Kỳ 1: Đêm khởi đầu kháng chiến Kỳ 2: “Hi sinh đến giọt máu cuối cùng”
Phóng to |
Quân Pháp đổ bộ vào miền Bắc từ cảng Hải Phòng... - Ảnh tư liệu |
Chỉ một đoạn trích ngắn gọn báo cáo gửi về Pháp quốc của đại tá Harkel - chỉ huy khu vực Hà Nội, sử gia Phillippe Devillers đã khái quát được phần nào tinh thần chiến đấu của những người bên kia chiến tuyến với quân đội lê dương.
Phá đài phát thanh để... phát thanh
Điều trớ trêu là mặc dù tướng tá quân sự Pháp tin rằng sẽ chiếm Hà Nội nhanh chóng, nhưng ngay những phút đầu tiên của cuộc chiến tối 19-12-1946, vị đại diện quan trọng của Pháp là Sainteny đã lãnh đạn đối phương. Phillippe Devillers kể rằng “...đúng 20g, điện Hà Nội bị cúp, trong khi tự vệ tấn công các nhà ở của người Pháp tại nhiều điểm. Xe của Sainteny trên đường rời nhà mình đến dinh Cộng Hòa bị trúng mìn, ông ta bị thương nặng nhưng được chuyển đến nơi an toàn. Trước cuộc tấn công “chờ đợi” (và có lẽ đã được gây ra ấy), lập tức quân Pháp phản công và mở rộng cuộc phản công tức khắc đến các cơ quan trung ương của Chính phủ Việt Nam...”.
Tuy nhiên, các toan tính và tác chiến của quân đội Pháp đều không như kế hoạch. Mũi quân đánh thẳng vào Bắc bộ phủ chẳng bắt được ai mà còn chứng kiến sự dũng cảm của quân đối phương. Đặc biệt, kế hoạch của quân đội Pháp làm tê liệt đài phát thanh để ngăn chặn những lời kêu gọi yêu nước cũng thất bại hoàn toàn. Chính tướng Valluy trong một bức thư gửi về Pháp nêu rõ chi tiết “phải kiểm soát những buổi phát thanh của đài Bạch Mai”. Sau đó, kế hoạch hành động cũng được phân tích rằng phá kỹ thuật không thể làm tê liệt hoàn toàn phương tiện truyền thông quan trọng này, chỉ có phương án hủy diệt toàn bộ bằng quân sự. Tuy nhiên, cuối cùng kế hoạch này lại do chính quân tướng Giáp thực hiện để chủ động chuyển đài phát thanh ra ngoài an toàn.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thuận - nguyên phó cục trưởng Cục Cảnh vệ, nhân chứng những ngày vệ quốc năm 1946, ngay từ đầu quân Pháp đã “trắng tay” trong việc dập tắt phương tiện thông tin và tuyên truyền của đối phương. Chính vì vậy, lực lượng vệ quốc vẫn mạnh mẽ tinh thần chiến đấu và chủ động hoàn toàn ở chiến trường. Trung tướng Vương Thừa Vũ, nguyên chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội mùa đông năm 1946, trong cuốn Hà Nội 60 ngày khói lửa tường thuật chi tiết ngay tối 19-12-1946, bản mệnh lệnh chiến đấu của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp gửi Vệ quốc đoàn, dân quân, tự vệ Trung - Nam - Bắc đã truyền đến các đơn vị. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng phát thông báo được cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu, trước khi chuyển về hang Trầm, Hà Tây.
Sự kiện đặc biệt này được ông Nguyễn Văn Cừ - nguyên trung đội trưởng Phó Đức Chính ở Hà Nội, người từng tham gia bảo vệ và chủ động phá hủy Đài Tiếng nói Việt Nam - tường trình chi tiết: “Theo lệnh trên, rút kinh nghiệm ở Sài Gòn, nhiệm vụ của chúng tôi là không để Pháp sử dụng được đài thông tin. Bằng bất cứ giá nào cũng phải phá sập cơ sở kỹ thuật này trước khi chủ lực ta rút khỏi Hà Nội... Tuy được cấp hai quả bom nặng 50kg cùng một số đầu đạn đại bác 75 li, nhưng lại không được hướng dẫn kế hoạch và kỹ thuật phá hoại. Nhiều dãy nhà máy rất rộng lớn nằm rải rác trong khu vực rộng 6ha. Chưa kể bốn cột ăngten cao 75m lừng lững. Những máy móc nhỏ đã được dời đi, còn lại là những cỗ máy lớn có công suất mạnh.
Chúng tôi bàn nhau cách phá số máy móc nặng hàng chục tấn kia bằng bom mìn có trong tay... Sử dụng nguyên lý nổ cộng hưởng. Muốn vậy phải dùng điện trong cùng một lúc kích nổ tất cả các loại bom mìn có sẵn. Một đồng chí thử làm nổ một kíp mìn bằng cách dùng dây điện trở. Thành công ấy chưa làm mọi người yên lòng. Chúng tôi đưa nhau đến trường bắn Tương Mai thực tập... Đại bác của ta ở Pháo Láng đã nổ rền vang... Cầu dao điện được đóng lại, một tiếng nổ trùm lên mọi tiếng nổ. Những cột lửa phun lên cao, gạch ngói và sắt thép rào rào rơi xuống...”.
Nhiều năm nhắc kỷ niệm đặc biệt, trung đội trưởng Cừ tường trình thêm mọi người vừa buồn vừa vui mừng khi thấy đài viễn tín trung tâm ba nước Đông Dương bị phá hủy như kế hoạch để không vào tay đối phương. Rồi họ thu nhặt máy móc còn dùng được, di chuyển về Hang Trầm ở Hà Tây. Trước đó, tại đây đã có một bộ phận chuẩn bị sẵn sàng để Tiếng nói Việt Nam bảo đảm không bị gián đoạn trong kháng chiến.
Phóng to |
...và bắt đầu càn quét vào các làng mạc - Ảnh tư liệu |
Kênh truyền tin đặc biệt
Đặc biệt, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ qua các kênh truyền thông đài phát thanh, mà còn được truyền đạt trực tiếp trong hoàn cảnh Pháp cố tình đánh phá các đường dây thông tin của đối phương. Ông Lê Đức Vân, nguyên trưởng Ban thanh vận Hà Nội, hiện là phó Ban liên lạc cán bộ kháng chiến Hà Nội 1946-1954, hồi tưởng những ngày đầu tháng 12, Pháp đưa xe thiết giáp, xe tăng chạy rầm rầm ở Hà Nội để khiêu khích. Ông Vân được điều về làm trưởng Ban liên lạc kháng chiến liên khu 2 để sẵn sàng. Ngoài tham gia đục tường, đắp lũy chiến đấu trên đường phố, nhiệm vụ quan trọng nhất của ông là giữ vững đường dây liên lạc khi có chiến sự...
Ông Vân nhớ chi tiết lúc ấy thiếu thốn thiết bị liên lạc bằng máy móc, nhưng lại thừa sức người. Thiếu sinh quân và nhiều thiếu niên trạc 14-15 tuổi trong nhân dân Hà Nội tình nguyện làm liên lạc viên. Nhiều em nhỏ tuổi không được nhận vẫn lăn xả vào làm. Tuy bằng sức người, nhưng kênh liên lạc này lại cực kỳ hiệu quả nhờ sự dũng cảm, nhanh nhẹn và thông thạo địa hình.
Đêm 19-12, ông Vân ở làng Sét, Hoàng Mai, đảm bảo kênh liên lạc giữa cấp trên với lực lượng tác chiến liên khu 2. Chiến sự nổ ra lúc 20g03. Nhiều khu vực mất điện hoặc thiếu thiết bị không nghe được mệnh lệnh chiến đấu của tướng Võ Nguyên Giáp và lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Các kênh thông tin bằng sức người đã được huy động truyền đạt đến từng hào lũy chiến đấu. Sau đó cũng chính họ đem các tờ báo Cứu Quốc đăng đầy đủ lời kêu gọi lịch sử này đến trận địa.
Theo ký ức của ông Vân, thật sự lúc ấy dù bản mệnh lệnh chiến đấu và lời kêu gọi kháng chiến đến sớm hay muộn cũng không ảnh hưởng gì đến tinh thần người vệ quốc. Bởi thực tế trước đó, ai cũng đoán trước sẽ có ngày này. Còn lời kêu gọi mang ý nghĩa phát đi tổng hiệu lệnh, động viên tinh thần quân dân. Dưới bom đạn giao tranh khốc liệt, nhiều liên lạc viên trẻ tuổi đã dũng cảm hi sinh để bảo đảm đường dây truyền tin được thông suốt.
Hồi tưởng một thời kháng chiến vệ quốc, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn đến nay tóc đã bạc phơ ở tuổi gần 90 vẫn nhớ lúc ấy mình đang hành quân ở Phú Yên. Ông không bất ngờ với lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì chiến sự đã diễn ra từ trước ở trong này, nhưng cảm xúc vẫn vô cùng mãnh liệt. Ngay sau khi nghe lời kêu gọi sẵn sàng hi sinh để giữ nước, đơn vị ông đã hành quân vào vùng địch hậu Khánh Hòa và tiếng súng rền lên...
Kỳ tới: Giữ vững ngọn cờ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận