Yêu môn sử: phải thay đổi cách dạy, cách họcĐừng để học sinh quay lưng với môn sử
* ThS Lê Thị Sông Hương (Viện Khoa học giáo dục VN):
Thay đổi thi cử sẽ không còn dạy, học đối phó
Việc kiểm tra, thi cử hiện nay vẫn chưa thay đổi nên đa số giáo viên cho rằng dạy học theo lối cũ không ảnh hưởng tới kết quả học tập của học sinh. Cũng từ việc kiểm tra, thi cử chưa thay đổi dẫn đến định hướng học tập của học sinh vẫn theo lối khoa cử, học thuộc lòng, chưa khuyến khích cách học thông minh, sáng tạo. Bởi vậy cần có giải pháp đồng bộ về đổi mới ở tất cả các khâu của quá trình giáo dục: mục tiêu, nội dung chương trình - sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Trong đó kiểm tra đánh giá có thể đi trước vì nó ảnh hưởng vô cùng đến phương pháp dạy và học.
* TS Nguyễn Thị Bích (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội):
Hãy giải tỏa áp lực điểm số
Trong kiểm tra đánh giá nói chung ở trường phổ thông và môn lịch sử nói riêng, phần lớn giáo viên vẫn chú trọng đánh giá bằng điểm số để xếp loại học sinh, làm áp lực điểm số chi phối mạnh tới thầy - trò - phụ huynh, dẫn tới bệnh thành tích và quá tải trong dạy học ở nhà trường phổ thông. Với cách “chú trọng điểm số”, các trường chưa đánh giá được thực chất việc dạy học cũng như nhận thức của học sinh. Điều này có thể giải thích cho việc điểm số môn lịch sử của nhiều học sinh ghi trong học bạ cũng như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT rất cao nhưng hiểu biết về môn lịch sử còn hạn chế, điển hình là có kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ xuất hiện hàng ngàn điểm 0.
* PGS.TS Hà Minh Hồng (khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM):
Phải nhận thấy trách nhiệm của mình
Một thầy giáo giỏi không chỉ dạy đủ giờ, đảm bảo chương trình mà đòi hỏi phải biết tìm tòi, sáng tạo trong cách giảng dạy để tạo cảm hứng cho học trò. Thực tế cho thấy nhiều giáo viên, nhất là giáo viên các môn khoa học xã hội, chưa làm được việc này khiến học sinh chán ngán môn học. Trên thực tế vẫn có những giáo viên giỏi, sáng tạo trong giảng dạy được học trò yêu thích. Tuy nhiên có quá ít giáo viên như vậy. Trách nhiệm của ngành giáo dục phải làm sao mỗi môn học phải có giáo viên giỏi.
Hiện nay việc kiến tập sư phạm vẫn còn nặng tính hình thức. Lẽ ra phải chọn được những giáo viên giỏi, có nhiều sáng kiến để giáo sinh sư phạm đến kiến tập, từ đó học tập được kinh nghiệm giảng dạy. Hiện đội ngũ giáo viên trẻ còn thiếu nhiều kỹ năng đứng lớp, giảng dạy. Nên chăng tăng thêm thời gian trong đào tạo để có thêm cơ hội tiếp cận học hỏi kinh nghiệm từ các giáo viên giỏi trong quá trình kiến tập.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần tăng khả năng tự nghiên cứu, phải có kiến thức khoa học cơ bản. Có như vậy người thầy mới bứt khỏi lối dạy truyền thụ để chuyển sang làm công việc tổ chức quá trình tự học của người học, mới có khả năng phát triển năng lực cho người học và vận hành một chương trình theo hướng tích hợp, phân hóa...
* Thái Lập Banh (cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM):
Kiến thức quá xa lạ với cuộc sống
Tôi từng trải qua các kỳ thi quan trọng của cuộc đời như thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng nên tôi hiểu tâm lý các em lớp 12 bây giờ. Thật sự, chúng tôi cảm thấy việc học hành, thi cử rất nặng nề và áp lực. Kiến thức chúng tôi được học quá nhiều lý thuyết và xa lạ với cuộc sống của chúng tôi.
Tôi mong nội dung sách giáo khoa sẽ thay đổi theo hướng: nội dung các bài học gần gũi với cuộc sống, tăng tính ứng dụng của kiến thức, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học trò. Tôi cũng mong các thầy cô giáo chăm chút hơn cho tiết dạy của mình, phương pháp giảng dạy hấp dẫn hơn để chúng tôi yêu thích tất cả các môn học chứ không phải thích môn này, ghét môn kia. Bên cạnh đó đề thi cũng cần phải thay đổi: nên cho những câu hỏi nhằm kiểm tra xem thí sinh có hiểu bài hay không chứ không nên kiểm tra thí sinh có học bài không, tăng cường những câu hỏi kiểm tra trình độ tư duy của thí sinh sẽ giảm bớt áp lực “gạo” bài của học sinh.
* Nguyễn Hữu Q. (HS một trường tư thục tại quận Tân Phú, TP.HCM):
Xin thử làm HS một ngày
HS trường tư thục suốt ngày chỉ biết học và học. Chúng em phải ôm cuốn đề cương cả trăm trang, học đến bao giờ thuộc làu mới được nghỉ. Học xong thi xong hầu như không ai nhớ những kiến thức đã học nữa. Từ sáng đến khuya cứ phải ôm tài liệu để học thuộc lòng trong khi không có chút hứng thú nào mà do bị ép buộc thì thật kinh khủng. Như vậy học không phải do sở thích, do thấy có lợi hay do muốn có thêm kiến thức mà học để vượt qua các kỳ thi, đạt được nguyện vọng của cha mẹ và thầy cô là đậu tốt nghiệp, đậu ĐH. Em mong các nhà biên soạn chương trình hãy thử làm học sinh một ngày để hiểu được cảm giác đó. Nếu được thay đổi, em mong chương trình giảm bớt các môn học và tăng thời gian ngoại khóa, cho phép HS được chọn những môn học mình yêu thích.
* Quỳnh Tr. (HS lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM):
Nhiều lúc nghẹt thở
Em thấy hiện nay chúng em phải học quá nhiều môn và môn nào cũng nặng nề, cũng đòi hỏi rất cao khiến HS nhiều lúc như nghẹt thở. Thời gian học ngắn mà khối lượng kiến thức thì quá dài và quá chuyên sâu, chỉ học xong lý thuyết đã hết thời gian lấy đâu thực hành, ứng dụng, khám phá thêm. Có những phương trình, những bài tập nặng nề, làm chỉ để kiểm tra, lấy điểm. Nhiều lúc ngồi trong lớp học mà không biết mình đang học gì. Đến lúc sắp thi thì photo cuốn đề cương rồi học thuộc lòng. Theo em, sách giáo khoa cần cô đọng các bài học và giảm bớt những kiến thức quá chuyên sâu, không cần thiết và sau này chúng em cũng không sử dụng.
Phóng to |
Bảng tên đường tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, Quảng Trị - Ảnh: Quốc Nam |
Dạy lịch sử qua bảng tên đường
Đó là cách làm mà UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã triển khai từ đầu năm nay ở thị trấn Cam Lộ. Dưới mỗi bảng tên đường là những thông tin tóm tắt về nhân vật, sự kiện dùng đặt tên để người dân biết rõ hơn về lịch sử của quê hương, đất nước. Tên đường ở đây là nhân vật, sự kiện gắn liền với địa phương, như: Chế Lan Viên, Bùi Dục Tài, Cần Vương... Ông Nguyễn Thanh Trung, cán bộ hưu trí ở khóm 3, thị trấn Cam Lộ, cho biết ông rất vui khi nghe cháu mình đang học lớp 3 kể về những sự kiện như phong trào Cần Vương, ngày giải phóng Cam Lộ, nhờ học từ những bảng tên đường. Đây là nơi đầu tiên trong tỉnh Quảng Trị thực hiện cách đặt tên đường này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận