19/04/2018 15:28 GMT+7

Dạy tiếng Anh để 'mở cửa ra thế giới rộng lớn'

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Huyền Trang là một trong 16 bạn trẻ tiềm năng (fellow, tương tự giáo viên) của Teach For Vietnam (TFV, thuộc Mạng lưới giáo dục toàn cầu Teach For All) được triển khai tại tám trường tiểu học và THCS ở Tây Ninh từ tháng 6-2017.

Dạy tiếng Anh để mở cửa ra thế giới rộng lớn - Ảnh 1.

Nhóm học sinh của nhà Optimistic (nhà Lạc quan) trong lớp của thầy Lê Hoàng Phong được tổ chức theo hình mẫu Harry Potter - Ảnh: VŨ THỦY

Lớp học ca hát và trò chơi

Các em nhỏ từ đâu đó bắt đầu phóng nhanh vào lớp. "Nhanh chân lên nào" - cô giáo nhắc. Nháy mắt, 36 bạn nhỏ ai đã vào chỗ nấy. 

Lớp học này là lớp học ca hát. "Thúy Vy, What are you doing?" (Thúy Vy, bạn đang làm gì?) - cả lớp đồng thanh hát và hào hứng chỉ tay về chỗ Thúy Vy đang ngồi. Rồi màn hình hiện lên một người đang cầm micro, bên dưới có cái tên Thúy Vy: I’m singing, I’m singing. Phần Thúy Vy cũng đưa tay làm động tác như đang hát, cười khúc khích.

Lần lượt tên 36 bạn nhỏ hiện trên màn hình với các động từ learning, watching... Đến lượt bạn nào gắn với động từ gì thì sẽ diễn tả hành động đó. Có bạn nhảy ra khỏi chỗ ngồi làm điệu bộ như đang ôm cây đàn.

Hôm nay Huyền Trang dạy bài về thời tiết. Lũ trẻ hết đứng lên lại ngồi xuống, tay chân liên tục làm động tác theo cô giáo diễn tả "it’s sunny, it’s rainy, it’s stormy", nắng, gió, mưa, bão... và đập tay ăn mừng với cô giáo khi trả lời đúng một câu hỏi. 

Cô hỏi các bạn nhỏ về số huyện, thị trấn ở Tây Ninh. Sau đó cả lớp bắt đầu hỏi thời tiết ở các huyện. Học sinh tự đặt câu hỏi. Thôi thì loạn xạ kiểu đặt câu. Huyền Trang kiên nhẫn: "Gần đúng rồi. Lại nào..." cho đến khi một bạn nhỏ đặt đúng câu: "What is the weather in Chau Thanh?".

Trong khi đó, ở huyện Dương Minh Châu, lớp 6A2 Trường THCS Chà Là của Lê Hoàng Phong (26 tuổi) là "7 ngôi nhà". Thành viên các nhà từ 6-8 bạn ngồi chung với nhau, được đặt tên Bouncy (hoạt bát), Confident (Tự tin), Optimistic (Lạc quan), Energetic (Năng lượng)... 

 "Tôi muốn làm giống như trong truyện Harry Potter, các bạn học sinh được tự chọn vào các nhà mà tên gọi của ngôi nhà sẽ là tính cách các em mong muốn rèn luyện cho mình" - Phong nói.

Lớp học của Trần Quang Phúc (23 tuổi) lại là lớp học trò chơi. "Tôi không muốn giao bài tập về nhà, không để các em phải lê vào bàn học, ngồi gặm tay, cắn bút. Học tiếng Anh cần tích lũy. Các em có thể chơi một game nhiều lần, nỗ lực để làm tốt hơn, lần sau có thể rút kinh nghiệm từ lần trước để điểm cao hơn" - Phúc nói. 

Trường không có phòng máy tính, thế là Phúc mang cái laptop cũ từ hồi sinh viên cho các em dùng. Các bạn nhỏ cũng rất hào hứng, có bạn đã chơi một game học tiếng Anh tới 20 lần và tất nhiên là nhớ gần như từng từ trong bài tập.

Dạy tiếng Anh để mở cửa ra thế giới rộng lớn - Ảnh 2.

Huyền Trang (đứng) và các bạn học sinh trong lớp cùng nói chuyện với một thực tập sinh người Pháp bằng tiếng Anh - Ảnh: VŨ THỦY

Mở cho các em cánh cửa rộng lớn

Dạy xong hai tiết học, lưng áo của Phong cũng đẫm mồ hôi. Trong lớp thầy di chuyển như con thoi giữa các "nhà", hết ngồi với nhà Năng lượng lại sang ngồi với nhà Sáng tạo. Thầy cũng là người của một nhà, mỗi khi có bạn nào đó cần được quan tâm hơn sẽ được chuyển vào chung nhà với thầy.

Tan lớp, các thầy cô cùng nhóm bạn trực nhật nhặt rác, quét dọn, sắp xếp bàn ghế. "Các em ở trường hầu hết đều khó khăn, nhiều em phải đạp xe 10 cây số để đến lớp, nên các em cần có những buổi học thực sự. 

Gần một năm gắn bó, tôi hạnh phúc khi mỗi ngày lại nhận thấy sự ảnh hưởng tốt của mình đến các em, giúp các em tự tin hơn, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống" - Phong chia sẻ.

Phong tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM, có hơn một năm sang Malaysia làm luận văn thạc sĩ ngành lãnh đạo giáo dục và phiên dịch cho lãnh sự một số nước. Khi biết đến TFV, Phong nói "cảm giác như đã đi một chặng đường dài rồi thấy mình đang đi đúng trên con đường muốn đi, bắt tay làm một điều thực tế để góp phần làm cho giáo dục ngày càng tốt hơn". Vậy là Phong nộp đơn ứng tuyển và trở thành lứa fellow đầu tiên của TVF.

Thành viên khác của TVF đến từ rất nhiều ngành nghề khác nhau. Như Thu Thảo học kinh doanh quốc tế (ĐH Ngoại thương Hà Nội), Thanh Phương tốt nghiệp ngành marketing tại Mỹ, Huyền Trang học công nghệ sinh học (ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), Thùy Dương học thạc sĩ môi trường tại Đức, hoàn thành chương trình tiến sĩ Phần Lan...

Tiếng Anh chỉ là phương tiện để mở cánh cửa cho các em đến với thế giới rộng lớn hơn. Chúng tôi muốn các em không chỉ sử dụng được tiếng Anh mà còn có thể học hỏi những giá trị sống khác

Huyền Trang (một fellow của TVF)

Sau những giờ học chính khóa, các bạn trẻ tổ chức những buổi nói chuyện nhóm cho học trò với sinh viên nước ngoài, khách du lịch... để các em có cơ hội rèn luyện, học hỏi và dạn dĩ hơn. 

Các bạn cũng được hỗ trợ, kết nối vào các dự án về giáo dục khác, phát triển kỹ năng lãnh đạo với kỳ vọng họ không chỉ mang đến những lớp học sáng tạo, tạo cảm hứng cho các giáo viên khác mà sau đó họ có thể có những dự án riêng trong mỗi ngành nghề của mình để tác động đến giáo dục sau khi tốt nghiệp chương trình này.

"Có nhiều bạn khi đi dạy phát hiện những vấn đề trong nuôi dạy từ gia đình, cha mẹ, thế là họ định hướng sẽ tiếp tục phát triển về lĩnh vực giáo dục gia đình. Còn tôi lại nhận thấy tiềm năng rất lớn của trò chơi trong giảng dạy nên dự định sẽ đi theo hướng này" - anh Trần Quang Phúc chia sẻ.

Mở ra cánh cửa thay đổi

Teach For Vietnam (TFV) là thành viên của Mạng lưới giáo dục toàn cầu Teach For All, thuộc dự án Leadership Development Fellowship, thu hút các bạn trẻ có tiềm năng (fellow) từ nhiều lĩnh vực.

Fellow là những giáo viên tiếng Anh chính thức trong giờ học chính quy tại các trường công lập có nhiều khó khăn, được trang bị kỹ năng tốt, chuyên môn chuyên sâu nhằm tạo ra những tác động và thay đổi tích cực cho học sinh, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng địa phương.

Vẫn dựa trên sườn là sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và đào tạo nhưng các fellow được hỗ trợ những tài liệu khác để phát triển kỹ năng tiếng Anh cho học sinh, trang bị tư duy phản biện, các giá trị sống và cách nhìn nhận vấn đề cần thiết.

Anh Huỳnh Hạnh Phúc, sáng lập và điều hành TFV, cho biết hiện TFV đang tuyển thêm 25-30 fellow để triển khai chương trình đến các tỉnh thành miền Tây, những nơi trường học còn nhiều khó khăn.

"Chúng tôi hi vọng sẽ mở ra cánh cửa để các tổ chức khác có thể cùng tham gia, cùng góp phần thay đổi giáo dục theo hướng tiến bộ" - anh Phúc chia sẻ.

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Chọn và đi"

Sau tọa đàm "Có niềm tin, có sức mạnh" do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào ngày 24-3, nhiều bạn đọc đã phản hồi thể hiện sự quan tâm, mong muốn duy trì tuyến nội dung và tọa đàm ý nghĩa này.

Từ ngày 17-4, báo Tuổi Trẻ khởi đăng tuyến bài 3 kỳ với chủ đề "Chọn và đi" trên nhật báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online, đăng tải các quan điểm, câu chuyện, tấm gương chân thật đã tin vào chính mình, tin vào con đường mình chọn và bước đi, dù vấp ngã nhưng đứng lên kiên cường, sức mạnh niềm tin được tạo nên từ chính bản thân.

Để diễn đàn diễn tiếp tục lan tỏa hiệu quả, báo Tuổi Trẻ mong nhận được ý kiến, đóng góp, câu chuyện từ bạn đọc về giá trị của "Chọn và đi", cụ thể là chọn tin vào chính mình, đi trên con đường mình đã chọn để thành công.

Bài viết bạn đọc gửi về sẽ được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ Online và có nhuận bút.

Các ý kiến chia sẻ vui lòng gửi về: hongtuoi@tuoitre.com.vn.

Dự kiến đầu tháng 5, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức tọa đàm với chủ đề này tại Phú Quốc (Kiên Giang). Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả, bạn trẻ khởi nghiệp, nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội...

chọn và đi

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên