15/03/2023 09:00 GMT+7

Đào tạo đại học: Sẽ không còn 'nồi cơm' chất lượng cao?

Theo Bộ GD-ĐT, Luật sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học năm 2018 không còn khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao, nên các trường đại học sẽ không còn chương trình này nữa.

Sinh viên chương trình chất lượng cao Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) tự tin thuyết trình bằng tiếng Anh trong giờ học - Ảnh: THY HUYỀN

Sinh viên chương trình chất lượng cao Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) tự tin thuyết trình bằng tiếng Anh trong giờ học - Ảnh: THY HUYỀN

Trong khi thực tế hiện nay, chương trình chất lượng cao được cho là "nồi cơm" của các trường đại học và đang ngày càng được mở rộng vì chương trình này có mức học phí cao. Nếu không còn chương trình chất lượng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các trường.

Các trường đại học nước ngoài tuyển sinh số lượng ít nhưng học phí rất cao nên phục vụ sinh viên rất tốt. Các trường đại học hàng đầu của Việt Nam nên có định hướng đào tạo theo chuẩn quốc tế bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo, dịch vụ và thu học phí cao. Có như vậy giáo dục đại học Việt Nam mới có thể theo kịp các trường đại học trên thế giới.
Ông NGUYỄN TẤN TRẦN MINH KHANG (phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM)

Chỉ có một chuẩn chương trình đào tạo

Bộ GD-ĐT cho biết Luật giáo dục đại học năm 2018 và thông tư số 17/2021 (quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học) không có khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao. 

Tuy nhiên, thông tư 17/2021 chưa bãi bỏ thông tư số 23/2014 (quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học). Do vậy, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư bãi bỏ toàn bộ thông tư 23/2014.

Theo dự thảo này, chương trình đào tạo chất lượng cao theo thông tư 23/2014 chỉ được áp dụng cho các khóa tuyển sinh trước thời điểm thông tư sắp ban hành có hiệu lực thi hành. Các khóa tuyển sinh đang đào tạo theo chương trình đào tạo chất lượng cao được áp dụng theo thông tư 23 cho đến hết khóa học.

Dù hiện Bộ GD-ĐT đang trong quá trình lấy ý kiến bãi bỏ thông tư 23 nhưng một số trường đại học đã chủ động loại bỏ chương trình chất lượng cao trong đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023 hoặc thay vào đó bằng một tên gọi khác. Trong khi đó phần lớn các trường vẫn công bố tiếp tục dành chỉ tiêu tuyển sinh riêng cho chương trình chất lượng cao.

Liên quan đến việc này, lãnh đạo các trường đại học đang có cách hiểu khác nhau dẫn đến các quyết định khác nhau. Một số cho rằng dự thảo thông tư bãi bỏ thông tư 23 có lý giải việc không còn áp dụng thông tư trên nữa vì theo Luật giáo dục đại học 2018 và thông tư 17, ở các trường đại học chỉ có chung một chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo. 

Vì vậy sẽ không có chương trình chất lượng cao với chuẩn đầu ra khác với chuẩn đầu ra của chương trình đại trà. Tức là việc đặt tên gọi thế nào thì tùy các trường, khác nhau về phương thức tổ chức đào tạo nhưng phải giống nhau về chuẩn đầu ra.

Một số khác cho rằng các trường đã đạt chuẩn kiểm định nên vẫn tiếp tục đào tạo chất lượng cao theo quy định. Trong khi đó lãnh đạo của không ít trường cho rằng nếu không được tuyển sinh mới chương trình chất lượng cao thì chắc chắn các trường sẽ tìm cách lách để tiếp tục đào tạo và tuyển sinh mới chương trình này.

Theo thông tin tuyển sinh 2023 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM công bố, năm nay nhà trường không còn tuyển sinh chương trình chất lượng cao như những năm trước đây nữa. Lý giải về việc này, ông Bùi Quang Hùng, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Trong chiến lược đào tạo công dân toàn cầu, mỗi ngành đào tạo của trường sẽ có chương trình chuẩn tiếng Việt, chương trình tiếng Anh toàn phần và chương trình tiếng Anh bán phần trên nền tảng một chương trình chuẩn. Tất cả chương trình chuẩn của trường đã tiệm cận chuẩn chương trình chất lượng cao".

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng chỉ tuyển sinh một chương trình chuẩn, không còn chương trình chất lượng cao. Theo ông Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - phó hiệu trưởng nhà trường, hiện nay trường đã tự chủ, được thu học phí cao nên không tuyển sinh chương trình chất lượng cao nữa.

"Thực sự trước đây các trường tồn tại được một phần nhờ chương trình chất lượng cao, vì với học phí chương trình đại trà, các trường chưa tự chủ gặp nhiều khó khăn. Với chương trình chất lượng cao được thu học phí cao hơn, trường có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn, không chỉ sinh viên chất lượng cao mà sinh viên đại trà cũng được hưởng lợi. 

Nếu trường chưa tự chủ mà không còn được đào tạo chương trình chất lượng cao thì rất đáng lo ngại. Nay với chủ trương đẩy mạnh việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học, nguồn thu học phí từ chương trình đại trà tuy không bằng mức của chương trình chất lượng cao trước đây nhưng phần nào trang trải được chi phí của trường. Do vậy, trường chúng tôi chỉ tuyển sinh chương trình tiêu chuẩn" - ông Khang nói.

Đồ hoạ: T.ĐẠT

Đồ hoạ: T.ĐẠT

Thay chất lượng cao bằng tên khác

Thông tin tuyển sinh 2023 của các trường khác thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM đều không còn chương trình chất lượng cao nữa mà thay bằng tên gọi khác: "chương trình dạy bằng tiếng Anh", "chương trình đào tạo chuẩn quốc tế"… 

Ông Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - cho biết: "Trong thời gian chờ thông tư mới của Bộ GD-ĐT, trường đổi tên chương trình chất lượng cao thành chương trình đào tạo chuẩn quốc tế và tuyển sinh tiếp trong năm nay. Nhà trường vừa bắt đầu thực hiện tự chủ và cũng có định hướng trong vài năm tới sẽ không còn chương trình đào tạo chất lượng cao nữa mà chỉ có chung một chuẩn chương trình đào tạo".

Ông Cù Xuân Tiến, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay năm 2022 trường đã có những bước chuẩn bị trước về rà soát chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… để xây dựng đề án tuyển sinh năm 2023. Những năm đầu mở chương trình chất lượng cao, điểm chuẩn các ngành thấp hơn chương trình đại trà nhưng hiện nay hầu hết các ngành chương trình chất lượng cao có điểm chuẩn tương đương, thậm chí cao hơn đại trà.

"Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và chăm sóc người học, năm 2023 nhà trường đã cấu trúc lại các chương trình đào tạo chuẩn và chương trình đào tạo chất lượng cao chuyển thành "chương trình đào tạo tiếng Việt" và "chương trình đào tạo tiếng Anh". 

Cả hai chương trình mới này đều có những tiêu chuẩn nâng cao so với các chương trình đào tạo trước đây. Trong đó có một số điểm nổi bật: sĩ số lớp sinh viên ít (chương trình tiếng Việt: 60 sinh viên, chương trình tiếng Anh: 40 sinh viên), phòng học máy lạnh và trang thiết bị học hiện đại" - ông Tiến cho biết thêm.

Nói về tuyển sinh chương trình chất lượng cao, ông Lê Văn Hiển - phụ trách phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - nhận xét: "Hiện nhiều trường dành chỉ tiêu riêng cho chương trình chất lượng cao với học phí cao nên điểm chuẩn thường thấp hơn. Việc tuyển sinh như vậy không đúng theo tinh thần thông tư 23. Trong khi tại trường chúng tôi tuyển sinh chương trình chất lượng cao từ số thí sinh trúng tuyển đầu vào chương trình đại trà. 

Sau khi có thông tư mới của Bộ GD-ĐT, trường sẽ bỏ tên gọi chương trình đào tạo chất lượng cao và thay vào đó là chương trình tăng cường tiếng Anh, tăng cường tiếng Pháp, tăng cường tiếng Nhật. Học phí của các chương trình đào tạo này trường vẫn giữ ổn định mức thu như đã công bố trước đây theo quy định của Chính phủ".

Sinh viên chương trình chất lượng cao Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trong giờ học - Ảnh: THƯƠNG NGUYỄN

Sinh viên chương trình chất lượng cao Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trong giờ học - Ảnh: THƯƠNG NGUYỄN

"Bỏ chương trình chất lượng cao là đi ngược lại xu hướng phát triển"

Theo ông Trần Hoàng Hải - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, đào tạo chất lượng cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực của người học về ngoại ngữ và điều kiện tài chính. Ông cho rằng, với thực tế hiện nay, cần chấp nhận sự phân biệt giữa những người có năng lực ngoại ngữ và điều kiện kinh tế phải được tiếp cận chương trình học tốt hơn so với chương trình đại trà.

"Buộc các trường chỉ đào tạo chương trình đại trà là sự thụt lùi và đi ngược lại với xu hướng phát triển. Trường chúng tôi đang phấn đấu xây dựng thêm chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với sĩ số lớp khoảng 20 sinh viên, có mức học phí cao hơn.

Nếu không có chương trình chất lượng cao, dẫn đến việc không được thu học phí cao với chương trình này thì sẽ không có trường nào đủ sức đầu tư phát triển dạy chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh được. Như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai" - ông Hải nhấn mạnh.

Thông tin tuyển sinh năm 2023 của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM vẫn có chương trình đào tạo chất lượng cao - Ảnh chụp màn hình

Thông tin tuyển sinh năm 2023 của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM vẫn có chương trình đào tạo chất lượng cao - Ảnh chụp màn hình

Vẫn tiếp tục đào tạo, tuyển sinh

Ông Nguyễn Anh Vũ, trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng chương trình chất lượng cao của trường này được thực hiện theo đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học được Bộ GD-ĐT phê duyệt.

"Hiện tại Bộ GD-ĐT chưa có các văn bản pháp quy chính thức về việc bãi bỏ chương trình đào tạo này, cho nên việc đào tạo và tuyển sinh dự kiến năm 2023 đối với chương trình này vẫn được tiến hành bình thường.

Mặt khác, trong nội dung dự thảo bộ đã gửi lấy ý kiến các cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo chất lượng cao đang đào tạo được thực hiện theo điều kiện chuyển tiếp tại nghị định số 81/2021.

Nhà trường hiện đã có sáu chương trình đào tạo được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn AUN - QA, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và thủ tục kiểm định các chương trình chất lượng cao theo quy định" - ông Vũ nói.

Cũng theo ông Vũ, chương trình chất lượng cao của trường là hướng phát triển nâng cao, có các điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn chương trình chuẩn với nhiều điểm khác biệt: chương trình đào tạo được quốc tế hóa, tiếp cận chương trình của các trường đại học quốc tế; nhiều học phần chuyên ngành được giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh; cơ hội chuyển tiếp học tập nước ngoài theo mô hình 1+3, 2+2, 3+1; tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, trao đổi sinh viên tại các trường đại học nước ngoài uy tín...

Thăm dò ý kiến

Bộ Giáo dục và Đào dự kiến từ khóa tuyển sinh năm 2023, tất cả các trường đại học sẽ không được tuyển sinh và đào tạo mới chương trình chất lượng cao. Bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Trường Đại học Hồng Đức đào tạo đa ngành hiệu quả, hướng tới chất lượng caoTrường Đại học Hồng Đức đào tạo đa ngành hiệu quả, hướng tới chất lượng cao

Cách đây hơn 25 năm, ngày 24-9-1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 797/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Hồng Đức trên cơ sở 3 trường cao đẳng gồm: cao đẳng sư phạm, cao đẳng kinh tế - kỹ thuật và cao đẳng y tế Thanh Hóa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên