17/07/2024 16:19 GMT+7

Đề xuất chế độ, chính sách mới với công chức lãnh đạo, quản lý từ chức, miễn nhiệm

Tại dự thảo nghị định mới, Bộ Nội vụ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan chế độ, chính sách đối với công chức lãnh đạo, quản lý từ chức, miễn nhiệm.

Trụ sở Bộ Nội vụ - Ảnh: Bộ Nội vụ

Trụ sở Bộ Nội vụ - Ảnh: Bộ Nội vụ

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 138/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Từ chức, miễn nhiệm sẽ có chế độ, chính sách gì?

Đáng chú ý, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định liên quan chế độ, chính sách với công chức lãnh đạo, quản lý từ chức, miễn nhiệm.

Theo đó, công chức lãnh đạo, quản lý từ chức do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ sức khỏe, uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng.

Hoặc có trên 50% nhưng không quá 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định và được cấp có thẩm quyền cho từ chức được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo hiện hưởng trong thời gian 6 tháng kể từ ngày có quyết định cho từ chức.

Công chức lãnh đạo, quản lý nghỉ khi tự nguyện thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc là người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, tùy tính chất, mức độ sai phạm, cấp có thẩm quyền xem xét cho từ chức được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo hiện hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ.

Dự thảo quy định công chức lãnh đạo, quản lý bị miễn nhiệm không được hưởng phụ cấp chức vụ kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm.

Sau khi từ chức, miễn nhiệm, nếu công chức tự nguyện xin nghỉ hưu, thôi việc thì được giải quyết theo quy định hiện hành.

Cùng với đó, công chức lãnh đạo, quản lý sau khi từ chức, miễn nhiệm có nguyện vọng tiếp tục công tác thì được cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý), được giữ nguyên ngạch công chức đã được bổ nhiệm hoặc được bổ nhiệm vào ngạch khác phù hợp với vị trí việc làm.

Công chức sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức mà có thời gian công tác còn 5 năm trở lên thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ trước khi bị kỷ luật.

Sau thời hạn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định của Đảng và pháp luật.

Còn theo quy định hiện hành, công chức lãnh đạo, quản lý sau khi có quyết định từ chức được bố trí công tác phù hợp với năng lực, sở trường, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Được bảo lưu phụ cấp chức vụ theo quy định hiện hành đến hết thời hạn giữ chức vụ.

Công chức lãnh đạo, quản lý bị miễn nhiệm không được hưởng phụ cấp chức vụ kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm. Sau khi từ chức, miễn nhiệm nếu công chức tự nguyện xin nghỉ hưu, nghỉ việc thì được giải quyết theo quy định hiện hành.

Bổ sung quy định tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm với công chức.

Trong đó bảo đảm tiêu chuẩn theo đúng quy định Đảng, pháp luật và quy định đặc thù của cấp có thẩm quyền; có đủ văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Phải được quy hoạch vào chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm hoặc tương đương trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm (24 tháng), nếu không liên tục thì được cộng dồn (chỉ cộng dồn đối với thời gian giữ chức vụ tương đương).

Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể về chức vụ, chức danh liền kề trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.

Có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

Về điều kiện tuổi bổ nhiệm, công chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn thì phải đủ tuổi để công tác trọn thời hạn bổ nhiệm; thời điểm tính tuổi bổ nhiệm thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường hợp công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định...

Bộ Nội vụ đề xuất 8 trường hợp xem xét miễn nhiệm với cán bộ làm lãnh đạo, quản lýBộ Nội vụ đề xuất 8 trường hợp xem xét miễn nhiệm với cán bộ làm lãnh đạo, quản lý

Tại dự thảo nghị định mới đang lấy ý kiến, Bộ Nội vụ đã đề xuất 8 trường hợp xem xét miễn nhiệm với công chức làm lãnh đạo, quản lý.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên