04/01/2017 10:40 GMT+7

Dấu ấn Lai Châu

TẤN VŨ - VIỆT HÙNG
TẤN VŨ - VIỆT HÙNG

TTO - Đằng sau việc hoàn thành Nhà máy thủy điện Lai Châu (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) vượt tiến độ một năm là những câu chuyện dài của những người đi chinh phục dòng sông.

Lắp đặt rôtô tổ máy phát điện số 1 nặng cả nghìn tấn đảm bảo an toàn, đưa tổ máy số 1 đi vào vận hành trước ba tháng, mang lại nguồn lợi cho nhà máy hàng nghìn tỉ đồng - Ảnh: EVN cung cấp
Lắp đặt rôtô tổ máy phát điện số 1 nặng cả nghìn tấn đảm bảo an toàn, đưa tổ máy số 1 đi vào vận hành trước ba tháng, mang lại nguồn lợi cho nhà máy hàng nghìn tỉ đồng - Ảnh: EVN cung cấp

“Có những thiết bị phức tạp với gần 250.000 chi tiết, nặng hơn 1.000 tấn và đòi hỏi độ chính xác cao. Chúng tôi phải lắp ráp cẩn trọng đúng một năm trời mới hoàn thành.

Những thành phần thay vì nhập ngoại như các thủy điện trước đó thì ở thủy điện Lai Châu, Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ như cửa van, khe van, các hệ thống cẩu, đập tràn xả lũ, cửa lấy nước...

Kỹ sư Vũ Văn Tùng

Biến lòng sông thành đại lộ

Ngược dòng sông Đà những ngày rét mướt, từng đoàn xe hạng nặng ì ạch kéo thiết bị từ xuôi ngược đèo Ô Quy Hồ lên Tây Bắc. Trên công trình thủy điện Lai Châu những ngày cuối năm 2016, những công nhân cuối cùng đang sơn sửa, lau chùi các thiết bị cho ngày khánh thành nhà máy.

Kỹ sư Vũ Văn Tùng, phó trưởng phòng kỹ thuật an toàn (Ban quản lý dự án thủy điện Sơn La, quản lý đầu tư thủy điện Lai Châu), người khăn gói lên thủy điện từ những năm 2007, thở phào:

“Gần sáu năm rồi anh ạ! Chừng ấy năm với hàng vạn con người dãi nắng dầm mưa, ngày đêm trăn trở, dồn hết tâm lực vào đây. Thành quả là công trình về đích trước một năm, phát điện sinh lợi hơn 4.000 tỉ đồng”.

Ông Tùng kể việc đắp đập ngăn sông không khó, nhưng để vận chuyển hơn 37.000 tấn thiết bị, có nhiều thiết bị nặng 300-1.000 tấn từ cảng Hải Phòng lên thượng nguồn sông Đà gần như bế tắc.

Từ các cảng vùng Đông Bắc, để lên Tây Bắc có hai cung đường chính đều dài khoảng 600km tính từ Hà Nội. Nếu đi qua Lào Cai buộc phải vượt đèo Ô Quy Hồ. Còn đi ngả Hòa Bình, Sơn La qua Điện Biên để lên Lai Châu thì vượt đèo Pha Đin.

Hai con đèo nằm trong “tứ đại đèo” nổi tiếng Tây Bắc đều hẹp, hiểm trở, cầu rất yếu nên phương tiện siêu trường, siêu trọng chở các thiết bị nặng gần như không thể vượt qua. Các kỹ sư nhà máy cùng đối tác vận chuyển ngồi lại, bắt đầu nghĩ đến tận dụng dòng sông Đà.

Quyết định biến dòng sông Đà thành “đại lộ” vận chuyển thiết bị nặng là một giải pháp táo bạo với điều kiện: khi mực nước sông Đà dâng cao nhất vào mùa mưa lũ thì việc vận chuyển mới khả thi.

Kỹ sư Nguyễn Văn Hợp, người tham gia vận chuyển thiết bị, kể rằng để đưa một máy biến áp nặng 300 tấn, hoặc cái cần cẩu cả ngàn tấn từ cảng Hải Phòng lên thủy điện Lai Châu phải mất 2-3 tháng trời.

Từ cảng, thiết bị đưa lên các xe siêu trường, siêu trọng kéo vào sông Gấm. Các thiết bị này được cho xuống sà lan kéo ngược sông lên thượng nguồn rồi vận chuyển bằng đường bộ vào đập thủy điện Hòa Bình.

Để vượt hồ Hòa Bình, phải lợi dụng nước hồ dâng cao, các thiết bị này một lần nữa được chuyển xuống sà lan và kéo ngược lên gần hồ thủy điện Sơn La. Từ hồ Sơn La ngược dòng sông Đà, chúng được kéo lên Lai Châu.

Việc kéo các thiết bị hàng trăm tấn ngoài biển không khó vì tàu thủy có các thiết bị đo độ nông sâu nhưng sà lan đi trong lòng hồ thì không thể.

Lòng sông Đà lô nhô ghềnh thác và đá cuội giăng ngang sông, chỉ cần một va chạm sà lan tròng trành thì máy biến áp hàng triệu USD có thể nằm lại đáy sông.

“Để các thiết bị đi trong lòng hồ an toàn, các thuyền nan của ngư dân dày dạn kinh nghiệm nhất được thuê dùng sào để đo độ nông sâu và đi trước dẫn đường.

Các nhà máy thủy điện phải cập nhật mực nước thường xuyên, chỉ cần nước hồ trồi sụt nửa mét thì không thể chuyển thiết bị lên sà lan” - kỹ sư Hợp nhớ lại.

Những chiếc xe siêu trường, siêu trọng với hơn 100 bánh xe cùng sáu đầu máy kéo phải làm việc nhiều ngày đêm liền mới đưa các thiết bị từ lòng hồ về đến nhà máy trong sự thở phào của mọi người.

Kỹ sư Tùng chia sẻ: “Chúng tôi phải cưng như cưng trứng những thiết bị nặng hàng ngàn tấn này, bởi nếu chúng hỏng hóc phải gửi về nước đã sản xuất chúng để sửa chữa, có thể mất hàng năm trời. Chưa kể việc vận chuyển phải chờ đến mùa mưa nên công trình có thể bị lùi một đến vài năm”.

Nhà máy thủy điện Lai Châu tự hào là công trình “thuần Việt” khi gần như các hạng mục đều do kỹ sư, công nhân người Việt đảm trách - Ảnh: V.HÙNG
Nhà máy thủy điện Lai Châu tự hào là công trình “thuần Việt” khi gần như các hạng mục đều do kỹ sư, công nhân người Việt đảm trách - Ảnh: V.HÙNG

Công trình thuần Việt

Đi một vòng thủy điện Lai Châu, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi gặp toàn kỹ sư người Việt. Băng qua con đập chính cao 137m, rộng hơn 600m, ông Tùng bảo rằng ngày trước đây là một ngọn núi cao đầy vắt rừng và muỗi.

Gạo thóc không có, điện đài, giao thông cũng không. Sóng điện thoại duy nhất chỉ có Viettel nhưng hay gặp trục trặc.

“EVN phải mở hơn 30km từ đường chính vào thủy điện để thi công. Con đường mở ra, dân các bản làng vui khấp khởi.

Còn để có điện, ban quản lý quyết định kéo 93km đường dây 110kV từ đèo Pha Đin (tỉnh Điện Biên) vào đây để phục vụ công trường, những ngôi làng xung quanh cũng có điện thắp sáng” - ông Tùng kể.

Thời cao điểm công trường có khoảng 7.000 người nhưng chừng đó họ phải dựng lán trại ở, tắm nước sông, suối, mùa mưa đường sạt lở chia cắt, lương thực thiếu và mọi thứ rất khó khăn. Gà, vịt, heo, rau... người dân trong các bản làng chỉ có để cung cấp vừa đủ nhu cầu của họ nên chẳng ai thiết bán mua với công nhân.

“Thời tiết có lẽ là thứ đe dọa lớn nhất đến công trình, có những đợt mưa dầm dề đến ba tháng trời, mọi thứ như khựng lại. Rồi các mái tôn tạm bợ của ban quản lý bị lốc xoáy cuốn bay sạch, khiến mọi thứ ướt nhẹp. Mình chịu ướt không sao nhưng tài liệu mà ướt thì chết dở nên rất khó khăn” - ông Tùng nhớ lại.

Kỹ sư Vũ Văn Tùng cho rằng công trình Lai Châu mang dấu ấn rất lớn của các kỹ sư Việt Nam, trừ các máy móc, thiết bị nhập ngoại mới cần chuyên gia nước ngoài theo lắp ráp.

“Có những thiết bị phức tạp với gần 250.000 chi tiết, nặng hơn 1.000 tấn và đòi hỏi độ chính xác cao. Chúng tôi phải lắp ráp cẩn trọng đúng một năm trời mới hoàn thành.

Những thành phần thay vì nhập ngoại như các thủy điện trước đó thì ở thủy điện Lai Châu, Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ như cửa van, khe van, các hệ thống cẩu, đập tràn xả lũ, cửa lấy nước...” - ông Tùng nói.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Oai, phó giám đốc ban điều hành Công ty CP lắp máy LILAMA 10, cho biết có thời điểm công ty phải huy động tới 1.200 cán bộ, công nhân chia làm ba ca ngày đêm trên công trường.

Cái khó nhất của nhà máy này là đường ống áp lực quá lớn, đường kính 10,5m, độ dốc lớn nên thi công khó khăn, nhưng công nghệ thực hiện hoàn toàn do Việt Nam đảm nhiệm.

Chính vì vậy, có thể coi Nhà máy thủy điện Lai Châu là một công trình thuần Việt, và đó cũng là dấu ấn lớn nhất được tạo ra trong lịch sử thi công các nhà máy thủy điện ở Việt Nam.

Để công trình hoàn thành sớm, làm lợi hàng ngàn tỉ đồng, phải kể đến sự quyết đoán của Chính phủ trong việc cho phép chỉ định thầu các khâu với đối tác quốc tế và trong nước.

Việc chỉ định thầu này là có cơ sở bởi các đơn vị xây dựng thủy điện Lai Châu cũng là những người vừa làm xong thủy điện Sơn La.

Những LILAMA 10, Tổng công ty Sông Đà, LICOGI hay Viện thủy công HPI (Nga), AFC (Thụy Sĩ), Fichtner (Đức) là những đối tác như vậy.

Các kỳ trước

>> Kỳ 1: Thợ truyền tải Đắk Nông

>> Kỳ 2: Treo mình dưới giá tuyết sửa đường dây điện đóng đầy băng đá 

>> Kỳ 3: Cấp điện cho các đảo Tây Nam

TẤN VŨ - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên