![Dạy thêm, học thêm ở Mỹ - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/15/cac-hoat-dong-ngoai-khoa-trao-doi-ky-nang-read-only-17395846174032112455920.jpg)
Các hoạt động ngoại khóa trau dồi kỹ năng luôn được thực hiện trong và ngoài lớp dành cho học sinh ở Mỹ - Ảnh: PHAN QUỐC VINH
Việc học thêm tại Mỹ sau chương trình chính khóa không chỉ giới hạn trong việc củng cố kiến thức mà còn bao gồm nhiều chương trình đa dạng như: dạy kèm cá nhân giữa giáo viên hoặc sinh viên giỏi hướng dẫn học sinh yếu hoặc cần nâng cao kiến thức, tổ chức các chương trình ngoại khóa như câu lạc bộ khoa học, toán học, nghệ thuật, thể thao…
Đa dạng chương trình học thêm
Ở Hoa Kỳ, bắt đầu từ hồi tiền tiểu học (Pre-Kintergarten), nhiều phụ huynh bận rộn đã đăng ký tham gia chương trình gửi con sau giờ học thường được gọi là "After-School Program" hoặc "Extended Day Program".
Những chương trình này cung cấp các hoạt động học tập, vui chơi có giám sát cho học sinh sau giờ học chính khóa, thường được tổ chức bởi trường học, trung tâm sinh hoạt cộng đồng hoặc các tổ chức phi lợi nhuận.
Đến các cấp học tiếp theo, việc học thêm trong chương trình tiếp tục được diễn ra trước hoặc sau giờ học chính khóa ở trường. Khi học tiểu học tại Trường Martin Warrens (bang Missouri), nhiều lần con gái lớn của tôi đã đăng ký được gặp giáo viên dạy môn toán để trao đổi bài vở từ 7h20 trước khi chuông reo vào học lúc 7h50.
Hoặc khi chuyển sang học cấp III ở Westlake Academy (bang Texas) vẫn thỉnh thoảng đăng ký vào lịch trống gặp giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha 30 phút sau giờ học để hỏi bài thêm. Dĩ nhiên với mỗi lớp học cũng có tỉ lệ trung bình từ 14 - 20 học sinh trên mỗi giáo viên nên việc đăng ký cũng sẽ dễ dàng hơn.
Các câu lạc bộ rèn luyện kỹ năng sau giờ học ở Trường tiểu học Bear Creek mà con gái nhỏ của tôi đang theo học bao gồm: ghép hình (Puzzle), làm trang sức thủ công (Jewelry Junkie), làm bản tin (News), thủ công mỹ nghệ (craft), làm quen với các trò chơi trên bàn (Tabletop gaming), Pokemon, làm bánh (baking), tìm hiểu về văn hóa các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha (Hispanic heritage)…
Ngoài các chương trình học chính thống theo quy định, hai cô con gái cũng đã học "bổ sung" nhiều lớp học trực tuyến miễn phí như Khan Academy, Coursera hay EdX cung cấp nhiều khóa học mở rộng kiến thức; đồng thời tham gia thêm các trại hè học thuật từ trường đại học và tổ chức giáo dục khác giúp các bạn nhỏ tiếp cận kiến thức mới cũng như chuẩn bị hành trang vào đại học.
Đối với học sinh cấp III, nếu các bạn trẻ xác định được ngành nghề phổ thông mà mình yêu thích thì có thể lựa chọn việc học thêm tại các trung tâm học tập nâng cao (Advanced Learning Center). Những nơi này cung cấp các khóa học nâng cao trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và kỹ thuật (Career and Technical Education - CTE) cho học sinh trung học nhằm chuẩn bị những kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học.
Tại đây, các học sinh có thể tham gia vào nhiều lộ trình CTE khác nhau, bao gồm các lĩnh vực như kỹ thuật, khoa học sức khỏe, dịch vụ công cộng, nghệ thuật thị giác và thương mại. Các chương trình này được thiết kế để cung cấp kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, giúp học sinh sẵn sàng cho công việc ngay khi ra trường hoặc tiếp tục học tập ở bậc cao hơn.
Vẫn có áp lực
Ở Hoa Kỳ cũng còn có tình trạng "nồi nào úp vung nấy" trong giáo dục. Nếu học sinh có học lực bình thường hoặc gia đình bị hạn chế tài chính thì việc học thêm kiến thức chỉ dừng ở mức độ vừa phải, cũng như tham gia các chương trình hoạt động bổ trợ không phải đóng phí.
Còn các gia đình có điều kiện kinh tế hơn thì sẽ tham gia các chương trình trả phí có chất lượng sau giờ học tại trường hoặc ở các trung tâm bên ngoài.
Các lớp cấp I ở một số nơi thường có giờ học "Flex time" trong 45 phút thì các học sinh bình thường sẽ lấy sách ra đọc hoặc làm việc riêng, còn các học sinh giỏi được lựa chọn sau khi đã làm bài kiểm tra đầu vào sẽ đi đến các lớp tài năng (Gifted & Talented) để học thêm nhiều kiến thức nâng cao trước khi quay trở lại tiếp tục học chương trình chung.
Hằng năm, ở Hoa Kỳ luôn có kỳ thi chuẩn các môn chính để xếp hạng đối sánh từng học sinh trong mỗi trường với kết quả của toàn tiểu bang và toàn quốc.
Một số trường ở bang Texas muốn nắm bắt khả năng của từng học sinh sau mỗi học kỳ tiếp thu kiến thức đến mức độ nào sẽ cho học sinh tham gia các kỳ thi chuẩn của vùng (MAP) để biết năng lực đến mức nào và đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời để các học sinh có thể thi tốt kỳ thi STAAR test toàn bang Texas.
STAAR (State of Texas Assessments of Academic Readiness) là hệ thống bài kiểm tra tiêu chuẩn của bang Texas dành cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 mà rất nhiều trường đều dùng làm kỳ thi chuẩn.
Từ đó ban giám hiệu và giáo viên các trường phải tìm mọi phương pháp để dạy các học sinh thật hiệu quả bởi các kỳ thi được thực hiện trên máy tính, điểm chấm trực tiếp trên phần mềm và kết quả được gửi về cho từng phụ huynh. Nếu kết quả thấp thì chắc chắn phụ huynh sẽ được tư vấn về việc gửi con đến cho giáo viên kèm cặp thêm sau giờ học hằng ngày.
Tuy vậy nhiều nhà trường ở Mỹ vẫn gặp phải thách thức do nhiều chương trình học thêm yêu cầu học phí đắt đỏ, gây khó khăn cho các gia đình có thu nhập thấp. Học sinh phải chịu áp lực học tập dẫn đến bị quá tải.
Ngoài ra, học sinh ở vùng xa trung tâm thành thị, nhận được ít nguồn quỹ hoặc có kinh tế khó khăn cũng sẽ ít có cơ hội tham gia các chương trình học thêm chất lượng.
Không chạy theo phong trào
Nhìn chung, ở Hoa Kỳ không có sự cào bằng trong giáo dục cũng như không có việc học thêm theo phong trào mà thực sự phụ huynh đã quyết định việc này dựa vào khả năng của từng cháu cũng như điều kiện của gia đình.
Hành trang chuẩn bị
Nếu có con cái chuẩn bị vào học cấp III, nhiều phụ huynh Hoa Kỳ đã quá quen với thuật ngữ "PRE" (hành trang chuẩn bị). Đó là các bài kiểm tra Pre-SAT (PSAT - Preliminary SAT) chuẩn bị cho kỳ thi SAT toàn quốc chính thức, đồng thời giúp học sinh đủ điều kiện nhận học bổng National Merit Scholarship, Pre-ACT chuẩn bị cho kỳ thi ACT là bài kiểm tra chuẩn hóa phổ biến khi xét tuyển đại học, Pre-IB (Pre-International Baccalaureate) chuẩn bị cho chương trình IB Diploma, Pre-med và Pre-law programs giúp học sinh chuẩn bị nếu muốn theo đuổi ngành y hoặc ngành luật và Pre-college programs (chương trình dự bị đại học) giúp học sinh cấp III trải nghiệm trước môi trường đại học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận