05/02/2023 10:49 GMT+7

Đằng sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc là gì?

Một số câu hỏi nổi lên sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc bay sang Mỹ - sự việc có thể đưa vòng xoáy căng thẳng Mỹ - Trung năm 2023 xuống một mức sâu hơn.

Thử giải mã vụ khinh khí cầu Trung Quốc - Ảnh 1.

Khinh khí cầu của Trung Quốc bị phát hiện “bay lạc” vào không phận Mỹ tại bang Montana - Ảnh: AP

Mặc dù Bắc Kinh đã bày tỏ sự lấy làm tiếc về vụ một 'khinh khí cầu thời tiết' của họ bị 'thổi bay lạc hướng' khi nó bị phát hiện ở bang Montana gần các căn cứ hạt nhân của Mỹ, nhưng rõ ràng Washington chưa thỏa mãn với giải thích này.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung đang leo thang, khiến phía Mỹ tuyên bố hoãn chuyến đi quan trọng của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Trung Quốc chỉ vài giờ trước khi khởi hành. Đây được coi là một mức thấp mới trong quan hệ hai nước.

Washington phản ứng có tính toán

Tuy nhiên, một số câu hỏi nổi lên xung quanh sự cố này. Nếu mục đích của khinh khí cầu Trung Quốc là thu thập thông tin quân sự như phía Mỹ tố cáo thì liệu các hoạt động tình báo như vậy giữa các quốc gia có phải là hy hữu?

Ngoài ra, tại sao Trung Quốc lại sử dụng khinh khí cầu vốn bị đánh giá thấp cho mục đích thu thập thông tin trong khi họ đã có hệ thống vệ tinh giám sát toàn cầu? Tất nhiên phía Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng đó là phương tiện theo dõi thời tiết do kích thước lớn của nó. Nhưng liệu cách chính quyền Mỹ phản ứng như vậy đã phù hợp?

Thứ nhất, việc các nước sử dụng thiết bị do thám lẫn nhau không phải là điều mới lạ hay đáng ngạc nhiên. Các hoạt động theo dõi, thậm chí lấy cắp thông tin của nhau luôn là một phần trong chính sách của các quốc gia, đặc biệt giữa các nước có quan hệ không êm ả. Do đó, các hoạt động do thám hay tình báo thường được coi là một yếu tố nhạy cảm có nhiều khả năng đẩy căng thẳng lên cao nếu một trong hai bên không nhượng bộ.

Trong quá khứ, Mỹ và Trung Quốc không phải chưa từng có sự cố về các hoạt động do thám lẫn nhau. Tháng 4-2001, một máy bay do thám EP3 của Mỹ đã va chạm với máy bay chiến đấu của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông và phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Sự kiện này được coi là gây căng thẳng cho quan hệ ngoại giao hai nước trong những tháng đầu tiên của chính quyền tổng thống George W. Bush. Trung Quốc đã giữ phi hành đoàn EP3 gồm 24 người trong 11 ngày sau vụ va chạm. Bắc Kinh chỉ thả họ sau khi Washington nói "rất lấy làm tiếc" về cái chết của phi công Trung Quốc và việc máy bay do thám EP3 hạ cánh xuống đảo Hải Nam mà không được phép.

Lần đó, Trung Quốc đã "không làm lớn chuyện" khi họ cũng cần gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm 2001. Còn lần này, phía Mỹ đã phản đối mạnh mẽ thông qua ngoại giao nhưng quyết định không bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc cho đến ngày 4-2. Đây cũng được coi là phản ứng có tính toán của Washington.

Trung Quốc muốn gửi thông điệp?

Thứ hai, một hành động phản ứng mạnh mẽ, dù là ngoại giao hay chính trị, đối với hành vi được coi là do thám hay gián điệp của phía bên kia thường mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn là bản chất của sự việc đó.

Trong trường hợp "khinh khí cầu do thám" của Trung Quốc, điều này càng rõ ràng hơn khi năng lực do thám của khinh khí cầu được cho là khá thấp so với các thiết bị do thám khác như vệ tinh và cũng dễ bị phát hiện. Trung Quốc chắc cũng biết rõ điều này và hẳn họ cũng không mong đợi khinh khí cầu có thể lẩn tránh được hệ thống giám sát phòng không chặt chẽ của Mỹ.

Một viên chức Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 3-2 cũng tuyên bố hoạt động của khinh khí cầu không gây ra "mối đe dọa quân sự" nào nhưng "vi phạm luật quốc tế". Nên nhiều khả năng đây chỉ là cách Bắc Kinh muốn gửi thông điệp tới Washington trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken và đo phản ứng của chính quyền Mỹ. 

Nếu Washington không làm gì thì quả là "mất mặt". Lúc đó, không chỉ Trung Quốc mà phía đối lập ở Mỹ cũng được dịp chỉ trích cách xử lý của chính quyền là khá "mềm yếu" với Trung Quốc.

Thứ ba, một vấn đề quan trọng có thể thấy từ sự cố này chính là sức ép từ chính giới Mỹ lên cách xử lý của chính quyền Tổng thống Biden đối với Trung Quốc. Nếu Washington có thái độ mềm mỏng xử lý vụ khinh khí cầu để không ảnh hưởng đến quan hệ hai nước vốn đang căng thẳng, ông Biden sẽ mất nhiều ảnh hưởng trong các cuộc vận động tranh cử quan trọng của năm 2023.

Hiện nay giới chính trị gia ở Washington, dù thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ, đều có quan điểm khá nhất quán về Trung Quốc. Bắc Kinh được xem là mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng bị cho là đang có sự quan tâm vào các công nghệ quan trọng từ quốc phòng, quân sự, khoa học, nghiên cứu và doanh nghiệp Mỹ.

Do đó, chính quyền Tổng thống Biden dù thận trọng không "làm lớn chuyện" với Trung Quốc để tránh đưa thế đối đầu Mỹ - Trung lên tầm mức mới nhưng cũng phải có phản ứng phù hợp để "vuốt ve" các chính trị gia Đảng Cộng hòa muốn Mỹ phải có hành động cứng rắn hơn với Trung Quốc khi họ cho rằng đây không chỉ là hành động "do thám tình báo" của Trung Quốc mà còn "vi phạm không phận" nước Mỹ.

Chờ một bên làm hòa trước

Bất kỳ một sự cố tưởng chừng đơn giản như một "khinh khí cầu có năng lực do thám thấp" cũng có thể đưa vòng xoáy căng thẳng Mỹ - Trung trong năm 2023 xuống một mức sâu hơn. Thế giới đang chờ đợi bên nào sẽ chìa tay ra trước "làm hòa" khi đây không phải là chuyện mới giữa các quốc gia.

Mỹ phát hiện "khinh khí cầu do thám" thứ hai của Trung Quốc ở Mỹ LatinMỹ phát hiện 'khinh khí cầu do thám' thứ hai của Trung Quốc ở Mỹ Latin

Lầu Năm Góc cho biết đã phát hiện 'khinh khí cầu do thám' thứ hai của Trung Quốc ở Mỹ Latin, trong khi chiếc khinh khí cầu thứ nhất vẫn đang lang thang ở miền trung nước Mỹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên