Đó là điều dễ hiểu, bởi nơi đây là "lá phổi xanh" của TP.HCM, nơi bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm và chứa đựng cả một bầu trời ký ức của biết bao nhiêu con người.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nợ thuế tính đến cuối tháng 10-2024 của Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn (gọi tắt là Thảo cầm viên) là hơn 846 tỉ đồng. Trong đó, số tiền quá hạn phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế là hơn 787 tỉ đồng.
Nghịch lý ở chỗ Thảo cầm viên là doanh nghiệp chủ yếu phục vụ công cộng, "không vì mục đích lợi nhuận" nhưng lại đang phải khổ sở với khoản tiền thuê đất kinh doanh dịch vụ.
Thảo cầm viên Sài Gòn nói gì?
Tháng 12-2014, Thảo cầm viên được UBND TP.HCM ra quyết định số 5918 cho thuê đất với diện tích 158.117m2 sử dụng vào mục đích công cộng, trả tiền thuê hằng năm, thời hạn 50 năm.
Chi cục Thuế quận 1 đã tính tiền thuê đất trên toàn bộ diện tích trên theo khung quy định, đơn giá hơn 1.000.000 đồng/m2, tổng số tiền mỗi năm là hơn 163 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 10-2024, tổng tiền nợ thuê đất là 846 tỉ đồng.
Trong khi đó, Thảo cầm viên chỉ sử dụng 5.590m2 đất (khoảng 3,5%) vào mục đích kinh doanh, trên tổng số 158.117m2. Diện tích còn lại sử dụng làm chuồng trại, cảnh quan công viên với chức năng bảo tồn và dịch vụ công cộng không vì lợi nhuận.
Theo bà Vũ Thị Hương Giang - giám đốc Thảo cầm viên, những năm qua công ty đã tạm nộp gần 30 tỉ đồng tiền thuê đất tính trên diện tích đất công cộng có mục đích kinh doanh (5.590m2 kinh doanh, dịch vụ) theo đơn giá Chi cục Thuế quận 1 đưa ra.
Đồng thời đơn vị cũng kiến nghị UBND TP.HCM xem xét giải quyết chỉ phải nộp thuế đối với diện tích thực tế 5.590m2 mà đơn vị sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ.
"Từ năm 2015 đến nay, chúng tôi thực hiện tự chủ thu chi. Giai đoạn 2020 - 2024, doanh thu bình quân hằng năm của Thảo cầm viên khoảng 104 tỉ đồng, trừ chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc động vật, duy tu và bảo tồn phát triển cây xanh là vừa đủ. Lợi nhuận bình quân hơn 4 tỉ đồng mỗi năm, số tiền này chưa đủ để trích quỹ khen thưởng phúc lợi của đơn vị", bà Giang bộc bạch.
Theo bà, Thảo cầm viên xác định mục tiêu hoạt động chính là phục vụ cộng đồng, bảo đảm nhu cầu tham quan, học tập, giải trí cho người dân TP.HCM nên giá vé vào cổng vẫn giữ rất thấp so với mặt bằng chung từ nhiều năm nay. Hiện vé vào cổng là 60.000 đồng/người lớn và 40.000 đồng/trẻ em.
Trong khi đó, diện tích kinh doanh dịch vụ cũng chủ yếu là các hạng mục phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí cần thiết như quầy bán vé, các điểm bán nước uống, thức ăn...
"Như vậy với mục tiêu hoạt động và doanh thu trên thì việc chúng tôi phải nộp tiền thuê đất cho toàn bộ diện tích công cộng là thiệt thòi cho doanh nghiệp. Trong tình huống nợ thuế lớn, lâu và nguy cơ có thể bị cưỡng chế thuế thì Thảo cầm viên phải đứng trước nguy cơ ngưng hoạt động. Trong khi đơn vị đang nuôi, chăm sóc, bảo tồn hơn 4.000 cây con...", bà Giang phân tích.
Nhiều lần kiến nghị và chờ... hướng dẫn
Để việc tính tiền sử dụng đất hợp lý và không gây khó khăn cho đơn vị, theo tìm hiểu, từ năm 2022 đến nay, Thảo cầm viên đã có các văn bản kiến nghị lên UBND TP.HCM xem xét không tính tiền đất phục vụ công cộng không kinh doanh, dịch vụ.
Gần nhất vào tháng 5-2024, đơn vị đã thực hiện lập biên bản đo đạc diện tích thực tế sử dụng kinh doanh, dịch vụ với diện tích công cộng và gửi kèm tờ trình cho Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định tham mưu cho UBND TP.HCM bổ sung quyết định cho thuê đất (số 5918).
Ngay sau đó, UBND TP.HCM đã có văn bản chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục điều chỉnh, bổ sung quyết định cho thuê đất. Đến tháng 7-2024, Thảo cầm viên tiếp tục gửi hồ sơ xin điều chỉnh quyết định cho thuê đất và hiện vẫn chờ được hướng dẫn.
Theo bà Huỳnh Thu Thảo - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, nhiệm vụ của đơn vị được UBND TP.HCM giao là giữ gìn, phát triển đàn thú quý hiếm và hệ thống vườn thảo mộc, cây xanh lâu đời, gắn liền với lịch sử của TP.HCM. Đồng thời đảm nhiệm chức năng giáo dục, nghiên cứu khoa học, nhân giống bảo tồn bảo đảm chức năng là công viên; bảo đảm tăng trưởng bình quân mỗi năm là 8% trở lên.
Để bảo đảm nhiệm vụ trên, bà Thảo cho hay đơn vị đã đưa ra ba giải pháp kinh doanh xin ý kiến của UBND TP.HCM. Đầu tiên là đấu giá cho thuê khai thác quảng cáo dọc theo các mặt tiền của Thảo cầm viên thuộc tuyến Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thị Minh Khai; kế đến cho thuê mặt tiền xung quanh công viên và cuối cùng là liên kết các đơn vị bên ngoài khai thác dịch vụ, kinh doanh tại Thảo cầm viên.
"Nếu được UBND TP.HCM chấp thuận, chúng tôi sẽ triển khai bảo đảm quy định, vừa bảo đảm nhiệm vụ, vừa phát huy hiệu quả tài sản công và mong sớm được giải quyết để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hoạt động...", bà Thảo nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hải Long, cố vấn pháp lý Công ty Luật TNHH AGL, cho rằng có hai phương án mà UBND TP.HCM có thể thực hiện nhằm giúp Thảo cầm viên vượt qua khó khăn.
Theo đó, UBND TP.HCM có thể điều chỉnh lại quyết định cho thuê đất theo như đề xuất chỉ thu tiền thuê đất đối với diện tích công cộng dùng vào kinh doanh, dịch vụ hoặc ban hành quyết định thành giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Ngoài ra, UBND TP.HCM có thể cho phép Thảo cầm viên thực hiện các giải pháp kinh doanh để bảo đảm chi phí hoạt động, cũng như bảo đảm nguồn thu đủ để chi trả tiền thuê đất cho toàn bộ diện tích thuê.
"Thảo cầm viên là đơn vị hoạt động mục đích công ích có ý nghĩa của TP.HCM, do đó để giúp đơn vị tháo gỡ khó khăn thì Sở Tài nguyên và Môi trường cần sớm tham mưu giải pháp.
Bởi lẽ việc tính toán điều chỉnh quyết định cho thuê đất/giao đất, cơ cấu, mục đích sử dụng đất là gốc rễ của khó khăn cho Thảo cầm viên. Còn cơ quan thuế chỉ là đơn vị tính nghĩa vụ tiền thuê đất theo đúng quyết định giao/cho thuê đất, theo khung, bảng giá...", ông Long phân tích.
Vườn thú Hà Nội: không thu tiền sử dụng đất
Theo tìm hiểu, ngày 9-4-2024 trên cơ sở tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định giao cho Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội 187.228m2 đất (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) để đơn vị này làm công viên Thủ Lệ. Mục đích sử dụng đất là đất công cộng, thời hạn lâu dài, hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Quyết định giao đất ghi rõ trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội phải chịu trách nhiệm kê khai và nộp tiền thuê đất theo quy định đối với diện tích đất được giao sử dụng vào mục đích kinh doanh. Phải đăng ký biến động với Sở Tài nguyên và Môi trường, xác định rõ diện tích đất sử dụng vào mục đích công cộng có kinh doanh và diện tích không kinh doanh theo quy hoạch.
Phải có hướng giải quyết ngay
Ngày 29-11-2024, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường về việc giải quyết kiến nghị của Thảo cầm viên.
Cụ thể, giao cục trưởng Cục Thuế TP.HCM chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan nghiên cứu kiến nghị của Thảo cầm viên Sài Gòn về việc xin được khoanh nợ, dừng thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích từ tài khoản ngân hàng, kho bạc TP.HCM; báo cáo, tham mưu, đề xuất, trình UBND TP trước ngày 10-12.
Về kiến nghị xin được điều chỉnh, bổ sung quyết định thuê đất (số 5918 ngày 4-12-2014), giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, triển khai thực hiện kết luận, chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.HCM tại thông báo số 66 ngày 10-2-2023. Lưu ý phần diện tích sử dụng theo quy hoạch, theo hiện trạng và phần sử dụng công cộng không kinh doanh, đồng thời khẩn trương báo cáo, tham mưu, đề xuất, trình UBND TP.HCM trước ngày 10-12.
Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển: Rất khó cho Thảo cầm viên
Tôi bất ngờ khi nghe thông tin về Thảo cầm viên Sài Gòn nợ hàng trăm tỉ đồng tiền thuê đất. Theo tôi, chỉ nên thu tiền thuê đất những phần Thảo cầm viên đang sử dụng để kinh doanh, còn phần đất bảo tồn không nên thu tiền.
Nếu cứ tính thu đúng thu đủ thì sẽ rất khó cho đơn vị. Thảo cầm viên Sài Gòn cũng như một công viên phục vụ người dân, vì vậy TP.HCM nên có giải pháp để duy trì.
Chị Minh Thi (người dân TP.HCM): Ký ức của hàng triệu người
Thời còn học đại học, trường tôi ở gần Thảo cầm viên Sài Gòn. Hồi đó, tôi vẫn thường loanh quanh trong khu bươm bướm hay ngồi giữa những tán cây hít thở bầu không khí trong lành.
Đã hơn 10 năm, hôm nay nghe tin Thảo cầm viên có nguy cơ ngừng hoạt động, tôi không tin là sự thật. Một nơi đáng yêu, tràn đầy kỷ niệm với tôi và hàng ngàn, hàng triệu người dân làm sao có thể dễ dàng ngừng hoạt động như thế? Chắc chẳng thể xảy ra chuyện đó đâu. Tôi vẫn tin sẽ có cách cho "lá phổi" giữa lòng TP.HCM duy trì, không thể vì câu chuyện nợ thuế mà đóng cửa một nơi tham quan, vui chơi đầy ý nghĩa như thế được.
Thu thế này còn gì là Thảo cầm viên!
Chuyện Thảo cầm viên Sài Gòn có thể bị truy thu hơn 800 tỉ đồng tiền thuê đất và các khoản nghĩa vụ tài chính khác khiến nhiều người giật mình. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao đơn vị này hoạt động công cộng, quản lý công viên, chăm sóc vườn thú mà phải đóng tiền thuê đất cao như các đơn vị sử dụng đất kinh doanh?
Lật lại lịch sử sử dụng đất, Thảo cầm viên Sài Gòn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, gần 16ha đất công viên này được xác định là đất công trình công cộng có mục đích kinh doanh theo Luật Đất đai năm 2013.
Năm 2014, doanh nghiệp này ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước, hình thức thuê đất trả tiền thuê hằng năm với giá thuê hơn 163 tỉ đồng/năm. Theo Luật Đất đai 2024, đơn vị này vẫn tiếp tục thuê đất trả tiền thuê hằng năm vì sử dụng đất công trình công cộng có kinh doanh.
Nhìn hình thức bên ngoài, Thảo cầm viên Sài Gòn có sử dụng một phần khu đất 16ha để kinh doanh, làm dịch vụ. Thế nhưng, theo quy hoạch chi tiết 1/500, diện tích đất kinh doanh, dịch vụ của đơn vị này khoảng 5.600m2, chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong hoạt động của đơn vị.
Một cán bộ làm công tác quản lý đất đai của TP.HCM cho rằng áp dụng quy định đất sử dụng vào mục đích công cộng có kinh doanh, dịch vụ để thu tiền thuê đất trong trường hợp này chưa thỏa đáng. Bởi phần lớn hoạt động của Thảo cầm viên mang tính công ích, phục vụ cộng đồng, kinh doanh chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ, hoàn toàn khác với những đơn vị sử dụng đất kinh doanh nhà hàng, khách sạn, bãi đậu xe.
Bên cạnh đó, Thảo cầm viên là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, là đơn vị tự chủ tài chính một phần (phần nào thiếu thì ngân sách nhà nước sẽ bù). Vậy thu tiền thuê đất của doanh nghiệp chẳng khác nào như ngân sách nhà nước "lấy tiền túi bên phải bỏ sang túi bên trái", cũng là tiền ngân sách.
"Cần một chế độ sử dụng đất đặc biệt cho những đơn vị này. Nhà nước thu đúng, thu đủ nghĩa vụ tài chính đối với phần hoạt động kinh doanh, dịch vụ nhưng phần hoạt động công ích phải được miễn hoặc giảm tiền thuê đất. Có thể chiếu trên quy hoạch chi tiết 1/500 của Thảo cầm viên, diện tích đất không sử dụng cho kinh doanh dịch vụ được tính giá thuê ưu đãi hoặc miễn tiền sử dụng đất", vị cán bộ đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận