08/04/2012 17:13 GMT+7

Dạy thêm, học thêm: "tham nhũng" trong giáo dục?

TRỊNH TOÀN
TRỊNH TOÀN

TTO - Là giáo viên, tôi hiểu vai trò của dạy thêm phổ biến trong bối cảnh điều kiện học tập của các thế hệ học sinh ở nước ta còn có khoảng cách, có sự chênh lệch nhất định hiện nay.

Dạy thêm, học thêm - nhìn từ hai phía

CtgnznfM.jpgPhóng to
Một điểm dạy thêm ở Q.5, TP.HCM - Ảnh: TTO

Tôi cũng thấu hiểu tình cảnh khi người giáo viên được trả đồng lương thấp so với công sức đầu tư cho sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, tôi phản đối “dạy thêm - học thêm”.

Bản chất của việc “dạy thêm - học thêm” này là “tham nhũng” trong lĩnh vực giáo dục. Điều đó thể hiện ở chỗ: (1) Anh có trách nhiệm truyền đạt kiến thức (vốn quý mà xã hội giao phó cho anh) nhưng anh lợi dụng nó để chuyển hóa thành lợi ích vật chất cho mình. (2) Khi có những người không chấp nhận trả lợi ích vật chất cho anh để nhận được kiến thức (mà đúng lý ra họ phải được nhận với tư cách người học), anh gây khó khăn cho họ, thậm chí đẩy họ ra bên lề tiến trình dạy học, buộc họ phải chấp nhận trả lợi ích vật chất bằng mọi cách để nhận được đủ kiến thức cần thiết.

Đọc dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và đào tạo, tôi nhận thấy việc bộ cho phép dạy thêm cũng đồng nghĩa với việc Bộ thừa nhận sự thất bại của mình ở ba vấn đề chính:

(1) Bộ chưa thể lo cho đời sống của giáo viên trong hệ thống nhà trường do mình quản lý, nên đã đưa họ vào thế phải “kiếm thêm thu nhập”, thậm chí có trường hợp là ngay trên hệ thống cơ sở vật chất do chính mình đầu tư và quản lý;

(2) Bộ không thể tinh gọn nội dung dạy học để giáo viên có thể chuyển tải nội dung dạy học chỉ trong giờ dạy chính khóa, nên đành phải chấp nhận việc giáo viên tiếp tục dạy thêm những nội dung mà đúng ra theo chương trình thì đã được dạy hết trong giờ chính khóa;

(3) Bộ không thể quản lý được hoạt động dạy học của các giáo viên trong hệ thống nhà trường do mình quản lý, nhất là về nội dung và chất lượng của hoạt động dạy học, nên đành phải chấp nhận việc giáo viên được tiếp tục bổ sung nội dung, củng cố chất lượng dạy học bằng việc dạy thêm.

Một số người có thể nói một cách văn vẻ rằng “Tôi chỉ bán sức lao động của mình ngoài giờ thôi mà”, nhưng thật ra họ đang sử dụng thiên chức của mình để trục lợi. Điều này có thể đem so sánh với hình ảnh sau: người mẹ sinh con ra, sau đó không cho nó bú và bảo “Nếu con không có tiền thì mẹ đành chịu, không đủ sữa đâu con à!”; người bố bảo: “Con đưa bố tiền đi, bố sẽ dạy con thành người, không thì bố phải kiếm tiền mà sống, con cứ cố thành người theo cách của con nhé!”.

Hậu quả: (1) Nhanh chóng tiếp cận với tri thức, được hỗ trợ đầy đủ để phát triển toàn diện = mất một số lợi ích vật chất đáng kể (có thể là đánh đổi bằng máu, nước mắt và sức khỏe của phụ huynh học sinh); (2) Tự mày mò, học hỏi bằng kinh nghiệm, thiếu phương pháp, thiếu định hướng, thiếu phương tiện, tài liệu, dụng cụ học tập. Lối rẽ thứ hai sẽ vẫn cho ra những con người xuất chúng (thậm chí nhiều người xuất chúng hơn con đường thứ nhất), nhưng bộ phận lớn người dân bị bần cùng hóa từ từ và lâu dài vì mất khả năng tiếp nhận tri thức, mục tiêu xây dựng nền kinh tế tri thức trở nên xa vời.

Lối rẽ thứ nhất có thể cho ra nhiều con người được đào tạo tốt hơn, nhưng sẽ khiến cho việc học trở thành gánh nặng về kinh tế.

Ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, người làm nghề giáo bỏ mọi công sức ra để dạy dỗ các thế hệ học sinh, thậm chỉ cả tiền, của để có phương tiện học tập, cái ăn cái mặc cho học sinh. Chỉ có ở đô thị, những nơi điều kiện kinh tế phát triển đi kèm với các nhu cầu vật chất (cả chính đáng và không chính đáng) tăng cao và sự bất hợp lý đến không tưởng giữa lương giáo viên và giá cả thị trường, “vấn nạn” này mới diễn biến phức tạp.

Đó là bởi vì nếu không kiếm thu nhập từ dạy thêm, đồng lương của giáo viên chỉ cho phép họ “thở thoi thóp” trong cơn bão giá của đô thị như hiện nay.

Bên cạnh đó, “vấn nạn” dạy thêm - học thêm chủ yếu tập trung vào một số bộ môn nhất định.

Vậy giải pháp ở đây là gì? Ngăn cấm người làm nghề giáo dạy nhiều hơn xã hội quy định là trái quy luật, vì người lao động có quyền làm theo năng lực, họ được quyền (và lý tưởng hơn là có nghĩa vụ) làm việc hết năng lực của mình để cống hiến cho xã hội. Điều cần ngăn cấm ở đây là người làm nghề giáo lấy việc dạy thêm để trục lợi.

Theo tôi, chỉ có một cách và cách này bao gồm hai bộ phận: (1) Làm cho người làm nghề giáo sống được với nghề và (2) Làm cho việc dạy thêm không tăng thêm thu nhập cho người làm nghề giáo. Nếu người làm nghề giáo sống được với nghề (chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ nghề nghiệp của mình là đủ sống - có nhà ở, có cơm ăn, có áo mặc, con cái được học hành, người phụ thuộc được chăm sóc, đời sống tinh thần được chăm lo, có điều kiện học tập, trau dồi kiến thức và kỹ năng để nâng cao trình độ và năng lực làm nghề) thì họ chẳng phải quan tâm gì đến việc cải thiện thu nhập.

Nếu việc dạy thêm không tăng thêm thu nhập cho người làm nghề giáo (dạy thêm không được thu phí) thì người làm nghề chỉ dạy thêm khi họ thấy việc dạy thêm làm cho nghề nghiệp của họ thăng tiến hay giúp họ cống hiến nhiều hơn cho xã hội, tương xứng hơn với chế độ đãi ngộ mà xã hội đã dành cho họ.

Nghề giáo là một nghề cao quý, xin hãy tạo điều kiện để những người làm nghề giáo tu dưỡng bản thân mình cho xứng đáng với sự cao quý ấy.

Học để chiếm lĩnh tri thức và làm nên nhân cách là tốt! Một đất nước có nhiều người học tập là đất nước phát triển. Học thêm, học sinh có quyền chọn thầy, người dạy thêm được chứng tỏ họ có uy tín. Thầy giáo làm điều xấu, ngược với đạo đức ở đời thì không phải thầy giáo. Hãy học tập để có kiến thức cho bản thân và xây dựng đất nước.

Hiện nay chuyện dạy thêm - học thêm không còn lạ lẫm với giáo dục nước nhà. Có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này với sự khen, chê khác nhau. Trên thực tế đã xuất hiện tình trạng dạy thêm đi trước chương trình chính khóa dẫn đến hiện tượng học sinh lười nhác khi học trên trường.

Nhiều thầy cô chỉ chú trọng dạy thêm mà xao nhãng việc giảng dạy trên trường lớp. Ngoài ra, việc các em học sinh ồ ạt đua nhau đi học thêm, học tăng ca khiến việc học càng trở nên nặng nề. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta phủ định những ích lợi mà dạy thêm - học thêm mang lại cho giáo viên và học sinh.

Theo tôi, cần nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện và có những biện pháp cần thiết để dạy thêm - học thêm đi đúng hướng. Có thể nói việc dạy thêm - học thêm xuất phát từ nhu cầu thực tế của học sinh. Hiện nay, chương trình quá tải khiến thời gian trên lớp không đủ để học sinh lĩnh hội đầy đủ kiến thức. Do đó các em cần học thêm để bổ sung, củng cố thêm kiến thức, rèn luyện kỹ năng.

Ngoài ra, nhiều học sinh chọn việc học thêm nhằm nắm vững và nâng cao kiến thức chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Nhiều học sinh yếu, kém cũng chọn việc học thêm để có điều kiện được giáo viên kèm cặp, giúp các em tiến bộ hơn. Có thể nói ngoài chương trình chính khóa trên trường thì việc dạy thêm đã bổ sung kiến thức cho học sinh.

Đối với giáo viên, dạy thêm cũng là một công việc để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống khi lương giáo viên đang ở mức thấp. Đây cũng là công việc giúp giáo viên nâng cao kỹ năng, đồng thời có cơ hội gần gũi học sinh, giúp đỡ những em có học lực yếu, kém. Được biết, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành nhiều quy chế về vấn đề này nhằm giải quyết tình trạng dạy thêm - học thêm tràn lan hiện nay.

Thiết nghĩ, nếu được tổ chức đúng mục đích và quản lý chặt chẽ thì việc dạy thêm - học thêm sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho cả người dạy và người học. Trong đó, học sinh cần lựa chọn việc học thêm sao cho hợp lý nhất, thiết thực nhất và có đủ thời gian cho việc học chính khóa. Giáo viên cần phân định rõ ràng công việc giảng dạy trên lớp và việc dạy thêm.

Và quan trọng hơn, chương trình giáo dục cần được giảm tải, nhà trường cần tăng cường công tác bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh.

Tôi nghĩ thực trạng dạy thêm hiện nay rất khó thay đổi bởi đôi bên đều có nhu cầu, bên phụ huynh thì không có thời gian dạy con học còn bên giáo viên ngoài đồng lương ít ỏi họ cũng cần có thu nhập thêm.

Theo tôi, nên tổ chức dạy thêm nhưng ở ngay tại trường học của các em, thời gian học của các em sẽ tăng thêm, phụ huynh không sợ con đi chơi, giáo viên cũng có khoản thu nhập thêm. Các em sẽ học hai buổi, một buổi 4 tiết chứ không như 5 tiết sẽ làm các em mệt mỏi, không thích học sẽ không tiếp thu được bài giảng.

Tôi thấy nên tăng lương cao cho đội ngũ giáo viên và tuyệt đối cấm dạy thêm và học thêm vì các em học ở trường đã nhiều rồi.

Những tiết chuẩn mà các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã tính toán với tuổi nào thì học bao nhiêu tiết trong một tuần, nay bao nhiêu thầy cô mở dạy thêm - học thêm đủ thứ khiến các em giống như là cái máy học tập, nhiều khi áp lực học tập đè nặng lên các em quá mức, làm cho các em không có thời gian vui chơi, giải trí.

Đề nghị Bộ GD-ĐT và Chính phủ xem xét kỹ vấn đề dạy thêm - học thêm tràn lan của nước ta hiện nay để có hướng điều chỉnh cho đúng.

Dạy thêm là một tệ nạn - điều này theo tôi là sai thực tế. Vì nhu cầu học của chính bản thân mỗi người là khác nhau, có em muốn mình giỏi hơn nên tìm thầy cô để dạy kèm, Có em thì học yếu muốn đạt được thành tích tốt hơn nên cũng cần thầy cô dạy kèm để có sự tiến bộ như bạn bè trong lớp.

Chương trình dạy thì rất nhiều môn, kể cả các khối học sinh học quá tải không thể nào cùng lúc học giỏi tất cả được. Nói theo quy luật tự nhiên thì nơi nào có cầu thì phải có cung đó là chuyện bình thường.

Theo tôi, khuyến khích người học và người dạy để cùng phát triển là tốt hơn cấm chỗ này chỗ kia rồi đâu đó lại xảy ra "dạy chui"...

Là một phụ huynh, tôi nghĩ rằng việc các thầy cô giáo tổ chức dạy thêm là nhu cầu của xã hội, nhu cầu của các bậc phụ huynh.

Chúng tôi bận công việc không có thời gian trông nom, kèm cặp con học vậy thì chúng tôi phải gửi con cho cô giáo. Việc dạy thêm của giáo viên là một việc làm lương thiện, trong sạch.

Với đồng lương ít ỏi của giáo viên hiện nay nếu không có việc làm kiếm thiêm thu nhập thì làm sao đủ sống, đủ nuôi con ăn học. Việc một số giáo viên gây khó khăn cho học sinh không đi học thêm tôi nghĩ chỉ là số rất ít ỏi.

Tôi nghĩ rằng nếu cấp nhiều kinh phí cho giáo dục, tạo ra những trường học tiên tiến như các nước trên thế giới, nâng lương cao cho giáo viên để họ đủ sống thì sẽ không có việc phụ huynh phải tìm đến gửi con cho giáo viên, vậy là không có việc dạy thêm.

TRỊNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên