09/11/2023 09:39 GMT+7

Đạo diễn Parasite và những hồi tưởng chân trời sau cánh cửa vàng

Có lẽ không bao giờ đếm hết số lần những thanh niên nam nữ đứng trước căn phòng có cánh cửa màu vàng ấy. Họ tìm kiếm điều gì? Một góc để náu mình? Một chốn dung thân cho những tín đồ điện ảnh?

Đạo diễn Bong Joon Ho - tác giả Parasite, phim Hàn Quốc đầu tiên đoạt Oscar Phim hay nhất - và những người bạn ở câu lạc bộ - Ảnh: IMDb

Đạo diễn Bong Joon Ho - tác giả Parasite, phim Hàn Quốc đầu tiên đoạt Oscar Phim hay nhất - và những người bạn ở câu lạc bộ - Ảnh: IMDb

Rất nhiều năm sau này, đạo diễn Bong Joon Ho - tác giả của Parasite (Ký sinh trùng) - hồi tưởng lại những ngày khi ông còn trẻ, lùng sục chỗ bán đĩa phim để tìm mua các kiệt tác điện ảnh, những ngày mà thế giới của ông dường như chỉ xoay quanh những bộ phim.

Trong phim tài liệu Yellow Door: '90s Lo-fi Film Club (Yellow Door: Câu lạc bộ phim Hàn thập niên 1990) của đạo diễn Lee Hyuk Rae - bộ phim trực tuyến dành cho những người yêu điện ảnh trên toàn thế giới, khán giả không chỉ được chiêm ngưỡng "chân dung chàng nghệ sĩ trẻ" Bong Joon Ho mà còn là bức tranh vẽ một thế hệ trẻ đam mê điện ảnh ở Hàn Quốc những năm 1990.

YELLOW DOOR: '90s LO-FI FILM CLUB | Official Trailer

"Cánh cửa vàng" của một nền điện ảnh

Những người trẻ ấy khác nhau về tuổi tác, theo đuổi những ngành học khác nhau nhưng gặp nhau ở tình yêu với môn nghệ thuật thứ bảy.

Từ ý tưởng của một cá nhân, một mô hình câu lạc bộ phim ảnh ra đời, ở đó họ cùng nhau xem các kiệt tác điện ảnh chiếu trên chiếc tivi thùng trong một căn phòng nhỏ với cánh cửa và tường vách được sơn vàng. Cái tên Yellow Door (Cánh cửa vàng) cũng ra đời từ đó.

Vào những năm 2000, điện ảnh Hàn Quốc bùng nổ với hàng loạt tên tuổi đạo diễn, những bộ phim xuất hiện ồ ạt ở các liên hoan phim, giành được nhiều giải thưởng danh giá mà có lẽ đỉnh điểm là giải Oscar năm 2020 cho phim Parasite (Ký sinh trùng).

Trong Yellow Door, Bong Joon Ho bộc bạch khi phóng viên nước ngoài hỏi ông vì sao điện ảnh Hàn phát triển nhanh như vậy, ông đã nói về thế hệ của ông, những tín đồ điện ảnh của những năm 1990, những người đã nghiên cứu điện ảnh nghiêm túc và từ tín đồ điện ảnh trở thành những người làm điện ảnh, định nghĩa điện ảnh.

Trong số các thành viên của Yellow Door, vài người sau này trở thành đạo diễn phim, nhà sản xuất, giảng viên dạy điện ảnh.

Cũng có người chọn kinh doanh, làm giáo viên dạy toán...

Nhiều năm sau, vượt qua khoảng cách thời gian và địa lý, trong bộ phim tài liệu này họ ngồi lại cùng nhau hồi tưởng lại những ngày tuổi trẻ nhiệt huyết, chìm đắm trong nghệ thuật.

Sau này dù làm ngành nghề gì, những năm tháng ngồi trong căn phòng có cánh cửa vàng đã giúp họ nuôi dưỡng tình yêu điện ảnh.

Có người nhận ra rằng mình không còn xem phim như trước được nữa mà vừa xem vừa phân tích. Họ làm những tập san có tuổi thọ ngắn ngủi, ở đó họ viết những cảm nhận về điện ảnh.

Khi đạo diễn Bong Joon Ho thành danh, trong một buổi lễ tôn vinh Francis Ford Coppola, Bong được chọn là người vinh dự trao giải cho Coppola.

Đạo diễn Bong đã nhắc lại kỷ niệm khi làm tập san của Yellow Door, ông đã vẽ những phân cảnh trong phim kinh điển The Godfather (Bố già) để phân tích.

Các thành viên câu lạc bộ Yellow Door (Cánh cửa vàng) - Ảnh: Hollywood Reporter

Các thành viên câu lạc bộ Yellow Door (Cánh cửa vàng) - Ảnh: Hollywood Reporter

Những nhiệt thành vụng về, đẹp đẽ

Xem Yellow Door, khán giả còn có cơ hội được thấy những thước phim ngắn đầu tay của Bong Joon Ho được làm trong thời gian sinh hoạt ở đây.

Chỉ với một con khỉ đột đồ chơi cùng bối cảnh đơn giản, dụng cụ thô sơ nhưng ông cùng bè bạn đã làm một phim trên hai mươi phút theo phong cách hoạt hình tĩnh vật với tên gọi Looking for Paradise.

Điều thú vị chính là sự hài hước nhẹ nhàng của các thành viên và ở việc khai thác câu chuyện khác nhau theo trí nhớ của mỗi người khi cùng nhắc đến một sự kiện. Bong Joon Ho gọi điều này là "hội chứng Rashomon".

Chẳng hạn cùng xem Looking for Paradise nhưng một thành viên chỉ nhớ phim kéo dài chừng năm phút, bà còn lẫn lộn nhân vật chính diện thành phản diện và ngược lại.

Chúng ta không nghe các câu chuyện ấy để tìm kiếm một xác tín mà tìm kiếm cái hạnh phúc của tuổi trẻ, sự bồng bột đáng yêu, những nhiệt thành vụng về.

Tất cả tạo nên một thước phim hoài niệm đẹp đẽ về năm tháng một đi không trở lại, về cái cách mà tình yêu nghệ thuật được nuôi dưỡng và đưa ta tiến xa đến đâu.

Có những độc giả không thành tác giả, có những người mê phim không thể trở thành nhà làm phim. Thì có sao đâu khi trong đời ta may mắn phải lòng thứ chi một cách chân thành và say mê, dẫu chỉ một lần đi nữa.

Như một lẽ tất nhiên, Viện phim Yellow Door đến lúc cũng giải tán, mỗi người một ngả tìm kiếm những chân trời khác. Và đó là khi những câu chuyện mới bắt đầu.

Đạo diễn Bong Joon Ho là một trong những nhà làm phim có tầm ảnh hưởng của nền điện ảnh Hàn Quốc.

Ông là tác giả của Memories of Murder, The Host, Snowpiercer, Parasite, Okja...

Ông từng giành ba giải Oscar, giải Cành cọ vàng của Liên hoan phim Cannes và được trang Metacritic xếp vào top 25 đạo diễn xuất sắc nhất thế kỷ 21.

Vì sao "Mộng du" được Bong Joon Ho khen là phim kinh dị độc đáo nhất thập kỷ?Vì sao 'Mộng du' được Bong Joon Ho khen là phim kinh dị độc đáo nhất thập kỷ?

'Mộng du' cũng là đại diện Hàn Quốc được chọn trình chiếu tại Tuần lễ dành cho nhà phê bình ở Liên hoan phim Cannes 2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên