Dạy thêm, học thêm không xấu

Giáo sư NGUYỄN MINH THUYẾT
Giáo sư NGUYỄN MINH THUYẾT

TT - “Dư luận không chống dạy thêm, học thêm mà chỉ phê phán những hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong việc dạy thêm, học thêm”.

Dạy thêm, học thêm - nhìn từ hai phíaDạy thêm, học thêm: "tham nhũng" trong giáo dục?

mZ5JosVO.jpgPhóng to
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: V.Dũng

Đó là ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Ông Thuyết nói:

- Theo tôi, không ai cấm bác sĩ ngoài giờ làm việc tham gia khám chữa bệnh ở phòng khám tư, kiến trúc sư sau giờ làm ở công sở nhận thiết kế nhà cho người này người khác. Như vậy thì cũng không thể cấm giáo viên dạy thêm và lên án dạy thêm như một việc làm sai trái. Dạy thêm theo yêu cầu của người học là lao động chính đáng.

"Có thể nói áp lực lớn nhất khiến việc học hành trở nên nặng nề là giáo dục phổ thông gần như chỉ có một đầu ra: vào đại học, cao đẳng. Từ lúc con vào lớp 1, cha mẹ đã phải lo làm sao con được vào trường tốt, học hành thế nào để vào được trường điểm ở cấp học tiếp theo, rồi thi vào được một ngành hấp dẫn ở trường đại học, có vậy sau này mới có việc làm thu nhập cao, có tương lai sáng sủa"

* Thưa ông, vậy chống tiêu cực bằng cách nào?

- Để chống tiêu cực, theo tôi, không nên cho phép các trường tổ chức dạy thêm, học thêm ở trường mình, trừ trường hợp phụ đạo học sinh kém, bồi dưỡng học sinh giỏi. Thậm chí, cho thuê trường lớp làm địa điểm để tổ chức dạy thêm, học thêm cũng không nên.

Việc dạy thêm nên được tổ chức ở các cơ sở độc lập. Người đăng ký lập các cơ sở này phải có nhân thân tốt, có kinh nghiệm dạy học. Cơ sở lập ra phải đáp ứng được điều kiện dạy học đảm bảo chất lượng, tổ chức dạy trên tinh thần tự nguyện của người học và phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế.

Giáo viên trường công lập là cán bộ, viên chức nhà nước, không được đứng ra tổ chức cơ sở dạy thêm. Nhưng họ có thể tham gia dạy thêm ở các cơ sở tư thục hoặc làm gia sư tại gia đình học sinh theo hợp đồng.

* Nhưng nhiều người cho rằng nếu tập trung việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ dễ kiểm soát, quản lý, dễ phát hiện và ngăn chặn tiêu cực nảy sinh trong quan hệ thầy trò...

- Tôi không nghĩ như vậy. Nhiều tiêu cực nảy sinh là do giáo viên được nhà trường cho phép dạy thêm học sinh của chính lớp mình phụ trách. Trong nhiều trường hợp, dù giáo viên không ép nhưng về tâm lý thì học sinh, phụ huynh học sinh ngại là không đi học sẽ bị thầy (cô) “trù”, cho điểm kém. Nhiều giáo viên cũng mặc nhiên điều chỉnh, cắt xén nội dung dạy chính khóa chuyển sang thời gian dạy thêm, thậm chí cho học sinh làm trước nội dung bài kiểm tra tại lớp học thêm... Điều này khiến những học sinh không học thêm bị thiệt thòi, kết quả học tập kém hơn các bạn học thêm. Rốt cuộc, các em lại phải chấp nhận theo lớp học thêm.

* Nhưng khi dạy thêm tại địa điểm khác, giáo viên vẫn có thể ép buộc học sinh lớp mình phụ trách đi học?

- Ép học sinh đến một cơ sở ngoài nhà trường học thêm khó hơn là ở trong trường. Nhưng dù có xảy ra chuyện này thì việc phát hiện sai phạm không khó, nhất là nếu phụ huynh học sinh thẳng thắn phản ảnh những hiện tượng ấy. Vấn đề phụ thuộc vào chỗ các cấp quản lý có xử lý nghiêm minh không.

* Theo ông, phải chăng các trường thường có thái độ bao che nên tình trạng tiêu cực trong dạy thêm mới gia tăng?

- Các cơ sở giáo dục muốn làm nghiêm túc hoàn toàn có thể kiểm soát và quản lý được giáo viên của mình. Chỉ trừ khi người quản lý cũng được chia sẻ quyền lợi hoặc cố tình bao che vì mục đích nào đó. Nhân đây, tôi nhấn mạnh chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.

* Nhưng về lâu dài, để dạy thêm, học thêm không bị đẩy tới mức vượt quá nhu cầu thật của học sinh, theo ông phải làm gì?

- Nhiều người đã nhận xét mức lương quá thấp là nguyên nhân khiến giáo viên phải tìm cách dạy thêm. Để chấm dứt dạy thêm tràn lan, phải tăng lương cho giáo viên. Tôi nghĩ trong điều kiện nước ta, khó có thể tăng lương cho giáo viên đạt tới mức sống dư dả, không cần làm thêm. Nhưng nếu được tăng thu nhập, anh chị em giáo viên cũng có điều kiện nâng cao chất lượng dạy học nhiều hơn và đỡ phải nghĩ đến chuyện dạy thêm. Ngoài phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên, có thể nghiên cứu trả phụ cấp cho những công việc chuyên môn khác của giáo viên như phụ cấp chấm bài chẳng hạn.

* Thêm phụ cấp là thêm tiền, việc này lại đụng chạm đến cái “vướng” phổ biến của ngành GD-ĐT?

- Đúng thế. Ngân sách chi cho giáo dục là 20% nhưng phần chi cho giáo dục tiểu học, trung học, đại học mỗi cấp chỉ khoảng 10% của 20% đó thôi. Có nghĩa hơn 50% được chi cho nhiều mục khác, trong đó có toàn bộ mảng dạy nghề, bồi dưỡng cán bộ từ cấp xã trở lên... Muốn giải quyết khó khăn về kinh phí cho giáo dục phổ thông thì “cái bánh” 20% cần phải được tính toán lại. Ví dụ cán bộ, công chức, viên chức đã đi làm việc, có lương rồi, khi theo học các chương trình bồi dưỡng, học tập để “chuẩn hóa” nên tự bỏ tiền ra, nhường số tiền từ ngân sách cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.

* Trở lại việc dạy thêm và học thêm, sở dĩ tình trạng này phổ biến ở các thành phố lớn, có một phần nguyên nhân do áp lực thành tích, áp lực thi cử đối với nhà trường, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh.

- Dạy thêm, học thêm tràn lan chỉ diễn ra ở đô thị, chủ yếu là các đô thị lớn. Học sinh nông thôn có học thêm đâu nhưng nhiều em thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đạt kết quả cao. Dường như ở đô thị, nhiều bậc cha mẹ do quá lo lắng và cũng do có điều kiện sống tốt hơn nên đã gây áp lực lên việc học hành của con cái. Sự lo lắng của các bậc cha mẹ có thể thông cảm được, vì ở đô thị nếu con cái không vào được đại học, cao đẳng thì không kiếm nổi việc làm.

Muốn giải tỏa áp lực này cần phải tìm giải pháp căn cơ hơn. Đó là phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ để tạo điều kiện học tập tốt hơn cho con em chúng ta và mở ra khả năng phát triển rộng rãi hơn cho tất cả mọi người lao động.

Thạc sĩ PHAN TẤN CHÍ (phó trưởng khoa quản lý giáo dục Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM):

Không thể cấm, chỉ làm sao để không tràn lan

Người Việt Nam ham học là điều đáng mừng, nhưng bệnh trọng bằng cấp đã làm nhu cầu học thêm càng mãnh liệt. Điều này làm nảy sinh nhiều biến tướng. Tâm lý chạy theo số đông lây lan đến độ không thể dừng lại. Trong khi đó, chương trình, nội dung học còn nặng nề dù đã được hô hào giảm tải.

Điều đáng nói là hiện nay việc hướng dẫn học sinh tự học chưa được chú trọng, thầy cô bị áp lực về kết quả giảng dạy, về thi đua, vì thành tích nên làm thay cho học sinh không chỉ trên lớp mà cả ở lớp dạy thêm. Người dạy cốt dạy cái có thi, dạng đề thi, chưa thật sự hướng dẫn cho học sinh cách tự học, cách tự giải quyết vấn đề. Có học thêm thì làm được bài điểm cao, không học thêm làm bài điểm kém hơn vẫn còn là hiện tượng phổ biến.

Do không quản lý được, nhiều nơi dùng cách cấm dạy thêm học thêm. Nơi cho dạy thêm học thêm thì đưa ra thủ tục này, thủ tục kia, ràng buộc này, ràng buộc nọ nhưng rốt cuộc không đủ người để kiểm tra. Không thể cấm dạy thêm, học thêm mà phải làm cho học thêm, dạy thêm không tràn lan.

Thiếu nên mới phải thêm, cho nên đừng để thiếu, đây là nguyên tắc giải quyết vấn đề này. Học trên lớp, trong trường đã đủ thì bớt học thêm. Muốn dạy đủ, dạy tốt thì đừng đưa nội dung quá nhiều. Học gì thì kiểm tra, thi cái đó, theo đúng nội dung và cách đã dạy.

Giáo sư NGUYỄN MINH THUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên