15/08/2015 09:05 GMT+7

Để gà đẻ “trứng vàng”

ĐẬU ANH TUẤN
ĐẬU ANH TUẤN

TT - Quan hệ giữa ngành thuế và doanh nghiệp (DN) là quan hệ có mức độ “nhạy cảm” đặc biệt. Nhạy cảm vì DN nhắc đến cơ quan thuế là nói đến “nộp tiền”, “nghĩa vụ” và “trách nhiệm”.

Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM sáng 30-3-2015 - Ảnh: T.Thắng
Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM sáng 30-3-2015 - Ảnh: T.Thắng

Nhạy cảm cũng bởi vì với quyền năng lớn của mình, cơ quan thuế thường có vị trí cao hơn nhiều so với DN. Cho nên khi có khó khăn, vướng mắc thậm chí gặp oan ức, DN không có cơ hội hay rất ngại bày tỏ trực tiếp, phản ảnh trung thực ý kiến của mình.

Vì vậy, việc công bố đánh giá mức độ hài lòng của DN với ngành thuế mà Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thực hiện có ý nghĩa quan trọng.

Đây là kênh để DN nói lên tiếng nói của mình một cách độc lập, các DN đánh giá trên nhiều lĩnh vực từ tiếp cận thông tin về thuế, thực hiện thủ tục hành chính thuế, kết quả giải quyết công việc, thanh tra kiểm tra thuế cho đến sự phục vụ của công chức thuế.

Là người trực tiếp thụ hưởng thủ tục hành chính, DN có quyền nói lên sự hài lòng của mình. Dù là chủ đề nhạy cảm, lần đầu tiến hành nhưng điều tra đã thu hút hơn 2.500 DN đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố tham gia.

Một thông điệp nổi bật của nghiên cứu này là các DN cảm nhận tương đối rõ những thay đổi của pháp luật thuế thời gian qua. 92% DN nhận định tích cực về các thay đổi này, trong đó góp phần làm giảm thời gian cho DN là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN.

Tuy nhiên, vẫn có gần một nửa DN (49%) qua điều tra cho biết gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế với các khó khăn như biểu mẫu thường xuyên thay đổi, cán bộ thuế yêu cầu cung cấp nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết hay thời gian giải quyết thủ tục còn quá dài.

Thanh tra kiểm tra thuế là hoạt động cần thiết trong quản lý thuế, trung bình 52% DN phải đón tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra về thuế trong năm 2014. Phần lớn DN đánh giá thời gian thanh tra, kiểm tra đúng với quyết định ban hành hay thái độ của cán bộ thuế đúng mực.

Nhưng điều đáng lo ngại là DN quy mô càng lớn, tần suất và nguy cơ bị thanh tra, kiểm tra càng cao. Đây liệu có phải là một nguy cơ về gánh nặng từ thủ tục hành chính khiến DN tư nhân VN lo ngại lớn?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận rằng khi thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế thường vẫn dành phần thuận lợi cho mình, tập trung vào DN lớn hơn là vì mục đích tăng thu bởi DN lớn có nhiều hoạt động, nguy cơ sai sót luôn cao hơn.

Quy trình lựa chọn DN để tiến hành thanh tra, kiểm tra cũng không thể duy trì dựa vào chủ quan mãi được. Nhiều DN vẫn phàn nàn về thanh tra, kiểm tra thuế trùng lặp, chồng chéo và hơn 1/4 số DN bị thanh tra, kiểm tra cho biết phải chi trả các khoản phí không chính thức.

Bàn cải cách thuế không thể không nói đến công chức thuế, nếu không nói đây là yếu tố quyết định. DN đánh giá tích cực về mức độ hoàn thành nhiệm vụ nhưng chưa hài lòng về sự đồng hành và hỗ trợ của công chức thuế.

Do vậy, điểm số của nhóm chỉ số về sự phục vụ của công chức thuế chỉ đạt 5,36, trên mức bình quân là 7,1 của thang điểm 10. Tỉ lệ chi trả chi phí không chính thức mà DN thừa nhận là 32%, nhưng DN cho biết họ buộc phải thực hiện vì lo ngại bị phân biệt đối xử (như bổ sung giấy tờ, hồ sơ, kéo dài thời gian hơn...).

Những cải cách ngành thuế tiến hành đang đi đúng hướng nhưng cần nhanh hơn nữa. Đích đến là thủ tục thuế của VN phải so sánh được không chỉ với các nước tiên tiến trong ASEAN mà với cả những quốc gia phát triển trên thế giới mà VN đang tích cực thúc đẩy các hợp tác thương mại.

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, trực tuyến cơ bản các thủ tục thuế để giảm sự tiếp xúc giữa DN và công chức thuế, hình thành nhiều hoạt động dịch vụ thuế như đại lý thuế để hỗ trợ DN và chú trọng chuyên nghiệp hóa công chức thuế.

Một đại biểu ví von cơ quan thuế cần phải xem DN là “con gà đẻ trứng vàng”, mục tiêu của ngành thuế là DN kinh doanh ngày càng thành công, có lợi ích cho mình và mang lại nguồn nộp thuế nhiều hơn. Nhưng muốn “con gà” đẻ được nhiều “trứng vàng”, phải biết nâng niu và chăm sóc con gà.

ĐẬU ANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên