09/04/2013 11:51 GMT+7

Yêu môn sử: phải thay đổi cách dạy, cách học

TTO
TTO

TTO - Nhiều ý kiến phản hồi góp ý cho việc dạy và học môn sử thêm phần hứng thú, cuốn hút để học sinh không quay lưng với môn sử.

Viết tiếp bài Đừng để học sinh quay lưng với môn lịch sử:

Đừng để học sinh quay lưng với môn sử

gD2pqzul.jpgPhóng to
Gần 10 vạn lượt khách đến tham quan triển lãm các tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa tại Đà Nẵng. Triển lãm các tư liệu có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, do UBND huyện Hoàng Sa, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng và báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng - Ảnh: Đăng Nam

TTO xin trích đăng.

Mê sử nhờ những phim tài liệu

Bản thân tôi khi còn đi học phổ thông cũng không mấy hứng thú với môn lịch sử lắm. Nhưng tôi vẫn hay lên YouTube xem các phim tài liệu về cuộc kháng chiến của dân tộc ta, thậm chí là xem rất nhiều. Khi xem tôi được cảm giác ở gần lịch sử hơn, cảm xúc nhiều hơn. Có những điều mà các em khi còn học phổ thông không được dạy. Tôi nghĩ các nhà biên soạn sách lịch sử cần khách quan hơn, chi tiết hơn, sinh động hơn.

Trần Xuân Lộc (Xuan_loc07@...)

Làm môn học trở nên sinh động

Trước thực trạng học sinh thấy áp lực với môn sử, tôi xin có một vài góp ý nhỏ.

Hãy tăng cường tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ hãy nhớ: Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình chứ không hẳn học để thi...

daotienkhoa@

Về chương trình, mỗi bài học nên xoay vào trọng tâm cô đọng cho dễ nhớ.

Về bài dạy, giáo viên dạy theo sơ đồ tư duy và mô hình. Tùy theo từng bài, có phần minh họa bằng tranh sưu tầm (giáo viên cho học sinh chuẩn bị trước) hay tranh tự vẽ của học sinh.

Sau mỗi chương học nên có 1 buổi triển lãm tranh tự vẽ hay tượng về nhân vật lịch sử mà học sinh sưu tầm được và thi viết lời bình cho tranh.

Về đề kiểm tra và đề thi nên luôn luôn có câu nêu cảm nghĩ của học sinh về một con người, một vị anh hùng mà em yêu quý, một sự kiện mà em tâm đắc (về kế sách, về tính thời sự chẳng hạn...) để các em thực sự khắc sâu, thấm sâu hơn những vấn đề, sự kiện lịch sử.

Khi giờ học khô khan được thu ngắn, dành thêm thời gian cho những hoạt động bổ ích, sinh động... thì môn lịch sử sẽ được các em yêu thích.

LeHuongLien (lehuonglien139@...)

Lửa nghề sẽ nguội trước sự thờ ơ của học sinh

Theo tôi, môn lịch sử không thể diễn tả bằng những câu chuyện. Nếu đơn thuần như vậy thì trở thành văn học mất rồi.

Học sử cũng không chỉ là các con số (mặc dù không có các con số thì không có sự kiện lịch sử) mà còn là nguyên nhân, ý nghĩa, tác động của sự kiện.

Học sử cũng không phải chỉ là để biết quá khứ, mà còn để rèn luyện phương pháp tư duy "lịch sử" trong những hành động hiện tại (luôn biết nhìn nhận các vấn đề của cuộc sống một cách thấu đáo: có căn nguyên, có tác động) và đưa ra những phán đoán cho tương lai...

Chương trình giáo khoa lịch sử phổ thông hiện đã quá ôm đồm rồi, lại gặp tiếp "Chuẩn kiến thức kỹ năng" cắt xén "lịch sử" một cách cơ học, gò người dạy vào một cái khung "chưa lấy gì làm chuẩn", mất hết tính logic của lịch sử và làm thui chột tính sáng tạo của người dạy.

Tất cả bức tranh quá khứ từ cổ chí kim, từ đông đến tây chỉ gói gọn trong 139 tiết cho cả chương trình học THPT (trung bình 1,3 tiết/tuần, trong khi môn toán chương trình cơ bản là 351 tiết, môn ngữ văn chương trình cơ bản là 333 tiết, môn tiếng Anh 315 tiết)... Liệu với quỹ thời gian được phân bổ cho môn lịch sử như vậy, giáo viên có thể làm được gì nhiều hơn các kiến thức cơ bản?

Hơn nữa mặt bằng chung về cơ sở vật chất của các trường phổ thông chưa cho phép các giáo viên có thể giảm bớt thời gian nói - viết bảng để mở rộng, đa dạng hóa kiến thức thông qua các phương tiện dạy học hiện đại...

Nguyên nhân thì vô vàn, nhưng về phía giáo viên tôi nghĩ rằng họ cũng đã cố gắng hết sức, và nếu chưa hết sức chăng nữa thì có thể chính thực trạng này đã làm cho họ không thể và không còn muốn gắng hết sức nữa. Trong đó có 1 phần nằm ở chính học sinh đấy: ghẻ lạnh, thờ ơ với môn học vốn chẳng có chỗ đứng nào trong các khối ngành thời thượng; sự nhiệt tâm, cống hiến của thầy cô dạy sử có cháy rực đến đâu rồi cũng phải lạnh dần theo sự thờ ơ của các học sinh thôi).

H.T.Q.N. (haithanhqn@....)

Học sử qua những câu chuyện kể

Tôi yêu môn lịch sử từ nhỏ qua câu chuyện kể của ông ngoại, của cha. Và khi tôi có con, tôi lại gieo vào tâm hồn con tôi niềm yêu thích ấy. Đi ngang qua những di tích lịch sử, những con đường mang tên danh nhân... tôi kể cho con nghe câu chuyện về những danh nhân, những di tích ấy. Dần dần thành một thói quen, cháu chủ động hỏi tôi về những cái tên cháu chưa biết. Như vậy tôi cũng phải học cùng con. Đến lớp 4 cháu biết tự tìm sách lịch sử để đọc. Nay cháu đã học lớp 6, cháu chủ động tìm tài liệu từ Internet, tổng hợp và đối chiếu với chính sử (Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Nam sử lược). Với con tôi, học lịch sử rất nhẹ nhàng.

Hồng Nga

Sáng kiến cũng như kinh nghiệm của bạn để chính bạn mê môn lịch sử? Theo bạn, có thể áp dụng những hoạt động nào để học sinh không bị chán môn sử trong tình trạng quỹ thời gian dành cho môn sử cũng phải cân đối cùng với các môn học khác? Những câu chuyện mà bạn đã trải nghiệm từ thầy cô giáo, phụ huynh của mình để bạn từ ghét sử chuyển sang mê sử?

Hãy chia sẻ cùng TTO qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn, hoặc bằng phần Phản hồi ngay bên dưới bài viết. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, không CAPSLOCK.

Mời xem thêm:

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên