27/07/2011 13:53 GMT+7

Đất thiêng

TRẦN ĐĂNG TUẤN
TRẦN ĐĂNG TUẤN

TT - Tất cả đều rõ mồn một như mới hôm qua: khi ấy tôi 10 tuổi, đi sơ tán, học lớp 3. Buổi trưa đi học về thấy một người mặc quần áo bộ đội ngồi nói chuyện với mẹ. Chú Tân! Người rất yêu quý hai anh em chúng tôi, và là người, chẳng hiểu sao, tôi yêu quý nhất trong dòng họ.

8IsczgRb.jpgPhóng to

Tác giả bên một ngôi mộ không tên được quy tập từ Cô Tô, ở nghĩa trang liệt sĩ Tri Tôn

Rồi chú cất quyển sổ vào balô, vỗ vai chúng tôi, chào mẹ tôi. Chúng tôi cùng mẹ đi ra ngõ, nhìn theo đến khi chú khuất sau rặng cây. Đó là tháng 10-1967, chú nghỉ phép mười ngày trước khi đi Nam.

Khi viết những dòng này, trước mặt tôi là những bức thư chú viết 44 năm trước, trên đường hành quân đi B. Ngày 3-12, qua Nông Cống tỉnh Thanh, chú viết rằng nếu thấy sách Kim Đồng hay văn học phù hợp thì mua cho tôi, vì chú biết tôi rất mê đọc sách. Lá thư cuối viết trên đất Quảng Bình đề ngày 29-12-1967.

Trong thư chú bảo hai anh em chúng tôi hãy ăn nhiều, chóng lớn, còn chú sẽ cùng đồng đội cố gắng giải phóng miền Nam để hai thằng cháu không phải khoác balô đi đánh trận mà được về thành phố học hành. Và từ đó không một tin tức gì từ chú, cho đến năm 1974, tờ giấy báo tử ghi tên chú “hi sinh tại chiến trường phía Nam”.

Miền Nam khi đó với những người có người thân hi sinh vừa rất thiêng liêng vừa xa xôi, bao la, không mường tượng được. Trưởng thành, lại làm báo, tôi đã đi hầu hết các vùng đất phía Nam nhưng không hình dung được chú nằm lại nơi nào. Cho đến đầu tháng 7 này, tức chỉ hai tuần trước, qua một cựu chiến binh cùng tiểu đoàn của chú, chúng tôi mới biết chú hi sinh ở núi Tô thuộc vùng Bảy Núi của An Giang.

Tôi vào ngay, không thể chờ hướng dẫn, tìm luôn về núi Cô Tô. Dĩ nhiên, tôi không thể nghĩ chuyện tìm ra mộ chú. Trong tôi chỉ một khao khát không thể trì hoãn là được nhìn ngay ngọn núi ấy. Và khi nhìn thấy dãy núi, trong tôi tràn đầy cảm giác xót xa nhưng ấm áp. “Chiến trường phía Nam“ được ghi trong tờ giấy báo tử nay hiển hiện thành một vùng đất trước mặt, mới đến đã thành gần gũi.

Chân tôi lội trong bùn ruộng chân núi, mắt tôi nhìn những gộp đá lưng núi, tôi cảm nhận tôi đang rất gần chú, một cảm nhận rõ ràng như thể giơ tay ra là chạm vào được cái quyển sổ con con mà tôi đã ký vào. Thật may mắn, ở đâu tôi cũng được mọi người, nhất là các anh bên quân đội, giúp đỡ.

Tôi đã được lục tìm trong kho lưu trữ những báo cáo viết tay thời chiến tranh thống kê tên các liệt sĩ qua từng trận đánh ở các đơn vị. Tôi run lên khi nhìn thấy trong bạt ngàn các trang giấy được viết tay bằng bút mực cách đây 40 năm, nay vẫn rõ từng nét, một dòng ghi chính xác đến từng chi tiết về chú Tân. B phó C3 D1 E44. Dòng cuối ghi chú hi sinh ngày

12-8-1973 trong khi chặn địch lấn vào cứ. Những cựu chiến binh cùng đơn vị nói rằng chú tôi viết chữ đẹp nên có thời gian được giao làm văn thư D bộ. Chú là người phải chép tên đồng đội hi sinh sau mỗi trận đánh sao cho rõ ràng, rành mạch nhất để lưu lại. Và ai đó cũng đã viết rất cẩn thận tên chú trong danh sách hi sinh này để bây giờ tôi được đọc. Đồng đội của chú còn kể: ở núi Tô, đây là trận chiến cuối. Sau đó vùng núi Tô khá bình yên đến khi giải phóng. Vậy là chú Tân đã đi gần hết cuộc chiến tranh. Một chút nữa thôi, có thể chú đã có mặt trong số người lính trở về nhà!

Không thể tưởng tượng được là bằng ấy năm, bao nhiêu lần vào An Giang, thân quen không ít người, đến bao di tích: đền Thoại Ngọc Hầu, Bà Chúa Xứ, kênh Vĩnh Tế... mà đến nay tôi mới biết Cô Tô - Phụng Hoàng Sơn, mới biết đến những cái tên như Tức Dụp, nơi đã diễn ra trận chiến mà chắc chắn không một đạo diễn phim chiến tranh nào, dù giàu tưởng tượng đến đâu, có thể hình dung nổi.

Chỉ vài ngày, gặp nhiều đồng đội của chú tôi, có người từng sống và chiến đấu bên chú, chứng kiến chú hi sinh, tôi hình dung rõ ràng dãy núi này 40 năm trước. Bom và pháo, chất độc hóa học, lửa xăng khiến núi sừng sững cháy đen không một ngọn cỏ. Bộ đội ta chốt trong các hang động. Kẻ thù ngay trên đỉnh núi và ngay ở đỉnh đồi trước mặt, nhìn thấy nhau hằng ngày.

Khi giặc điên cuồng, chúng đánh chặn đến mức bộ đội không thoát nổi ra ngoài lấy gạo. Khi ta mạnh, ta hành quân ngang đồn, giặc không dám ho he. Cứ như thế năm này qua năm khác, một thế trận cài răng lược, khốc liệt và lạ lùng.

Có biết bao nhiêu những cuộc chiến ác liệt đến tận cùng như thế diễn ra trên đất nước này. Dẫu thành tâm, ta cũng chỉ biết, chỉ hiểu được một phần. Sau cuộc chiến tranh ghê gớm, hầu như mọi chỗ trên đất nước này máu làm cho đất hóa linh thiêng. Chỉ có điều chúng ta, nhất là con cháu sau này, có biết và có nhớ hết hay không?

Trước khi biết đến đồi Tức Dụp, núi Cô Tô, núi Dài, núi Cấm... tôi cũng đã đến ngã ba Đồng Lộc, thành cổ Quảng Trị, Vĩnh Mốc, Củ Chi... Sự ác liệt của chiến tranh không thể tả bằng lời. Khi lớn lên, tôi hiểu rằng những người lính như chú tôi khi rời miền Bắc vào Nam, họ chưa hề là những chiến binh được đào luyện kỹ càng. Họ bước vào lò lửa chiến tranh với sự trong sáng, lãng mạn, non trẻ của tuổi đôi mươi.

Giờ đây tôi tin rằng sự trong sáng và lãng mạn đó không hề mỏng manh, nó là sức mạnh chiến thắng cái dữ dằn. Sức mạnh ấy chỉ có được khi họ ra đi từ mái trường trong veo, một vùng quê hay thành phố trong sạch, một quê hương đâu cũng ấm áp tình người. Không ai muốn dân tộc này lại phải đương đầu với những điều khắc nghiệt như cuộc chiến tranh xưa.

Nhưng nếu những nguy cơ đó vẫn còn thì chúng ta đừng quên: một mái trường, một góc phố, một làng thôn... nơi có thể sống trong công bằng, tử tế - đó là nguồn gốc của sức mạnh quốc phòng. Và nếu như chúng ta không biết xây dựng một xã hội trong sạch trong thời bình có nghĩa là chúng ta sẽ khó có sức mạnh lúc nguy nan. Chắc giờ đây trong lòng nhiều người, đó là niềm canh cánh, nỗi âu lo, những âu lo khác dẫu lớn đến đâu cũng không thể sánh bằng.

Người ông là thân sinh của chú chưa bao giờ tin chú đã hi sinh. Hai lần ông sai người nhà mang trả giấy báo tử, nói rằng giấy báo nhầm. Cho đến chết ông vẫn nghĩ rồi có ngày chú về, chỉ có điều ông không đợi được nữa rồi. Đó là nguyên do khiến tôi và người nhà rất muốn tìm được chú để đem về cạnh nơi ông nằm.

Tôi đã tìm chú trong rừng bia mộ liệt sĩ không tên ở các nghĩa trang. Tôi từng tìm chú ở nghĩa trang Trường Sơn, nay tôi tìm ở Tịnh Biên và Tri Tôn. Giữa bạt ngàn những hàng mộ không tên, tôi gặp những mộ ghi nơi quy tập về là từ núi Cô Tô. Chú tôi có thể ngay đây thôi, có thể tôi đã đến ngay bên cạnh. Chỉ có điều các chú ở đây đông lắm, khó mà tìm ra được một người.

Chú là một trong số nửa triệu người lính hiện vẫn nằm ở mọi nơi cuộc chiến từng diễn ra, không bia mộ hoặc bia mộ không có tên. Cũng có thể chú vẫn đang nằm ngay dưới những lùm cây mới mọc từ sau chiến tranh ở chân núi Cô Tô. Dẫu sao đi nữa, từ nay dãy núi này đã thành một phần hồn, thành vùng đất thiêng của gia tộc chúng tôi.

Nếu không tìm được mộ chú thì tôi vẫn thấy lòng ấm hơn khi thắp hương và nói với ông: “Ông ạ, chú Tân ở núi Tô. Cũng là núi Phụng Hoàng. Núi này đẹp và thiêng lắm. Bây giờ có đường bay vào thẳng Cần Thơ rồi, núi Tô đâu còn xa xôi như trước đâu ông!”.

TRẦN ĐĂNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên