Chồng tôi là một người đam mê cả công nghệ và thể thao. Quan điểm về dạy con của anh là không cấm cản mà để con trải nghiệm, học cách trưởng thành từ những trải nghiệm như thế. Nên khi thấy con trai bắt đầu có hứng thú chơi game trên điện thoại, bố đã để cho con chơi. Bố chủ động chơi cùng để có thể kiểm soát.
Trước đây, với suy nghĩ chỉ cần tìm một môi trường chơi an toàn cho con nên chồng tôi thường thả con vào nhà sách, thư viện. Nhưng vì bố không yêu sách nên chỉ cho con đi như một dạng vô thức.
Bởi vậy con trai vẫn không có điểm tựa nào ngoài game, rồi thành nghiện game lúc nào không hay.
Không có game, tay chân con biểu hiện như một người nghiện, lờ đờ, không làm được việc gì khác. Tình trạng này kéo dài suốt gần một năm khiến hai vợ chồng thấy thực sự đáng báo động.
Chồng tôi tự nhận thức được vấn đề: Không thể để con tự do được nữa, phải cho con vào khuôn khổ theo dẫn dắt của bố mẹ.
Tự nhận thấy đồ chơi mua sắm đầy nhà con vẫn không thích, cũng không thể bắt đứa trẻ 10 tuổi tập thể thao cả ngày thì sách chính là chiếc phao cứu sinh, có thể làm bạn cùng con mọi lúc mọi nơi.
Và anh đã chủ động chuyển từ một người không thích sách sang tìm hiểu về sách. Đưa con đi nhà sách, anh không để mặc con trong đó như trước. Anh đọc rất nhiều để tìm ra những cuốn phù hợp. Và khi về nhà anh cũng dành thời gian chìm đắm vào sách cùng con.
Với suy nghĩ thích cái gì phải trân trọng thứ đó, anh đã biến phòng đồ chơi của con thành phòng đọc sách. Bất cứ ở đâu có hội sách hay có điều kiện để đưa con đi mua sách, đọc cùng con là có bố đồng hành.
Sự thú vị và tâm huyết của bố cũng dần lôi con thoát khỏi game và chủ động hợp tác trong mọi hoạt động. Phòng sách bây giờ như một góc bí mật, một thế giới riêng của anh trai và em gái 8 tuổi.
Gần đây, tôi có tham gia nhóm "Dạy con trong hạnh phúc" trên Facebook - một nơi chia sẻ kinh nghiệm dạy con của gần 200.000 thành viên. Tôi rất tâm đắc với chuỗi workshop online "Đặt điện thoại xuống, cầm sách lên".
Đây là chương trình do chính các cha mẹ tâm huyết cùng ban quản trị nhóm thực hiện, trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cha mẹ từng bước đưa sách len lỏi vào trong cuộc sống của trẻ.
Sau năm tháng giúp con trai không còn nghiện game, tôi thấy con không còn khó chịu khi làm mọi việc mà kiên nhẫn hơn, kết quả học tập cũng tốt hơn trước. Đặc biệt khi bố mẹ tặng sách vở thì cả hai con đều rất trân quý.
Còn chồng tôi, từ một người chỉ đam mê công nghệ và thể thao, nay có thêm niềm đam mê với sách, chủ động tự lựa những cuốn phù hợp cho cả mình và các con.
Gần đây để tham gia cuộc thi ảnh "Góc sách nhà mình", anh đã tự tay đo đạc, đi mua gỗ về và đóng giá sách mới, thiết kế góc đọc sách riêng cho cô con gái 8 tuổi.
Hóa ra trong cuộc sống, muốn con không nghiện game hay một thứ gì không lành mạnh, cha mẹ phải tìm cách làm cho con "nghiện" cha mẹ trước.
Chỉ khi cha mẹ thay đổi những thói quen, sở thích của bản thân và dành thời gian để đồng hành cùng con, thấu hiểu con thì mới đủ sức để khiến con "nghiện" mình.
Cũng như việc đọc sách với con trẻ vậy, không quan trọng quyển sách đó thế nào mà quan trọng chính cha mẹ cũng cần hiểu và học cách trở thành một phần của quyển sách.
Còn điều gì tuyệt vời hơn khi chúng nhận ra có một kho tàng bí ẩn và thú vị kẹp giữa hai bìa sách, mà chính cha mẹ là người khai mở kho tàng vô giá ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận