Hiện tượng tha hóa quyền lực của một số quan chức và mối "liên minh ma quỷ" giữa quan chức với các nhà tài phiệt làm lũng đoạn quốc gia thì ở đất nước nào và thời nào cũng có, diễn ra nhiều nhất trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư dự án, cổ phần hóa… Ở Việt Nam cũng không tránh được hệ lụy đó.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã và đang khởi xướng chiến dịch bài trừ tham nhũng, các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước kiên quyết vào cuộc lôi ra ánh sáng nhiều quan chức "đen", nhiều mối quan hệ mờ ám, trong đó có rất nhiều cán bộ cao cấp ở cấp tỉnh, thành, trung ương.
Điều đó làm nhân dân nức lòng, nhưng người dân cũng băn khoăn ở chỗ mỗi năm Ủy ban Kiểm tra trung ương cố gắng lắm cũng chỉ làm được mươi trường hợp ở cấp cao, trong khi quan chức tham nhũng lại không ít, nhất là ở cấp thấp hơn.
Phương thức tham nhũng và cách thức phòng tránh ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn; mỗi khi có một quan chức tham nhũng bị phanh phui thì một số quan chức khác lấy đó làm bài học kinh nghiệm, không phải để sống tử tế hơn, mà là để phòng bị chu đáo và lẩn tránh kỹ hơn.
Trong tình thế như vậy, Đảng cần thiết lập một cơ chế để nhân dân cùng vào cuộc hạ bệ quan chức "đen" ngay từ khi mới bộc phát và vạch mặt các đại gia lợi dụng mọi kẽ hở bòn rút của công, như Tổng bí thư nói khi "lò đã nóng lên thì không để ai đứng ngoài cuộc".
Một loạt cuộc gặp mặt, tiếp xúc cử tri ở nhiều nơi vừa qua cho thấy nhân dân đang rất bức xúc với nạn tham nhũng và những "liên minh ma quỷ".
Song từ thực tế ở Đà Nẵng và nhiều địa phương khác cũng cho thấy nhân dân nói chung và các tổ chức chính trị - xã hội như hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, hội nông dân... mới chỉ dừng ở mức độ tỏ thái độ bức xúc, phản ứng mạnh mẽ, lên án quyết liệt và đặt câu hỏi họ "là ai", "vì sao" lại như thế... cho một sự việc đã rồi.
Tình hình sẽ khác đi nếu nhân dân được trao quyền nhiều hơn, mạnh hơn và sớm hơn trong vai trò "người phán xử", chứ không phải trong vai trò "khán giả".
Ở các nước xung quanh chúng ta như Thái Lan, Philippines, Singapore… có những quy định cho phép các tổ chức chính trị - xã hội chính thức được tổ chức các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với các quan chức khi thấy họ có những biểu hiện bất minh, tham nhũng, sa sút trong vai trò lãnh đạo, đồng thời người dân được quyền bày tỏ thái độ dứt khoát với quan chức xấu thông qua truyền thông, diễn đàn nhân dân.
Trong trường hợp họ nhận được sự tín nhiệm thấp thì hoặc tự nguyện hoặc bị buộc phải rời khỏi chức vụ, còn việc luận tội sẽ được thực hiện bởi các cơ quan chức năng chuyên môn.
Đảng và Quốc hội cần phải trao quyền lực cho nhân dân nhiều hơn nữa trên tinh thần "Đảng lãnh đạo", "Chính phủ kiến tạo", "Nhân dân hành động".
Hãy tin tưởng vào nhân dân, bởi lịch sử cho thấy nhân dân bao giờ cũng là chủ thể sáng suốt trong mọi sự lựa chọn và cả trong vai trò "người phán xử" công minh, như Nguyễn Trãi từng nói: "Đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận