Điều này là dễ hiểu khi mà Thảo cầm viên (hay "Sở thú") với lịch sử 160 năm đã là điểm đến gắn bó với bao nhiêu thế hệ người dân TP.HCM nói riêng và du khách cả nước.
Dư luận "sốc" với số tiền nợ thuê đất vì thấy vô lý. Lạ, Thảo cầm viên chỉ nuôi thú, trồng cây, có kinh doanh, làm ăn gì lớn đâu mà phải trả tiền thuê toàn bộ đất với mục đích kinh doanh dịch vụ?
Tuy nhiên, căn cứ quyết định cho Thảo cầm viên thuê đất của UBND TP.HCM năm 2014 thì cơ quan thuế tính ra tiền thuê đất cho Thảo cầm viên theo quy định.
Từ năm 2014 đến cuối năm 2019 là chu kỳ ổn định thì Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở liên quan chưa tính xong đơn giá thuê đất cho Thảo cầm viên.
Sau thời gian trên thì giá thuê được tính cho mỗi mét vuông đất Thảo cầm viên là hơn 1 triệu đồng, vị chi toàn bộ diện tích 158.117m2 phải chịu tiền thuê đất hơn 163 tỉ đồng/năm.
Một điểm lạ nữa là đơn giá tiền thuê đất trên là áp dụng cho đất công cộng sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ.
Trong khi thực tế Thảo cầm viên chỉ sử dụng 5.590m2 (tỉ lệ 3,5%) trong tổng diện tích thuê để hoạt động kinh doanh mà cũng chỉ kinh doanh các hạng mục phục vụ nhu cầu giải trí, vui chơi tối thiểu tại Thảo cầm viên như quầy bán vé, khu bán nước uống, thức ăn... Việc này mọi người đã từng đến Thảo cầm viên đều thấy.
Thế nên với tỉ trọng sử dụng đất, kinh doanh ít ỏi như thế so với khoảng 4.500 loài cây, con thú quý hiếm mà đơn vị đang phải chăm nuôi, bảo tồn thì ai ai cũng thấy vô lý với số nợ tiền thuê đất khổng lồ trên.
Điều vô lý này, nhìn nhiều chiều thì có trách nhiệm của bên cho thuê đất và cả những người lãnh đạo của Thảo cầm viên.
Bởi lẽ quyết định cho thuê đất của TP.HCM có từ năm 2014. Bản chất thuê thì phải trả tiền thuê căn cứ quy định pháp luật. Và rắc rối với tiền thuê đất của Thảo cầm viên là hoàn toàn tiên liệu được của cả các bên trước khi ký quyết định cho thuê.
Mà nợ đã được cơ quan thuế ban hành thì phải trả theo quy định. Nhưng tiền đâu Thảo cầm viên trả? Không trả thì sao? Thì cưỡng chế thuế, cưỡng chế phát hành hóa đơn.
Nếu cưỡng chế hóa đơn thì làm sao Thảo cầm viên mua thức ăn cho thú, thuốc men, vật tư chăm sóc, phân bón cho cây... từ các doanh nghiệp cung ứng được. Thảo cầm viên đâu thể cầm tiền chạy ra chợ mua lẻ được.
Như thế Thảo cầm viên đứng trước nguy cơ phải ngừng hoạt động. Và khi đó có thể rồi đây mong ước "chơi thuyền trong Thảo cầm viên" và nghe "chim kêu hót mừng chào đón xuân về" như lời bài hát của nhạc sĩ Trần Kiết Tường sẽ không còn.
Và dù "vui quá bạn ơi" nhưng cơ hội "mai em lại vô đây vui chơi" của các em thiếu nhi cũng có thể chỉ còn là dĩ vãng.
Lãnh đạo TP.HCM đã khẳng định sẽ tháo gỡ, không thể để Thảo cầm viên ngừng hoạt động. Khẳng định này hợp lý và đúng với nguyện vọng của người dân.
Tuy nhiên từ vướng mắc của Thảo cầm viên các cơ quan chức năng, đơn vị cần tính toán về chính sách đất đai và không chỉ là đất đai và rà soát, giải quyết kịp thời để không xuất hiện trường hợp tương tự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận