12/06/2024 11:32 GMT+7

Để không còn cỗ máy học để thi

Một trong những chuyện cứ lặp đi lặp lại, hết năm này đến năm khác là chuyện thi vào lớp 10: căng thẳng, nóng bỏng và đẫm nước mắt!

Thí sinh thi vào lớp 10 trong kỳ thi ngày 8-6-2024 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Thí sinh thi vào lớp 10 trong kỳ thi ngày 8-6-2024 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Ngay từ khi vào lớp 6, các trường đã định hướng chương trình sao cho học sinh của mình thi được vào lớp 10 công lập với tỉ lệ đậu cao nhất. Cả cỗ máy học để thi được khởi động và ráo riết vận hành.

Với nhiều gia đình ở Hà Nội và TP.HCM, cỗ máy này được khởi động sớm hơn rất nhiều. Ngay từ khi trẻ vào lớp 1, gia đình đã tính toán vào trường nào để sau này có thể vào lớp 6 của trường có tỉ lệ đỗ vào lớp 10 cao.

Cao điểm nhất là khi trẻ bước vào lớp 6, việc học đã âm thầm biến tướng để trở thành một hành trình luyện thi không ngơi nghỉ.

Thi vào lớp 10 môn nào thì chỉ tập trung học môn ấy. Các môn còn lại chỉ là học cho qua, dẫn đến bóp méo hoặc phá vỡ mục tiêu và cấu trúc chương trình của bậc THCS trong thực tế.

Nhưng học kiểu gì, thi kiểu gì đi chăng nữa thì ở hai thành phố lớn nói trên, năm nào cũng có khoảng 30 - 40% học sinh trượt lớp 10 công lập.

Tỉ lệ trượt này không nằm ở việc học của học sinh, cũng không nằm ở việc tổ chức kỳ thi của ngành giáo dục, mà ở việc bậc học THPT không có đủ chỗ cho tất cả các học sinh muốn học!

Cũng vì mục tiêu thi hình thành tâm lý thụ động, chạy theo mẹo mực, thủ thuật ôn thi, thay vì phát triển tư duy và kỹ năng học tập thực sự. Cả hành trình giáo dục trong suốt bốn năm bậc THCS là một hành trình nhồi nhét kiến thức, ôn luyện văn mẫu - toán dạng, với mục đích tối thượng là thi đậu vào lớp 10.

Cả gia đình, nhà trường và cỗ máy giáo dục "say mê" với mục tiêu đó mà quên mất rằng về bản chất, giáo dục có nghĩa là "khơi ra", đúng như nghĩa của chữ educere trong tiếng Latin, là từ nguyên của chữ education, tức giáo dục, trong tiếng Anh.

Vậy giải pháp là gì? Nếu nhìn vào kỳ thi đại học của 30 năm trước, chúng ta cũng thấy một sự căng thẳng tương tự. Để đậu đại học phải ôn luyện từ lớp 10, và cũng nhồi nhét, luyện tập văn mẫu - toán dạng, y như kỳ thi vào lớp 10 hiện nay.

Nhưng giờ đây kỳ thi đại học không còn căng thẳng như trước nữa. Vì sao? Vì số chỉ tiêu tuyển sinh đại học đủ đáp ứng cho tất cả thí sinh có nhu cầu học đại học.

Các phương thức xét tuyển vào đại học cũng phong phú hơn nhiều. Thay vì thi cùng một đợt, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển học bạ, thi đánh giá năng lực theo bài thi của trường hoặc xét điểm IELTS, SAT, ACT...

Nhiều thí sinh mới chỉ học hết lớp 11 đã biết mình sẽ đỗ đại học nào, nên không còn chuyện căng thẳng thi đại học như trước nữa. Chính vì vậy, để xử lý vấn đề thi vào lớp 10 căng thẳng, nhức nhối hiện nay, không có cách nào khác là áp dụng bài học của thi đại học.

Trong ngắn hạn, thay vì tổ chức một kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng thì có thể dùng xét tuyển học bạ để chọn thí sinh.

Việc xét tuyển học bạ này không chỉ giúp đạt được mục tiêu loại bớt thí sinh vì không đủ chỗ học, mà còn ăn khớp với bản chất của giáo dục, rằng giáo dục là một quá trình, nên đánh giá qua xét học bạ trong suốt bốn năm học sẽ phản ánh đúng học lực của học sinh hơn nhiều so với một kỳ thi.

Chưa kể việc xét học bạ tất cả các môn sẽ không làm cho học sinh học lệch, dẫn đến không phá vỡ cấu trúc và mục tiêu của chương trình THCS.

Những lo ngại về tiêu cực trong việc xét học bạ sẽ có, tương tự như trước đây lo ngại trong việc xét học bạ vào đại học, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được, và so với lợi ích mà nó mang lại thì có thể chấp nhận được.

Giải pháp lâu dài cho bài toán này cũng không khó để nhìn ra. Tựu trung có thể chia thành bốn nhóm.

- Phân luồng sau THCS thông qua việc giải thích, tuyên truyền để một số học sinh không có nhu cầu học lên đại học sau này thì không nhất thiết phải thi vào THPT mà có thể chuyển qua học trung học nghề.

- Đầu tư xây thêm các trường THPT mới, tiến tới đáp ứng nhu cầu học THPT công lập của xã hội.

- Khuyến khích và tạo cơ chế để các nhà đầu tư giáo dục xây dựng các hệ thống giáo dục ngoài công lập, như các trường tư thục, các trường quốc tế, để giảm tải cho hệ thống các trường THPT công lập đang bị quá tải hiện giờ.

- Công nhận và triển khai hình thức học trực tuyến với bậc THPT để các thí sinh có nhu cầu có thể đăng ký học theo hình thức này và thi tốt nghiệp THPT như các thí sinh khác.

Việc này hoàn toàn khả thi vì ngành giáo dục đã có kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai giáo dục trực tuyến đợt dịch COVID-19 vừa qua. Nếu áp dụng hình thức này, chúng ta có thể giải quyết được bài toán thiếu trường học bậc THPT với chi phí rất thấp.

Điều quan trọng là ngay bây giờ phải áp dụng đổi mới thi vào lớp 10 như đã đổi mới với thi đại học, nếu không thì cỗ máy học để thi sẽ còn kéo dài căng thẳng như hiện nay.

Thi vào lớp 10 Trường phổ thông Năng khiếu: chỉ có 8 học sinh đạt điểm 10 môn toánThi vào lớp 10 Trường phổ thông Năng khiếu: chỉ có 8 học sinh đạt điểm 10 môn toán

Chỉ có 8/3.714 học sinh đạt điểm 10 môn toán không chuyên trong kỳ thi vào lớp 10 Trường phổ thông Năng khiếu năm 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên