nối dài của TP, nên không cần đổi tên mà giữ nguyên là UBND phường và quận".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận