20/12/2017 10:09 GMT+7

Giá như không để phải giá như

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Một vụ án tham nhũng, một khi đã xảy ra thì có xử lý kiểu gì cũng đã mất tiền của, mất cán bộ và mất niềm tin, vì vậy tốt nhất là không để phải thốt ra hai tiếng "giá như".

Giá như không để phải giá như - Ảnh 1.

"Giá như các đồng chí kiểm tra phát hiện sớm thì hậu quả không nặng nề" - ủy viên Ủy ban Kiểm tra trung ương Nguyễn Thị Bích Ngà kể lại (tại hội thảo MTTQ với công tác phòng chống tham nhũng, ngày 18-12) lời một lãnh đạo tâm sự trước khi nhận án kỷ luật.

Đó là một cảm giác tiếc nuối, day dứt, dằn vặt, hối hận hay trách móc? Có thể người tâm sự ra điều ấy mang tất cả tâm trạng vừa nêu. Nhưng như một bát nước đã đổ đi, những điều giá như không bao giờ có thể lấy lại, làm lại được nguyên vẹn, bởi nó đã xảy ra rồi. 

Trong một vụ kỷ luật cán bộ hay một vụ án tham nhũng, một khi đã xảy ra thì có xử lý kiểu gì cũng đã mất tiền của, mất cán bộ và mất niềm tin. Vậy nên giá như luôn là lời cảm thán muộn màng và tốt nhất là không để phải thốt ra hai tiếng "giá như".

Một ví dụ đã trở thành kinh điển trong suốt thập kỷ qua, được nhiều chính khách, chuyên gia nhắc đi nhắc lại, đó là câu chuyện đổ bể của Vinashin - một tập đoàn kinh tế nhà nước. 

Khi Vinashin bên bờ vực phá sản, trở thành đề tài nóng bỏng ở chính trường, những vụ làm ăn "phá của bốc trời" (lời GS Nguyễn Minh Thuyết) của lãnh đạo Vinashin bị xử lý hình sự người ta mới giật mình khi kiểm đếm thì có tới 11 đoàn thanh tra, kiểm tra đã làm việc nhưng không phát hiện sai phạm. 

Vậy thì lỗi do đâu? Do năng lực của 11 đoàn thanh tra, kiểm tra này quá yếu kém hay họ đã bị những "viên đạn bọc đường" nào đó bắn thủng?

Cũng tương tự là chuyện kỷ luật ông Lê Phước Hoài Bảo ở Quảng Nam đang trở thành đề tài thời sự làm nóng ran dư luận, bởi từ năm 2015 khi "xứ Quảng" ồn ào khiến Bộ Nội vụ phải vào cuộc, rồi sau đó chính một thứ trưởng bộ này đã hùng hồn kết luận: "tỉnh Quảng Nam đã làm đúng quy trình, thủ tục".

Để bây giờ, khi Ủy ban Kiểm tra trung ương yêu cầu thực hiện một án kỷ luật nghiêm khắc thì nhiều người mới thốt lên là giá như Bộ Nội vụ phát hiện sai phạm ngay khi dư luận ồn ĩ, giá như ông Lê Phước Thanh chí công vô tư ngồi trên ghế "quan đầu tỉnh" Quảng Nam đừng chỉ lo "vun vén cho gia đình".

Nhưng giá như vẫn chỉ mãi là giá như và những chuyện như trên hoàn toàn có thể lặp lại nếu không tìm đúng căn nguyên của vấn đề để trị tận gốc.

Đó là một thể chế phòng ngừa tham nhũng đủ mạnh để người ngồi ghế công quyền không thể, không dám và không muốn đục khoét của công. 

Đó là pháp luật về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức thật sự công khai, minh bạch, cạnh tranh sòng phẳng; là cơ chế giám sát hữu hiệu giúp tiếng nói của người dân, của các tổ chức xã hội đủ mạnh để loại trừ những công bộc không đủ tài năng, phẩm cách, không làm tròn bổn phận theo quy định. 

Đó là cơ chế tự phòng ngừa, tự đấu tranh nội bộ để ngăn chặn cái sai, tôn vinh cái đúng, thay cho tình trạng "thấy cái đúng để bảo vệ cũng không dám, thấy cái sai cũng không dám đấu tranh" như bà Bích Ngà nhận xét.

Luật phòng chống tham nhũng vẫn là “cọp không răng” nếu... Luật phòng chống tham nhũng vẫn là “cọp không răng” nếu... Dự luật phòng chống tham nhũng thiếu quy định xử lý tài sản bất minh Dự luật phòng chống tham nhũng thiếu quy định xử lý tài sản bất minh Sửa Luật phòng chống tham nhũng trong 3 kỳ họp Sửa Luật phòng chống tham nhũng trong 3 kỳ họp
LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên