Ngày 23-7, bà Phạm Thị Hương, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, cho biết đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi xin 50 tỉ đồng để nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Thới Lới.
Hồ nằm trên miệng núi lửa triệu năm ở phía đông đảo Lý Sơn.
Hồ chứa nước trên miệng núi lửa triệu năm
Hồ chứa nước Thới Lới được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng năm 2010, đưa vào khai thác năm 2012, dung tích chứa 270.000m3, cao trình đập hơn 120m, chiều dài thân đập 208m, kết cấu bê tông chịu lực; phục vụ tưới tiêu cho 60ha đất sản xuất nông nghiệp.
UBND huyện Lý Sơn cho biết từ khi hồ chứa nước Thới Lới vận hành đã trở thành nguồn cung cấp nước cực kỳ quan trọng cho sinh hoạt và sản xuất ở đảo Lý Sơn.
Tuy nhiên, hiện hồ bồi lấp, hạn chế dung tích chứa, nên chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất ở thôn Đông An Hải.
Trong những năm qua, Lý Sơn trở thành "đảo khát" khi mùa hạn đến.
Những trạm quan trắc trên đảo cho số liệu nhiễm mặn ngày một trầm trọng. Nguồn nước ngầm trên đảo đang giảm đi nhanh chóng.
Vì vậy, UBND huyện Lý Sơn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi phân bổ nguồn kinh phí 50 tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Thới Lới để tăng sức chứa, tăng khả năng cung cấp nước, hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm như hiện nay.
Việc sửa chữa, nâng cấp hồ trở nên cấp thiết, trong bối cảnh Chính phủ quy hoạch đảo Lý Sơn trở thành đô thị du lịch biển và vững về an ninh quốc phòng.
Hồ chứa nước Thới Lới thực tế là miệng núi lửa Thới Lới hình thành khoảng 1 triệu năm trước. Vì thế, việc sửa chữa, nâng cấp không thể mở rộng diện tích hồ mà chỉ nạo vét bùn lắng, nâng cao trình đập ngăn để tăng sức chứa.
Với tính cấp thiết của việc nâng cấp hồ, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xem xét đề xuất.
Trước ngày 10-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của UBND huyện Lý Sơn.
Lý Sơn rộng 10km2 mà có hơn 2.100 giếng nước
Huyện đảo Lý Sơn rộng 10km2, dân số khoảng 22.000 người, diện tích đất nông nghiệp hơn 300ha. Đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc ngư nghiệp và trồng hành tỏi.
Trong những năm gần đây, du lịch ở Lý Sơn phát triển nhanh chóng, cơ cấu ngành nghề từng bước được dịch chuyển sang du lịch, dịch vụ.
Năm 2014, điện lưới được đưa từ đất liền ra Lý Sơn chấm dứt tình trạng thiếu điện, Lý Sơn cũng tăng tốc phát triển từ đó. Vấn đề mới được đặt ra là thực trạng thiếu nước ngọt ngày một trầm trọng, hiện chưa có phương án triệt để.
Toàn đảo hiện có hơn 2.100 giếng nước (mật độ hơn 210 giếng/km2), toàn đảo chỉ có duy nhất hồ chứa nước Thới Lới. Vì vậy gánh nặng nước tưới, sinh hoạt vẫn là khai thác nước ngầm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng rà soát, tính toán cần 250 tỉ đồng đầu tư hệ thống thu gom, dự trữ nước mặt vào các bể tập trung để "giải khát" cho Lý Sơn. Dự án đến nay vẫn chưa thành hình.
Đảo Lý Sơn được tạo thành từ việc phun trào của núi lửa, cách đây khoảng 25-30 triệu năm.
Ở đảo lớn có 5 miệng núi lửa, lớn nhất là miệng núi lửa Thới Lới có đường kính khoảng 0,35km, kết cấu miệng núi lửa khá sâu, bao quanh là dốc đứng; tận dụng địa thế này, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng hồ chứa nước Thới Lới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận