13/09/2017 09:55 GMT+7

Để mỗi đồng chi ra đều dành cho người bệnh

LÊ VĂN PHÚC (Bảo hiểm xã hội VN)
LÊ VĂN PHÚC (Bảo hiểm xã hội VN)

TTO - Việc đấu thầu tập trung lần đầu tiên tại Bộ Y tế với hơn 20 thuốc điều trị ung thư cho thấy gói thầu 2.600 tỉ đồng đã giảm giá được trên 20%, rõ ràng giá thuốc đang bị đội lên cao.

Để mỗi đồng chi ra đều dành cho người bệnh - Ảnh 1.

Bảo hiểm xã hội VN cũng sẽ thực hiện đấu thầu tập trung lần đầu tiên với hơn 20 loại thuốc kháng sinh thuộc 5 hoạt chất. Chúng tôi đặt mục tiêu giảm 10-15% so với năm 2016.

Năm 2016 quỹ bảo hiểm y tế bội chi 7.500 tỉ đồng, năm 2017 con số nâng lên thành khoảng 10.000 tỉ đồng. Số tiền này lấy từ quỹ dự phòng và cứ tiêu như thế thì đến năm 2020 quỹ cũng hết. Lúc đó chẳng còn cách nào khác ngoài tăng mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế nếu không muốn vỡ quỹ. 

Mà cứ tăng mệnh giá thẻ thì ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp (phải tăng chi phí mua cho người lao động), ngân sách cũng phải tăng chi phí mua cho trẻ em, người nghèo và người dân mua cho chính mình, bởi mục tiêu đến năm 2020 là hơn 90% người Việt có thẻ bảo hiểm y tế. Nghĩa là ảnh hưởng tới toàn xã hội.

Ở nhiều nước, phần chi cho dịch vụ, lương thầy thuốc... chiếm đến 80% tổng chi phí y tế, thuốc và vật tư chỉ chiếm khoảng 20% và chất lượng dịch vụ y tế vì thế rất cao. Ở VN chúng ta có tới 50% chi phí y tế là mua thuốc, hàng loạt chi tiêu cần thiết khác phải dè sẻn từ 50% còn lại. Cơ cấu này cũng đang dần thay đổi theo hướng giảm tiền thuốc, tăng chi cho dịch vụ. 

Nhưng dù gì tiền thuốc vẫn còn rất cao, nếu giảm được sẽ có thêm tiền đầu tư vào dịch vụ, bệnh viện sạch hơn, chỗ nằm chỗ chữa bệnh tiện nghi hơn, người bệnh sẽ đỡ khó khăn hơn.

Mở gói thầu đầu tiên giá thuốc giảm hơn 590 tỉ đồng. Đó là mức giảm đáng kể. 

Năm 2016 quỹ bảo hiểm y tế chi gần 69.000 tỉ đồng, 50% trong đó là tiền thuốc. Năm 2017 quỹ dự chi trên 80.000 tỉ đồng, nếu tiếp tục tỉ lệ 50% thì phần dành cho thuốc là hơn 40.000 tỉ đồng. 

Chỉ cần tiết kiệm được 5-10% từ giá thuốc là đủ tiền xây một bệnh viện. Vì thế rất nên sớm mở rộng danh mục đấu thầu tập trung, nhất là các thuốc có số lượng sử dụng lớn điều trị tim mạch, tiểu đường, kháng sinh..., bên cạnh đảm bảo chất lượng thuốc.

Có người nói với tôi là bảo hiểm và cả các bệnh viện đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm chi tiêu và mang lại một số hiệu quả nhất định. Nhưng những biện pháp về chính sách như đấu thầu thuốc tập trung mới có tính quyết định để chi phí y tế hợp lý hơn. 

Khi đó, trong gói tiền hàng chục tỉ đồng sử dụng cho khám chữa bệnh hằng năm, mỗi đồng chi ra đều dành cho người bệnh, chứ không bị rơi rớt dọc đường vì phải mua hàng giá cao. lan xuân ghi

LÊ VĂN PHÚC (Bảo hiểm xã hội VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên