Bà Vũ Thị Thanh, giám đốc Công ty TNHH Nam Thanh (Hà Nội), kể lại ba năm mong chờ hồi âm của mình - Ảnh: Lê Thanh |
Dù đánh giá ngành thuế năm qua có cải thiện, doanh nghiệp (DN) chấm điểm 7/10 song vẫn còn bức xúc, nhất là 32% DN cho biết thường xuyên lót tay cho cán bộ thuế...
Đó là thông tin tại buổi công bố báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) cùng Tổng cục Thuế tổ chức ngày 11-8.
Báo cáo “Mức độ hài lòng của DN năm 2014” được ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban pháp chế VCCI - công bố qua khảo sát hơn 2.500 DN trên cả nước. Ông Tuấn nói: “Quan hệ giữa thuế và DN là khá đặc biệt vì liên quan tới tiền, trách nhiệm, nghĩa vụ”.
Ngại thủ tục, 26% DN không thực hiện hoàn thuế
Để đánh giá mức độ hài lòng của DN qua việc cải cách thủ tục hành chính thuế, ông Đậu Anh Tuấn cho biết nhóm nghiên cứu tập trung vào năm thủ tục là đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, miễn giảm thuế và hoàn thuế.
Một năm DN thực hiện đăng ký thuế một lần và thông thường mất tám giờ chuẩn bị hồ sơ. Thời gian kể từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận được kết quả thông thường mất 7,5 giờ. Tuy nhiên, có 20-30% DN ở một số địa phương phải mất hàng trăm giờ để hoàn thành thủ tục thuế vì gặp phiền hà.
“Đa số DN cho biết phiền hà lớn nhất mà họ gặp phải là các biểu mẫu hay thay đổi. Thứ hai là cán bộ thuế yêu cầu DN cung cấp các thông tin, giấy tờ không cần thiết. Riêng DN có vốn đầu tư nước ngoài cho biết thời gian giải quyết thủ tục thuế quá dài, không được cán bộ thuế hướng dẫn đầy đủ, tận tình thủ tục thuế” - ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, theo báo cáo, đáng lo ngại nhất là trong năm thủ tục thuế thì thủ tục hoàn thuế khiến DN “oải” nhất khi mất tới 157 giờ/năm, trong đó riêng DN có vốn nước ngoài mất tới 182 giờ/năm. Cụ thể đối với hoàn thuế giá trị gia tăng, có tới 26% DN được khảo sát cho biết họ không làm thủ tục hoàn thuế vì quá phức tạp.
Bên cạnh đó, nhiều DN cũng lo ngại thời gian thực hiện thủ tục hoàn thuế kéo dài và DN không đáp ứng được các điều kiện, do đó quyền lợi của DN ít nhiều bị ảnh hưởng.
Không lót tay sẽ bị làm khó
Một điều đáng chú ý là DN càng lớn thì càng bị thanh tra, khi có 60% DN có doanh thu trên 50 tỉ đồng bị thanh tra, kiểm tra thuế. Dù các DN đánh giá thanh tra, kiểm tra đúng thời gian và quy định nhưng phần lớn DN cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra thuế cần phải cải thiện, tránh trùng lặp, thậm chí trong quá trình thanh tra cán bộ thuế còn suy diễn bất lợi cho DN.
Việc các DN phải chi trả chi phí không chính thức trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh tại VN luôn là vấn đề nhức nhối. Lĩnh vực thuế không phải là ngoại lệ. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 32% DN đã phải lót tay cho cán bộ thuế, trong đó nhiều nhất là DN có vốn nước ngoài với 41%.
“Điện tử hóa” quan hệ giữa ngành thuế và DN
Bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế VN, đề nghị: “Để DN bớt kêu ca về ngành thuế thì phải công khai minh bạch từ chính sách đến khi thực hiện. Bên cạnh đó, giảm thiểu nhiều tiếp xúc, quan hệ trực tiếp giữa cán bộ thuế và người nộp thuế càng nhiều càng tốt” - bà Cúc đề nghị.
Đồng quan điểm này, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Tài chính - cho biết cần phải điện tử hóa các quan hệ giữa ngành thuế và DN. DN có thể gửi tờ khai, nộp, phản ảnh, khiếu nại qua email. Đây cũng là đề nghị của ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch VCCI. Bên cạnh đó, ông Lộc cũng đề nghị ngành thuế phải cắt bỏ thêm các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN dù đến nay số giờ nộp thuế đã được cắt giảm 370 giờ.
Đi vào khó khăn cụ thể của DN, bà Cúc cho rằng ai cũng có quyền kiểm tra, thanh tra DN. Ngoài cơ quan thuế, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước... đều có thể vào DN. Hiện nay chúng ta đang xây dựng tiêu thức thanh tra, kiểm tra theo rủi ro. Do đó những DN nào có rủi ro cao thì mới thanh tra, kiểm tra. DN sẽ tự kê khai, tự tính và tự nộp thuế, trường hợp thực hiện không tốt cơ quan thuế sẽ thanh tra, kiểm tra và ấn định thuế.
Sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra của nhau
Bà Cúc cũng nói thêm để không có chuyện chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra phải có quy định các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra của nhau. Khi ngành thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế rồi thì các cơ quan khác như Kiểm toán Nhà nước có thể lấy luôn kết quả đó chứ không thể vào làm lại từ đầu, xem hết chứng từ sổ sách của DN. Nếu làm được điều này sẽ đỡ hơn cho DN rất nhiều.
Mặt khác, hóa đơn chứng từ nay cần phải sửa đổi. Vì hiện nay có cảm giác nặng về hóa đơn, tôn sùng hóa đơn, vậy nên mới có tình trạng mua bán hóa đơn giả, dùng hóa đơn bất hợp pháp. Vấn đề của chúng ta là gắn quản lý theo luồng tiền và hàng. Khi có hàng như tôm, cá xuất khẩu thì phải có dòng tiền về. Nếu cứ cho rằng thiếu bảng kê, thiếu chứng từ thanh toán ở đầu vào, cơ quan thuế lại cho rằng không đủ giấy tờ nên gạt ra mà thu thuế tất cả trên doanh thu sẽ rất khó khăn cho DN.
Giảm tiếp xúc giữa cán bộ thuế với doanh nghiệp
Gửi văn bản 3 năm không có hồi âm Trước khi nêu khó khăn của DN, bà Vũ Thị Thanh - giám đốc Công ty TNHH Nam Thanh (Hà Nội) - rất mừng khi gặp được ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Tài chính. Bà kể rất bức xúc khi kiến nghị bằng văn bản nhiều lần tới Cục Hải quan Hà Nội, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan... suốt ba năm qua về việc nộp 1,3 tỉ đồng thuế GTGT cho lô máy móc nhập về nhưng không nhận được một bức thư hồi âm. “Vì DN của tôi nhập máy móc về để tạo tài sản cố định chứ không phải nhập về để bán. Tôi không phải là người đi buôn. Nên nếu phải nộp thuế GTGT cho lô hàng là rất bất hợp lý. Tôi rất lo là vì tài chính các DN của chúng ta - nhất là các DN nhỏ và vừa - quá yếu, quá thiếu về nhiều mặt. Nên chăng Chính phủ cho phép DN treo thuế GTGT cho các lô hàng nhập máy móc thiết bị về để sản xuất, khi máy móc đi vào hoạt động rồi thì gỡ thuế đó đi. Nếu DN không phải nộp thuế GTGT cho máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất sẽ hỗ trợ rất lớn cho DN. Tôi nghĩ sau cuộc họp này, các nhà hoạch định chính sách hãy lắng nghe DN xem họ có khó khăn gì, khổ như thế nào để giúp họ vì sau lưng DN còn hàng trăm, hàng ngàn lao động” - bà Thanh nêu. Đáp lại ý kiến của bà Thanh, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết thắc mắc của bà đã giao bên có trách nhiệm trả lời. Theo luật, máy móc thiết bị nhập về phải nộp thuế GTGT, sau khi nộp xong cơ quan thuế phải hoàn trả DN trong thời gian ngắn nhất. Việc giải quyết thuế là tuân theo pháp luật và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên với bức xúc của DN, ông Nguyễn Văn Phúc - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng ngành tài chính cần phải trả lời, giải đáp những thắc mắc của DN. DN hỏi thì phải trả lời. Đó là quy định của luật. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận