Người lớn có thể hướng con trẻ đến việc sống sẻ chia và quan tâm đến mọi người xung quanh, nhất là những người còn khó khăn. Trong ảnh: một bạn học sinh lớp 4 đang phụ soạn quà tặng năm học mới cho các bạn nhỏ vùng xa - Ảnh: KHẢ LINH
Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện này ở khía cạnh gia đình, một số phụ huynh bày tỏ những gì bạn trẻ thể hiện thường được "gầy dựng" từ lối sống của gia đình, cách nghĩ của cha mẹ.
Lo con chỉ chạy theo "tấm áo"
Anh Quốc Dũng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng: "Đời sống kinh tế ngày một phát triển, đa số các gia đình đều có một hoặc hai đứa con nên chăm con rất đầy đủ, đến cả dư thừa".
Ngay như con mình, anh Dũng cũng tự thấy nhiều lúc quá chiều con dù nhiều khi không muốn đáp ứng, nhưng có "nỗi sợ" vô hình là con mình sẽ tủi thân, rồi suy nghĩ tiêu cực nên cứ thế đáp ứng.
Cùng mang nỗi lo con cứ mải lo chăm chút bên ngoài mà tâm hồn trống rỗng, chị Thủy (Hà Nội) chia sẻ nếu con trẻ ít va chạm với cuộc sống, có thể dễ bị vô cảm với khó khăn của người khác, chỉ biết nhìn lên để đòi hỏi được như người khác trong khi không làm gì để đạt điều mình muốn.
Theo một phụ huynh khác là anh Hoàng Đạt (Đà Nẵng), con trẻ còn chịu sự tác động từ nhà trường, gia đình và xã hội. Và khi xã hội đã mở rộng tối đa trên "không gian mạng", chỉ cần một động tĩnh trên đó, với trào lưu này, trào lưu khác là con em mình có thể bị lôi kéo theo.
Riêng chuyện thích thể hiện thì tuổi mới lớn dễ "cả thèm chóng chán", anh Đạt cho rằng phụ huynh cần nói cho con hiểu đâu là giá trị lâu bền và đâu chỉ là bề ngoài chóng qua, chóng quên...
Học yêu thương người xung quanh
Sống tốt với thực tế của chính mình có phải là một "bản năng" của các bạn trẻ, tự nhiên mà có hay còn cần sự đồng hành của cha mẹ? Một bà mẹ ngoài 40 tuổi ở Quảng Nam, có kinh nghiệm giúp con thay đổi "tâm tánh đua đòi" cho biết "chìa khóa" còn nằm trong tay cha mẹ.
"Để trẻ tiếp xúc thật nhiều với người xung quanh. Cần những bữa cơm gia đình để trò chuyện cùng nhau, nhìn nét mặt nhau và lắng nghe niềm vui nỗi buồn của nhau", chị chia sẻ.
Theo bà mẹ này, sai lầm của phụ huynh là đáp ứng vô điều kiện mọi đòi hỏi của con và cho rằng đó là thương. Sai lầm nữa, theo chị, chính là đã cho con cái "sống ảo" từ quá sớm.
Nhờ kéo con mình ra khỏi không gian mạng xô bồ, dắt con vào đời sống thực bằng những trò chuyện, chăm sóc, mỗi ngày một ít, con chị đã tìm thấy niềm vui từ đời sống bình dị của mẹ: làm việc và giúp đỡ người khác, tiết kiệm khi dùng gì đó cho mình và rộng rãi hơn khi dang tay chia sẻ.
Nói về việc tạo cho người trẻ thói quen tiết kiệm, cô Chân Thiện Nhật (tác giả cuốn sách kỹ năng sống An nhiên như nắng) bày tỏ với chúng tôi: "Dạy con tiết kiệm ngay từ nhỏ, mỗi ngày là cách giúp trẻ thoát khỏi ám ảnh về việc phải tiêu xài cho bản thân thì mới có giá trị".
Tuy nhiên, cô cũng lưu ý phụ huynh nên khéo léo, chớ nhồi nhét quá nhiều về việc phải tiết kiệm thế này thế kia vì như thế, vô tình làm cho trẻ cảm thấy mình là gánh nặng kinh tế của ba mẹ.
"Tuy tiết kiệm nhưng với việc đáng chi tiêu thì cũng nên chi tiêu như đầu tư học hành, sức khỏe của con", cô Chân Thiện Nhật nói.
Còn TS Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia (TP.HCM), cho rằng trẻ tiêu thụ hàng hiệu do nhiều lý do, trong đó nguyên nhân từ cha mẹ là lớn nhất.
TS Thúy phân tích: "Có thể cha mẹ có điều kiện đã mua đồ hiệu cho trẻ và cũng như cho chính mình hoặc nhận xét giá trị người khác qua hàng hiệu... Cũng có thể do cha mẹ bận rộn và dùng tiền "bù" cho con để không cảm thấy ngại khi ít quan tâm đến con".
Theo TS Phạm Thị Thúy, phụ huynh có điều kiện cho con mua hàng hiệu không sai, nhưng nguy cơ con quen sống trong nhung lụa khi bước ra đời hay khi cha mẹ sa cơ lỡ vận con sẽ khó thích nghi với sự khó khăn, từ đó dễ nản chí hoặc túng làm liều...
Nói thêm về những "nguy hiểm" của việc cho người trẻ sống xa hoa, TS Thúy cho rằng khi trẻ không biết quý trọng tiền, không biết lao động kiếm tiền sẽ dễ có lối sống chỉ biết ích kỷ, tiêu thỏa thích... Vì vậy, cha mẹ cần làm gương trong mọi hoạt động liên quan tiền, tập sống giản dị, chỉ diện khi cần thiết.
Giúp con hiểu giá trị bản thân
TS Phạm Thị Thúy (trái) và PGS.TS xã hội học Mai Quỳnh Nam
* TS PHẠM THỊ THÚY:
Theo tôi, cha mẹ dạy con cách tiêu tiền, kiếm tiền và cách tiết kiệm tiền. Và cần dạy cả cách cho đi - giúp đỡ những người khó khăn... Đặc biệt cha mẹ cần giúp con hiểu giá trị bản thân: không phải ở bề ngoài mà ở vẻ đẹp bên trong!
Cụ thể, hãy khen con nhiều hơn những nét đẹp trong hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ không đánh giá ai qua vẻ bề ngoài. Đồng thời hướng dẫn con làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo khó.
* PGS.TS xã hội học MAI QUỲNH NAM (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam):
Một chiếc điện thoại được quảng cáo hướng tới các bạn trẻ không phải chỉ là phương tiện liên lạc nữa mà là "dế yêu".
Quần áo, son phấn... cũng đều tiếp cận giới trẻ theo cách đó, thì thật khó ngăn giới trẻ chạy theo, đua đòi theo thời trang thời thượng và gắn giá trị của mình vào giá trị của những thứ trang sức bên ngoài...
Muốn con có hành vi tiêu dùng tốt thì cha mẹ phải trang bị cho con những quan điểm đúng đắn về giá trị của bản thân.
Và để xây dựng được các giá trị "thật" (giá trị tích cực) cho con cái, cha mẹ phải là tấm gương về các giá trị thật đối với các con. Thường, con cái tôn thờ những giá trị mà cha mẹ của chúng đề cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận