27/08/2021 08:45 GMT+7

Đáp lời xin giúp chén cơm từ những cuộc gọi

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Số điện thoại 1022 reo là những người trực sau khi tiếp nhận đã chuyển ngay thông tin đến đội xác minh và nhu yếu phẩm lập tức được trao tận tay người dân đang khẩn cần bất kể ngày đêm.

Đáp lời xin giúp chén cơm từ những cuộc gọi  - Ảnh 1.

7 tấn gạo được các tình nguyện viên vận chuyển để hỗ trợ người khó khăn

Nhiều tháng nay, các bạn tình nguyện viên tại Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch COVID (do Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM thành lập) chưa về nhà.

Sợ và buồn nhất là những cuộc gọi chưa kịp nói gì thì chỉ nghe mỗi tiếng khóc.

Chị Thái Thị Hoài Sơn

Những cuộc gọi có tiếng khóc

23h khuya một ngày tháng 8, mưa đổ xuống, nhưng tại khoảng sân rộng trước Nhà văn hóa Thanh niên (Q.1, TP.HCM) nhóm tình nguyện viên chương trình "Chợ nghĩa tình" (gồm 6 nam, 3 nữ) vẫn đang bốc vác gần 7 tấn gạo trên xe. 

Đây là chuyến hàng thứ 5 trong ngày mà nhóm đã tiếp nhận. "Cố lên, cố lên, vài bao nữa là xong", tiếng của Thanh Tú - chàng đầu bếp 27 tuổi, tình nguyện viên của chương trình - vang lên. Nhìn lên thùng xe gạo còn đầy, ai cũng cười vì biết Tú chỉ muốn động viên.

Không tiếng than, nhưng nhìn những lưng áo đẫm mồ hôi, mới thấy hết sự nặng nhọc nơi đây. Chỉ nặng vỏn vẹn 45kg nhưng chị Thái Thị Hoài Sơn (phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (Thành đoàn TP.HCM) - tổng đài viên, người điều phối chương trình "Chợ nghĩa tình" - vẫn ôm bao gạo 25 kg mà bước đi. 

Hết vòng này đến vòng khác, họ lầm lũi trong đêm cho đến khi thùng xe sạch trơn. Lúc này đã sang ngày mới, họ chia nhau vài tấm cactông rồi trải ngay ra giữa kho để ngủ.

3h sáng, điện thoại reo vang khiến ai nấy trở mình. Chị Sơn dụi mắt vài cái rồi lập tức bắt máy. Chẳng biết từ đâu, khi nào mà trên tay chị đã có sẵn cuốn sổ, cây bút. "Tui xin lỗi vì làm phiền anh chị vào giờ này, nhưng..." - tiếng phụ nữ cao tuổi khóc nức nở rõ qua điện thoại. 

Qua một hồi tâm sự, thông tin chị Sơn nắm được là có hai vợ chồng đã lớn tuổi ở Q.Bình Tân hiện đang thiếu thực phẩm và thuốc huyết áp, tiểu đường. "Sợ và buồn nhất là những cuộc gọi chưa kịp nói gì thì chỉ nghe mỗi tiếng khóc" - chị Sơn xúc động nói.

Đã nhiều tuần, từ sáng sớm đến khuya, điện thoại chị Sơn đổ chuông không nghỉ. Đa số cuộc gọi đều từ người dân đang gặp khó khăn ở khắp các quận huyện của TP với mong muốn nhận hỗ trợ từ chương trình. 

Tuy nhiên, chị kể những ngày qua cũng nhận không ít cuộc gọi khác như nhờ đi chợ hộ, hỏi các khoản trợ cấp, cách đăng ký miễn giảm tiền điện nước... Nhiều người dân ở các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, thậm chí Cần Thơ, cũng gọi xin nhận hỗ trợ. 

"Lúc sáng có chị gọi xin hỗ trợ chai sữa tắm, ít thịt bò và cá. Dù mệt nhưng nhưng chúng tôi vẫn kiên trì giải thích rằng chương trình chỉ có thể hỗ trợ một số nhu yếu phẩm thôi" - chị Sơn kể.

Đáp lời xin giúp chén cơm từ những cuộc gọi  - Ảnh 3.

Anh Chướng (trái) chuẩn bị các phần quà đi hỗ trợ người dân

Trao nhanh chén cơm, viên thuốc

Khắp 24 quận huyện, TP Thủ Đức của TP.HCM đã có 24 kho hàng được chương trình lập để hỗ trợ kịp thời cho các hoàn cảnh khẩn cần.

Từ 6h sáng, nhiều cán bộ, đoàn viên, thanh niên phường Bình Trị Đông (Q.Bình Tân) đã chia các phần rau củ, lương thực ra từng túi nhỏ để gửi tới các hộ khó khăn, các gia đình khu phong tỏa. 

Chị Lê Thị Sa Đam (chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường Bình Trị Đông) đang tất bật với danh sách dày cộm các trường hợp khó khăn. Chị Đam nói rằng một số hộ vừa được hỗ trợ cách đây hai ba ngày nhưng nay đã gọi điện "cầu cứu" khiến danh sách rất lộn xộn. Mỗi suất đều được phân chia đủ dùng trong 7 ngày và buộc phải ưu tiên cho hộ chưa được nhận.

Chị Đam khoe rằng chỉ cần đọc tên là chị đã biết hộ đó được nhận hay chưa, nằm ở trang số mấy trong sổ. "Có nhiều hộ khi đi xác minh thì chúng tôi sẽ phải giải thích rằng đây chỉ là hỗ trợ chứ không thể chăm lo đều đặn được. 

Nhưng cũng có trường hợp quá khó khăn thì cũng phải cân nhắc để hỗ trợ tiếp. Giá như nguồn hàng có nhiều để chia hết cho bà con thì đỡ biết mấy" - chị Đam nghẹn giọng.

Lấy trụ sở UBND phường là nhà, bìa cactông là giường là chăn, suốt hơn ba tháng nay anh Tằng Mành Chướng (bí thư Đoàn thanh niên phường Bình Trị Đông) cùng nhiều tình nguyện viên khác chưa về nhà. 

Lực lượng mỏng nhưng lượng công việc nhóm đảm nhiệm ngày một nhiều. Từ 5h sáng, họ đã chia nhau bố trí, khử khuẩn chỗ tiêm phòng vắc xin, lái xe chở đội ngũ y bác sĩ đi lấy mẫu, chở bệnh nhân F0 đi cách ly, cấp cứu người bệnh, chở oxy cho các F0... cùng hàng trăm việc không tên khác.

Từ ngày một số tổ trưởng khu phố thuộc diện nghi nhiễm phải tự cách ly ở nhà, anh Chướng còn đảm nhiệm xác minh hoàn cảnh. Bất kể ngày đêm, mưa hay nắng, hễ nhận tin báo là anh lại chạy đi. 

"Nhiều hôm vì vội đi xác minh, trao quà rồi còn cả tá công việc ở phường nên tôi chỉ ăn tạm gói mì sống cho xong bữa. Anh em hầu như ai cũng thấm mệt, nhưng vì nhiệm vụ, vì người dân nên phải cố gắng" - anh Chướng tâm sự.

Nói về sự kịp thời, anh Chướng kể từng có trường hợp từ khi tiếp nhận thông tin đến khi trao hỗ trợ chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 10 phút. 

Anh kể: "Đó là hôm trời mưa rất lớn, trong đêm chúng tôi nhận tin có hộ gia đình của phường đã hết thức ăn, lại có người đang bị ốm, nên phải chạy ngay. Khổ nỗi chỉ được một cái áo mưa nên đành để dành đùm gạo, mắm muối, thuốc men, còn mình thì đội mưa".

Đáp lời xin giúp chén cơm từ những cuộc gọi  - Ảnh 4.

Trao lương thực khẩn cấp cho hộ dân tại 634/7 tỉnh lộ 10 - Ảnh: C.TRIỆU

Chuẩn bị tâm lý bị nhiễm

Trong một lần trực tiếp tham gia khử khuẩn tại vùng dịch, anh Lê Trường Hải (28 tuổi, tổ phó bảo vệ dân phố phường Bình Trị Đông) không may trở thành F0. 

Những ngày lâm bệnh, anh nói rằng rất nhớ những buổi sáng cùng mọi người đi hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, phát gạo, chuyển thức ăn đến các hộ dân. Đang là F0 nhưng anh Hải vẫn lo hai cái bình xịt, thuốc men mà anh tự bỏ tiền túi ra mua liệu có còn dùng được hay đã hỏng, trong thời gian mình đi cách ly liệu có ai giúp bà con...

"Kỳ tích" xảy ra khi chỉ sau 7 ngày tự cách ly, điều trị tại nhà, anh hầu như khỏi bệnh. Ngay sau khi hoàn thành đợt cách ly 20 ngày, anh Hải vẫn quyết định trở lại hỗ trợ mọi người trong các hoạt động phòng chống dịch tại phường mình. 

Tôi hỏi anh có lo không khi biết kết quả mình là F0, anh chỉ gãi đầu thành thật bảo không. "Việc chuẩn bị sẵn cho mình tâm lý sẽ mắc bệnh bất kỳ lúc nào khiến tôi nỗ lực hết sức để phòng tránh cho chính mình, tuy nhiên việc trở thành F0 cuối cùng cũng đã xảy ra. Khi bị bệnh chỉ lo anh em sẽ khổ thêm khi phải gánh thêm phần việc của tôi" - anh Hải xúc động kể.

Tôi biết ơn lắm!

Cả hai vợ chồng đều đang thất nghiệp, con nhỏ ốm sốt, gia đình không còn thức ăn, chỉ sau 1 giờ gọi xin hỗ trợ, chị Hoàng Kim Liên (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã nhận được phần hỗ trợ từ chương trình. Đón nhận phần quà, chị Liên khóc tâm sự: "Tôi biết ơn lắm. Mấy ngày tới tôi khỏi lo về thức ăn, sữa và thuốc cho con rồi".

Nhóm bếp, mở chợ cho người khó khăn trong đại dịch Nhóm bếp, mở chợ cho người khó khăn trong đại dịch

TTO - Từng sống tốt nhờ du lịch di sản nhưng suốt 2 năm dịch COVID-19 ập đến, rất nhiều người dân ở Hội An trong chốc lát mất sinh kế. Nhiều người phải chạy ăn từng bữa, cuộc sống phía trước khó khăn chồng chất.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên